Sáng 4/1, TAND thành phố Hà Nội tiếp tục phiên tòa sơ thẩm xét xử Vũ "nhôm", 2 cựu Chủ tịch Đà Nẵng và 18 bị cáo liên quan vụ thất thoát hơn 22.000 tỷ đồng xảy ra ở Đà Nẵng.
Trả lời Hội đồng xét xử, bị cáo Vũ cho biết bản thân là Chủ tịch các Công ty Xây dựng 79 và Xây dựng Bắc Nam 79. Ngoài ra, bị cáo còn nắm cổ phần tại các doanh nghiệp như Công ty TNHH I.V.C; Minh Hưng Phát; Nhất Gia Phúc. Đây là các doanh nghiệp có tính gia đình, việc mua bán nhà đất tại Đà Nẵng do ông Vũ quyết định.
Vũ "nhôm" cho rằng cáo trạng truy tố mình không chính xác vì để mua các dự án, ông ký đơn hoặc Công ty có tờ trình gửi tới UBND thành phố còn giải quyết hay không là thẩm quyền của UBND thành phố, tất cả đều qua đường văn thư.
"Số liệu về nhà đất trong cáo trạng đúng nhưng tiền hoa hồng, tiền trước tiền sau là không đúng", bị cáo Vũ nói.
Bị cáo Phan Văn Anh Vũ.
Khi hỏi về mối quan hệ với lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, Phan Văn Anh Vũ khẳng định, ông không có quan hệ với lãnh đạo thành phố mà bản thân làm doanh nghiệp nên tên tuổi của Bí thư, Chủ tịch thì ông phải biết nhưng không có quan hệ.
Tôi mà bị xác định có tội sẽ khởi kiện các Công ty đã bán nhà
Bị cáo Phan Văn Anh Vũ
Do Vũ bị cách ly trước đó, chủ tọa cho biết, một số bị cáo khai bán đất cho doanh nghiệp của Vũ vì có điện thoại của lãnh đạo thành phố yêu cầu.
Đáp lời Chủ tọa, Phan Văn Anh Vũ nói, khai gì cũng phải có chứng cứ "tôi không hiểu tại sao các anh chị lại khai như vậy. Tôi mà bị xác định có tội sẽ khởi kiện các Công ty đã bán nhà cho bị cáo, để bị cáo phải vào vòng lao lý. Viện kiểm sát bảo vệ bên bán, phải bảo vệ thêm bên mua. Bị cáo chỉ bên mua, anh bán phải chịu trách nhiệm. Bị cáo mua từ Công ty nhà nước, không phải mua từ doanh nghiệp đầu đường xó chợ", Vũ nói.
Cũng trong phần xét hỏi, Vũ trình bày về việc bị tịch thu 29.000 đôla Singpore, 1 đồng hồ Rolex, rất nhiều điện thoại, máy tính xách tay nhưng việc này không được ghi vào cáo trạng.
Vũ nói thêm đến hôm này (4/1) là tròn 2 năm mình bị giam giữ khi về trình diện nhưng ông khẳng định, bản thân không nhận quyết định truy nã nào và cũng không bị bắt. Ông Vũ nói, khi sang Singapore xem tivi thấy ở nhà bị khám xét nên tự vào đồn công an Singapore để bảo họ đưa về.
Một điều đáng chú ý, trong phần khai báo của mình, bị cáo Phan Văn Anh Vũ đã đề nghị HĐXX và các cơ quan thông tấn báo chí không được gọi tên ông là Vũ "nhôm".
"Tên thật cha sinh mẹ đẻ đặt cho bị cáo là Phan Văn Anh Vũ, người ta cứ gọi là Vũ 'nhôm', bị cáo thấy không phải", bị cáo Vũ nói.
Sau lời nói của Vũ, thẩm phán Trần Nam Hà đã đề nghị các cơ quan báo chí đưa tin trung thực, khách quan, tôn trọng quyền cá nhân của bị cáo theo đúng Luật Báo chí, Luật An ninh mạng.
Theo cáo trạng, cựu Chủ tịch UBND Đà Nẵng Trần Văn Minh bị cáo buộc ký ban hành các văn bản chỉ đạo chủ trương xử lý nhiều nhà đất công sản và dự án trái quy định. Trong vụ án, ông Minh có vai trò chính, trực tiếp cùng các bị cáo khác phạm tội.
Các bị cáo đã tạo điều kiện cho Phan Văn Anh Vũ nhận chuyển giao tài sản, quyền quản lý, khai thác đối với 15/22 nhà, đất công sản và 6/7 dự án. Từ đó, Vũ có cơ hội trục lợi, gây thiệt hại hơn 22.000 tỷ đồng .
Còn ông Văn Hữu Chiến khi còn là Phó chủ tịch TP Đà Nẵng đã thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch Trần Văn Minh, ký ban hành các quyết định cho phép chuyển nhượng và phê duyệt giá chuyển nhượng nhiều nhà, đất công sản và dự án trái quy định. Viện kiểm sát quy kết bị cáo Văn Hữu Chiến là đồng phạm giúp sức cho ông Trần Văn Minh.