"Lãnh địa" ít người đặt chân
Những ngày hè tháng 6/2022, trại phong Phú Bình (tỉnh Thái Nguyên), nơi mẹ con chị Đặng sinh sống, phảng phất luồng khí lạnh. Phần là bởi trại phong này nằm lọt thỏm giữa bốn bề gò đất cao, xung quanh toàn cây cối rậm rạp. Phần khác, nó lạnh bởi gần như tách biệt khỏi thế giới con người.
Chị Hoàng Thị Đặng (40 tuổi, quê Bắc Kạn) không nhận ra sự lạnh lẽo này bởi chị đã sống ở đây hơn 20 năm. Từ năm 11 tuổi, Đặng phải 4 lần cắt chân vì tắc tĩnh mạch và hoại tử. Chị sau đó rời quê vào ở hẳn trong trại phong này. Kể từ đó, Đặng hiếm khi có cơ hội bước ra khỏi “lãnh địa”.
Cuộc sống bên chiếc xe lăn cứ vậy trôi đi cho đến khi chị Đặng quen một anh công nhân trên mạng xã hội hồi đầu năm 2018. Lần đầu có người quan tâm đến mình, chị cũng xiêu lòng và hẹn gặp mặt ở trại phong. Đó cũng chính là lúc chị mang bầu bé Kem (tên thường gọi ở nhà).
Chị Hoàng Thị Đặng đeo chân giả, ngồi trước cửa phòng ở trại phong, gầy rạc khi mang bầu.
Khi biết có bầu, chị bất ngờ và vui lắm. “Có con là điều tuyệt vời nhất trong cuộc đời tôi. Tôi thấy may mắn vì chẳng mấy ai sống trong trại phong hủi, lại cụt chân như tôi, có thể quen được một người đàn ông lành lặn. Anh ấy đến và cho tôi hy vọng về một gia đình hạnh phúc”, chị nói.
Nhìn xuống bụng, tưởng tượng về sinh linh bé nhỏ đang hình thành, chị không kìm được cảm xúc, cầm điện thoại lên báo tin vui cho bạn trai. Bất ngờ, bạn trai của chị bắt phá thai. “Anh ta đến tận nhà, xưng hô sỗ sàng rồi chửi bới khi biết tôi muốn giữ lại đứa bé. Tôi rất sốc vì anh ta từ bỏ trách nhiệm và bỏ đi biệt tích cho đến nay”, chị Đặng rơi nước mắt.
Người mẹ gầy rạc khi mang bầu
Gặp cú sốc, Đặng không biết phải làm sao để vượt qua, lại thêm hoang mang với cái thai trong bụng. Mọi người ở trại phong khuyên cô phá bỏ vì không ai nghĩ cơ thể gầy gò, cụt ngủn, chỉ có hơn 40kg ấy, có thể mang bầu.
“Đặng không có gia đình, cũng không có ai để nương tựa, vậy lấy đâu ra tiền để nuôi con? Rồi khi sinh con ra, nhỡ Đặng có gì không may thì đứa bé sẽ đi về đâu?”, chị Dương Thị Hiệp, 47 tuổi, con dâu của bệnh nhân phong ở trại Phú Bình, người thường giúp đỡ Đặng, đặt câu hỏi.
Chị Đặng không nghĩ được nhiều đến vậy. Chị chỉ biết yêu thương đứa trẻ, cũng cố gắng lên mạng kiếm việc làm online. Những ngày đầu mang bầu, thân thể chị gầy rạc, sức yếu do thiếu chất, chỉ có cái bụng to nhô ra. Mọi sinh hoạt đều phải gắng gượng hoặc nhờ chị Hiệp giúp đỡ.
“Ai cũng nghĩ nó không chịu được, sợ nó chết vì sinh con. Nhưng không ngờ Đặng vẫn cố gắng để giữ lại. Mọi người ở trại phong và tổ chức từ thiện thấy thương nên hỗ trợ hết sức có thể”, chị Hiệp nói.
Chị Hiệp (bên trái), người thường xuyên giúp đỡ mẹ con chị Đặng.
Anh Lê Trung, trưởng Câu lạc bộ (CLB) Sẻ chia sự sống Hà Nội, người thu gom xác thai nhi và vận động phong trào chống phá thai, cho biết hồi giữa tháng 12/2018 nhận được cuộc gọi nhờ giúp đỡ của Đặng. Khi nghe kể về hoàn cảnh, anh Trung cùng các mạnh thường quân từ Hà Nội đến trại phong Phú Bình để hỏi han rồi giúp đỡ.
“Hằng ngày CLB thu nhặt được hàng chục thai nhi bị người lành lặn phá bỏ. Tôi không ngờ người khuyết tật như Đặng lại làm được điều phi thường. Đó là lý do tôi khâm phục sự dũng cảm đó và cố gắng hết sức để giúp đỡ cô ấy, từ thực phẩm, đồ dùng thiết yếu, mua bảo hiểm đến liên hệ phía bác sĩ, rồi chi phí sinh đẻ. Chỉ mong sao mẹ tròn con vuông”, anh Trung nói.
Tuy nhiên, có không ít ý kiến trái chiều xoay quanh việc này. Có người nói chị Đặng chưa lo được cho bản thân, đang sống nhờ trợ cấp thì không nên sinh em bé, sợ con không có tương lai và cuộc sống đầy đủ.
Hơn nữa, với thể trạng yếu của Đặng, việc giữ đứa bé có thể gây nguy hiểm đến tính mạng cho cả mẹ và con. Nếu đứa trẻ gặp rủi ro, không được may mắn như người khác thì chị Đặng lại khổ chồng chất.
Ngoài nhận hỗ trợ, chị Đặng chủ động tìm việc bán hàng online để thêm thu nhập và có thời gian chăm con.
Tuy nhiên, tất cả đã sớm được tính toán. Anh Trung đã liên hệ bác sĩ để nhờ theo dõi sức khỏe của hai mẹ con.
“Tất cả quá trình sinh nở của Đặng đều được các y bác sĩ chăm sóc, theo dõi nên vẫn trong tầm kiểm soát. Chúng tôi cũng hỗ trợ thuốc bổ giúp tăng cường thể lực cho Đặng. Nếu vì lo lắng về kinh tế mà không sinh con, hẳn sẽ có rất nhiều người lấy lý do này để phá thai. Đặng không làm vậy, cô ấy vẫn luôn cố gắng làm việc để kiếm tiền nuôi con, không chỉ dựa vào sự giúp đỡ”, Trưởng CLB cho biết.
Thể trạng và kinh tế có thể khắc phục nhưng tinh thần của chị Đặng vẫn bị ảnh hưởng sau cú sốc bạn trai ép phá thai rồi bỏ đi biệt tích. “Những lời chửi mắng, nhục mạ đến giờ vẫn ở trong đầu tôi”, chị nói.
“Nhưng khi nghĩ đến đứa con trong bụng, tôi lại thay đổi cảm xúc của mình, không còn uất hận người đàn ông đó mà chỉ cảm thấy may mắn. Được mọi người xung quanh động viên, hỗ trợ, tôi bớt suy nghĩ và yên tâm dưỡng thai hơn. May mắn khi sinh ra, con được hơn 3kg, môi đỏ hồng hào”.
Bé Kem kháu khỉnh, xinh xắn, được mọi người yêu thích.
Tương lai của em bé không cha
Hiện bé Kem đã gần 3 tuổi. Cô bé là niềm vui nhỏ bé của các cụ già nơi trại phong lạnh lẽo này. Bé rất năng động và thích học. Kem đã biết phân biệt các màu sắc, hình dạng, đọc được chữ cái và con số bằng tiếng Anh nhờ học trên mạng.
Cô bé còn thích giải các câu đố về con vật. Dù được nhận xét là thông minh và ham học nhưng đến nay, con chưa được đi học mẫu giáo.
“Giấy tờ xin học của con gặp trục trặc, không biết khi nào mới có thể cho con đến lớp. Chân tôi thế này, cũng không biết đưa đón con thế nào. Mọi người ở trại phong cũng có việc riêng, các cụ đều già cả, không nhờ được mãi. Hơn nữa, những chi phí cho con đi học tôi cũng phải đắn đo vì hiện tôi chỉ được nhà nước trợ cấp 1.480.000 đồng tiền sinh hoạt”, chị Đặng trăn trở.
Dù khó khăn nhưng chị Đặng luôn dành sự yêu thương và chăm sóc tốt nhất cho con.
Biết tương lai đứa trẻ và chị Đặng còn gặp nhiều vấn đề về kinh tế, anh Trung và CLB nhận bé Kem làm con đỡ đầu và hỗ trợ thêm 1 triệu đồng mỗi tháng.
“Tôi sẽ đỡ đầu cháu cho đến khi trưởng thành hoặc có một sự thay đổi tích cực nào khác”, anh Trung nói hôm đến trại phong Phú Bình thăm hai mẹ con, hồi đầu tháng 6/2022.
Chị Đặng là một trong nhiều người mẹ được CLB Sẻ chia sự sống giúp đỡ. “Trung bình, mỗi ca cứu hộ giúp người mẹ sinh con tốn không đến 20 triệu đồng. Đổi lại, có một mạng người được sinh ra. Tiếp đó, chúng tôi sẽ giúp mẹ có việc làm để nuôi con. Cuối cùng, tôi gửi lại xã hội một người mẹ yêu con, có cuộc sống và tâm trí bình thường cùng một đứa trẻ khỏe mạnh.
Chỉ cần các bà mẹ quyết tâm giữ thai và nuôi con thì tôi và CLB cũng không ngại khó khăn trong việc giúp đỡ. Nếu ai cũng đủ mạnh mẽ và can đảm như Đặng thì tôi sẽ không phải đi nhặt xác thai nhi hằng ngày”, anh Trung nói.
Còn chị Đặng, khi nhìn lại cuộc đời, điều khiến chị cảm thấy an ủi nhất là bé Kem. “Đó là nguồn sống tuyệt vời nhất của tôi. Dù không biết tương lai tôi chăm sóc bé được bao lâu, nhưng tôi sẽ cố gắng từng ngày. Nếu được lựa chọn lại, tôi cũng sẽ chọn nguy hiểm để sinh con ra, có chết cũng không phá bỏ”, người mẹ khuyết tật xúc động.