Bị cáo Nguyễn Đức Chung: Sẵn sàng nhận tất cả trách nhiệm, bán nhà nếu phải bồi thường

ĐỖ TRUNG |

Ngày 26-8, tại phiên xét xử vụ án nâng giá cây xanh, bị cáo Nguyễn Đức Chung (cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội) nói rằng thời điểm ông sang làm Chủ tịch, TP Hà Nội không có vốn để thực hiện trồng cây gì, trồng như thế nào. Đây là một trong những nội dung thuộc phần tự bào chữa của bị cáo, sau khi nghe bản luận tội đề nghị hình phạt 2-3 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Bị cáo Nguyễn Đức Chung: Sẵn sàng nhận tất cả trách nhiệm, bán nhà nếu phải bồi thường - Ảnh 1.

Mong xem xét bối cảnh

Tự bào chữa, bị cáo Nguyễn Đức Chung đã nêu hoàn cảnh, bối cảnh mà bản thân ông bị quy kết lợi dụng chức vụ trong vụ án nâng giá cây xanh.

Cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết, thời điểm ông mới làm chủ tịch, thành phố cắt giảm ngân sách từ 42% xuống 32%, do đó thành phố rà soát cắt giảm các hoạt động chi không cần thiết, trong đó có những gói thầu của Sở Xây dựng đã đề xuất và thực hiện (các gói cắt cỏ và trồng cỏ trên Đại lộ Thăng Long; đường Võ Nguyên Giáp).

Thời điểm đó, cây không được cắt tỉa, mỗi năm đổ tới vài trăm cây, thậm chí có năm có tới 1.800 cây bị đổ, thiệt hại cho người đi đường, tài sản của nhân dân. Khi Công ty Cây xanh thực hiện thì hoàn toàn thủ công, mỗi năm rơi, chết và bị thương từ 5 đến 9 cán bộ công nhân.

Bị cáo Chung cho biết, trước thực trạng đó đã quyết định cắt tỉa tập trung, nguồn vốn được HĐND thông qua, đã có chủ trương, phê duyệt, có dự toán và chỉ còn trình quyết định.

Bị cáo Nguyễn Đức Chung: Sẵn sàng nhận tất cả trách nhiệm, bán nhà nếu phải bồi thường - Ảnh 2.

Bị cáo Nguyễn Đức Chung

“Do đó, tôi mới quyết định cho triển khai trồng và cắt tỉa song song với việc trình quyết định. Đây là ý mà tôi mong Viện kiểm sát bổ sung, xem xét điều kiện hoàn cảnh”, bị cáo Chung mong muốn và nói tiếp, việc thành phố trồng 600.000 cây keo trên 34 tuyến và Đại lộ Thăng Long không tổ chức đấu thầu cũng là có lý do.

Theo bị cáo, việc trồng keo sẽ tiết kiệm được 230 tỷ đồng/ năm không phải cắt tỉa, cắt phạt cỏ, cắt dây leo và chống sạt lở.

“Việc cắt tỉa đồng bộ trên 12 quận mà tôi giao tại thông báo số 32 chính là để cho Công ty Cây xanh cải tổ, sắp xếp lại theo tinh thần Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, trong đó tôi cũng là Trưởng ban. Sau khi sắp xếp lại, đầu tư phương tiện máy móc và máy nghiền cây, xe chở công suất lớn hơn đã giảm tiền cắt tỉa 1 cây xà cừ từ 35 triệu đồng trước kia còn 400.000 đồng; cắt giảm từ 7 ngày xuống còn 3 giờ đồng hồ, không còn ùn tắc giao thông. Xe tải lớn trước kia chở cành cây cồng kềnh như vậy mỗi chuyến mất 7,5 triệu đồng, giờ còn 1,5 triệu. Trong 3 năm, chúng tôi đã tích được 300.000 tấn cành cây, lá cây để nghiền ra dùng công nghệ của Úc, cho sinh phẩm sinh học trở thành 300.000 tấn phân bón cho vườn hoa, cây cảnh của thành phố, từ đó không phải mua phân, mua đất. Chính đây, chúng tôi thực hiện theo phương án kinh tế tuần hoàn xanh, tiết kiệm ngân sách cho thành phố”, bị cáo Chung trình bày.

Cũng theo bị cáo, từ năm 2019, khi ứng dụng công nghệ máy móc, không còn cán bộ nào bị thương và chết; không còn vụ tai nạn đổ cây gây chết người.

Xin nhận hết trách nhiệm liên quan tới cây xanh

Cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho biết thêm, từ năm 2016-2020, trong Chương trình 06, Thành ủy giao trồng 1 triệu cây, nhưng đã trồng được 1,6 triệu cây, trong đó có 900.000 cây nay đã tươi tốt. Theo bị cáo, trong 4 năm, thành phố trồng số lượng cây gấp 6 lần trong 108 năm mà Hà Nội đã có. Trong 5 năm, thành phố tiết kiệm 62.000 tỷ chi thường xuyên.

“Thực tế, tiền tiết kiệm này chúng tôi đầu tư cho ngành tư pháp để cải cách theo tinh thần Nghị quyết 49. Chính trụ sở Tòa án nhân dân TP Hà Nội cũng là do tay tôi cùng với Chánh án đề xuất Thủ tướng. Thủ tướng cho chúng tôi dùng tiền tiết kiệm chi để xây dựng trụ sở ngành tòa án thành phố và tòa án các quận huyện, viện kiểm sát cũng vậy…”, bị cáo Chung nói.

Theo bị cáo Chung, chủ trương của Đảng, Chính phủ, Nhà nước việc gì có lợi cho nước, cho dân và tiết kiệm ngân sách thì phải áp dụng. Trong vụ án này, thực tế qua phương thức đặt hàng đã khắc phục toàn bộ cây chết trong việc đấu thầu các dự án giao thông và một số dự án trồng cây trước đây của Hà Nội.

“Chúng tôi trồng theo mùa, trồng vào ban đêm, người đặt hàng cây phải có trách nhiệm bổ sung cây chết, bảo hành sau 1 năm trồng. Do đó, tỷ lệ cây sống đạt từ 99-100% khi nghiệm thu. Thành phố không mất tiền duy tu, duy trì sau 1 năm. Tôi tin, tất cả người dân và công luận đều hiểu, người dân đang được hưởng bầu không khí cây xanh tươi tốt. Tôi có lòng tin cá nhân, những người ra chủ trương này từ 2012 và chúng tôi là những người kế tiếp thực hiện mà không có tâm tốt, thì làm sao cây tốt như vậy được”, bị cáo Chung chia sẻ tâm tư và nói rằng, khi khởi tố vụ án này ông đã bị khởi tố ở những vụ án khác.

“Nhưng đúng là tôi không thể nghĩ và tin được có những người đã bắt tay nâng khống giá cây xanh như vậy. Thực sự đó là điều đáng buồn và để lại hậu quả. Với cương vị là Chủ tịch thành phố, ngay khi làm việc với cơ quan điều tra, tôi đã nhận trách nhiệm; trong quá trình làm việc với viện kiểm sát, tôi cũng nhận trách nhiệm là người đứng đầu. Lương tâm tôi chỉ cho phép nói sự thật, không chối tội”, bị cáo Chung khẳng định.

Bị cáo Chung mong được áp dụng khoản 2, Điều 54, Bộ luật Hình sự (áp dụng ít nhất 2 tình tiết giảm nhẹ) để nhận mức án dưới khung hình phạt.

“Lương tâm tôi đứng trước tòa hôm nay, xin nhận trách nhiệm tất cả những gì liên quan tới cây xanh. Tôi đã nói với viện kiểm sát, nếu quy cho tôi phải bồi thường, tôi sẵn sàng bán nhà để bồi thường", cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh.

Kết thúc tự bào chữa, bị cáo Nguyễn Đức Chung nói bản thân đang bị ung thư trực tràng, đã cắt trực tràng và ruột vào năm 2015, di căn tháng 9-2016 (sang Pháp cắt 1/2 phổi phải), vừa chữa bệnh, vừa truyền dịch sau 1 năm. Tháng 1-2022, tiếp tục mổ 2 khối u, hiện còn 1 khối u trong gan, chưa có điều kiện mổ. Bị cáo mong xin được hưởng những tình tiết giảm nhẹ đó khi lượng hình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại