Tờ Insider cho hay, mới đây, cặp vợ chồng đến từ bang California (Mỹ) đã đệ đơn kiện một công ty du lịch Hawaii để đòi bồi thường 5 triệu USD (tương tương 118 tỷ đồng). Cặp đôi nói rằng họ đã bị bỏ rơi dưới biển trong một chuyến du ngoạn lặn với ống thở khi đi hưởng tuần trăng mật.
Chuyện xảy ra từ tháng 9 năm 2021 nhưng gần đây mới trở nên rùm beng khi cặp đôi khởi kiện, đòi bồi thường số tiền lớn.
Theo đó, Elizabeth Webster và Alexander Burckle đang hưởng tuần trăng mật ở Hawaii thì họ quyết định tham gia một chuyến lặn biển bằng ống thở với bên cung cấp dịch vụ là công ty du lịch Sail Maui.
Hình ảnh hai vợ chồng Elizabeth Webster và Alexander Burckle.
Được biết, cặp vợ chồng mới cưới này đều có kinh nghiệm trong việc lặn biển. Họ đã mua vé cho chuyến tham quan dưới đáy biển ở Lanai, một hòn đảo nhỏ gần Maui.
Đơn khiếu nại cho hay sau khi tàu đến địa điểm lặn, thuyền trưởng nói với nhóm rằng họ sẽ có một giờ để khám phá trước khi di chuyển đến một địa điểm khác. Vợ chồng Webster và Burckle cáo buộc rằng họ không được tư vấn cụ thể về thời gian, cách quay lại thuyền hoặc phản ứng như thế nào trong trường hợp khẩn cấp.
Jared A. Washkowitz, luật sư của cặp đôi, nói với Insider rằng quá trình đưa khách đi lặn biển diễn ra vô tổ chức và công ty "không thông báo với du khách về ranh giới khu vực được lặn".
Luật sư Washkowitz cũng cho biết Sail Maui đã không cử nhân viên cứu hộ cho chuyến thám hiểm hoặc có sự kết nối giữa các thành viên trong nhóm khi ở dưới nước.
Lúc đầu, vợ chồng Webster và Burckle lặn ở vùng nước yên tĩnh và trong vắt, nhưng sau đó nước trở nên vẩn đục hơn. Họ đã cố gắng bơi về phía chiếc thuyền, nhưng nó đã bắt đầu khởi hành đến địa điểm tiếp theo và bỏ rơi cặp đôi ở lại.
Các nhân viên trên thuyền đếm số lượng khách tới 3 lần nhưng một vài hành khách khác sau đó cho biết họ không ổn định vị trí của đoàn trước khi đếm dẫn tới sai sót.
Jessica Hebert, thành viên của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ đồng thời là một trong những du khách tham gia chuyến lặn biển, nói với tờ tin tức Hawaii News Now: “Thật là quá lộn xộn. Mọi người cứ di chuyển qua lại trong lúc đếm thì sao mà chính xác được. Họ rất dễ bỏ sót ai đó".
Một cuộc điều tra của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển sau đó đã phát hiện ra thuyền của công ty lữ hành Sail Maui đã cẩu thả vì không tiến hành rà soát lại số lượng khách một cách cẩn thận trước khi rời đi.
Ảnh minh họa.
Luật sư Washkowitz cũng cho biết cuộc điều tra của cảnh sát biển về vụ việc cho thấy vào thời điểm đó, có một hành khách khác trên thuyền đã báo cho thủy thủ đoàn rằng có 2 người vẫn còn ở dưới nước. Tuy nhiên, họ vẫn khăng khăng đã đủ người mà không kiểm tra lại.
Đơn kiện của cặp vợ chồng Webster và Burckle cho hay sau khi họ nhận ra chiếc thuyền đã rời xa, họ tiếp tục bơi và phát ra tín hiệu cấp cứu, cuối cùng họ bị lạc vào vùng nước sâu, sóng đánh mạnh.
"Cặp đôi bắt đầu hoảng sợ, chới với giữa đại dương mênh mông", đơn kiện viết. "Họ sợ hãi khi biết mình có thể sẽ chết đuối mà không ai biết". May mắn họ cũng tự bơi được đến được bờ biển Lanai trong tình trạng "mệt mỏi và mất nước". Webster đã viết "HELP" và "SOS" trên cát, nhưng không có thuyền nào đến giải cứu họ.
Cuối cùng, người dân địa phương đã phát hiện hai vợ chồng, cho họ uống nước và liên hệ với các nhà chức trách đưa trở về.
Đơn kiện nói rằng khi Webster đã cố tìm cách gọi điện thoại cho công ty du lịch Sail Maui, nhưng dường như đến tận giờ phút đó họ vẫn không nhận thấy có người mất tích trong chuyến tham quan.
Cặp vợ chồng đang quyết tâm khởi kiện đến cùng để đòi bồi thường cho những thiệt hại mà họ phải gánh chịu. Washkowitz cho biết Webster và Burckle vẫn đang phải điều trị chấn thương về tâm lý và thể chất sau vụ việc. Họ phải ngụp lặn và bơi trong nhiều giờ.
Washkowitz nói: “Họ bị bỏ rơi ở dưới nước trong thời gian khá lâu và nếu họ không phải là những người trẻ, khỏe mạnh và lực lưỡng, có lẽ họ đã chết đuối”, luật sư Washkowitz nói.