Trong suốt nhiều thập kỷ kể từ khi ra đời năm 1952, máy bay B-52 luôn giữ vai trò trụ cột cho sức mạnh quân sự toàn cầu của Mỹ, từ thời kỳ là phương tiện dùng để uy hiếm Liên Xô, ồ ạt đánh bom Việt Nam hay cho tới những năm gần đây là yểm trợ cho các chiến dịch không quân hiện đại ở Nam Tư, Iraq và Afghanistan.
Theo Không quân Mỹ, các máy bay ném bom B-52 đã vận chuyển tới 40% lượng vũ khí mà lực lượng đồng minh thả xuống trong chiến dịch Bão táp Sa mạc năm 1991.
Gần đây nhất, B-52 vẫn được không quân Mỹ sử dụng để thực hiện các sứ mệnh mà lực lượng này gọi là để "bảo đảm an ninh và răn đe" gần biên giới Nga và Triều Tiên.
Trong một cuộc phỏng vấn với Task & Purpose, Eric Single, trưởng bộ phận mua sắm của Đơn vị tấn công toàn cầu Không quân Mỹ cho biết, Lầu Năm Góc có ý định sử dụng B-52 ít nhất cho tới năm 2050.
Thảm bại trên chiến trường Việt Nam
Với mưu đồ đưa miền Bắc Việt Nam trở về "thời kỳ đồ đá" và buộc Hà Nội phải ký kết Hiệp định Paris theo ý định của Mỹ, cuối năm 1972 Mỹ phát động chiến dịch Linebacker II đánh phá Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên và các mục tiêu quan trọng khác kéo dài liên tục trong 12 ngày đêm (từ 18 - 30/12).
Linebacker II là sự nối tiếp của chiến dịch ném bom Linebacker I diễn ra từ tháng 5 - 10/1972 nhưng điểm khác biệt lớn là lần này Mỹ thực hiện các cuộc tấn công ồ ạt bằng máy bay ném bom chiến lược B-52. Đây là những cuộc ném bom dữ dội nhất trong Chiến tranh Việt Nam và là một trong những cuộc tập kích có cường độ cao nhất trong lịch sử các cuộc chiến tranh.
Trong 12 ngày đêm, Mỹ đã huy động tổng cộng 726 lượt máy bay B52 và gần 2.000 lần máy bay chiến thuật. Riêng trên địa bàn Hà Nội, có tới 444 lượt chiếc máy bay B52 được huy động, chiếm trên 60% tổng số lần máy bay B52 xuất kích.
Tuy nhiên, với tinh thần chiến đấu anh dũng, kiên cường, mưu trí và sáng tạo, quân và dân miền Bắc Việt Nam đã đánh bại cuộc tập kích chiến lược đường không quy mô lớn chưa từng có của Mỹ, làm nên Chiến thắng "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" chấn động địa cầu.
Lần đầu tiên trong lịch sử, "siêu pháo đài bay B52" đã bị thất trận và Không quân Mỹ đã phải gánh chịu những thiệt hại nặng nề nhất. Cụ thể, trong 12 ngày đêm kiên cường chiến đấu, Việt Nam đã bắn rơi tổng cộng 81 máy bay Mỹ, trong đó có 34 chiếc B52.
Đứng trước thất bại nặng nề, 7h30 sáng ngày 30/12/1972, Tổng thống Mỹ Richard Nixon đã buộc phải tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra và chấp nhận nối lại Hội nghị Paris về Việt Nam. Ngày 27/01/1973, Hiệp định Paris về "Chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam" đã được ký kết.
Một chiếc B-52 của Không quân Mỹ tham gia chiến dịch Linebacker II tại Việt Nam năm 1972
Tại sao B-52 vẫn được Mỹ tin dùng?
Tính đến 2017, 76 trong tổng số 742 mẫu máy bay B-52 được sản xuất từ năm 1954 đến 1963 vẫn còn đang hoạt động, phần lớn trong số đó được lựa chọn từ 102 chiếc B-52H thiết kế giai đoạn sau 1961.
Trên thực tế, không quân Mỹ cũng đã có một số dự án nhằm thay thế B-52. Năm 1966, trang nhất của tờ The New York Times đăng tải một bài viết cho biết, "đến năm 1975 tất cả các máy bay ném bom B-52 sẽ phải ngưng hoạt động vì tới thời điểm đó chúng đã quá già cỗi không thể tiếp tục hoạt động". Tuy nhiên, chưa có giải pháp thay thế khả dĩ nào xuất hiện.
Năm 1982, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan cảnh báo, "rất nhiều máy bay ném bom B-52 của chúng ta hiện còn nhiều tuổi hơn cả các phi công lái chúng". Ngày nay, có những phi công B-52 mà mà cha và ông của họ từng lái B-52.
Ông Reagan thúc giục đẩy mạnh chế tạo chiếc B-1, loại được thiết kế bay tốc độ nhanh và ở tầm thấp dưới hỏa lực phòng không của đối phương. Nó được dự định thay thế cho B-52 vào những năm 1990.
Nhưng giống như bản nhạc dạo đầu báo trước thấp bại, chiếc B-1 đầu tiên ra mắt năm 1985 trước sự chứng kiến của khoảng 30.000 người đã không thể cất cánh. Các lỗi về thiết kế và động cơ đã buộc B-1 phải đứng ngoài lề trong cuộc chiến tranh vùng Vịnh.
Tiếp đến là sự ra đời của máy bay ném bom tàng hình B-2 năm 1997. Nhưng những chiếc B-2 được phủ sơn hấp thụ sóng radar muốn hoạt động hiệu quả thì phải được cất trữ và bảo quản trong nhà chứa kiểm soát khí hậu. Nó sớm trở nên nổi tiếng như là một chiếc máy bay ném bom có giá trị hơn 2 tỷ USD mà không thể bay ra ngoài khi trời mưa.
Do đó, B-52, tuy khiêm tốn về kỹ thuật nhưng lại vẫn duy trì được vị thế là chiếc máy bay ném bom đáng sợ của Không quân Mỹ.
"Đã có hàng loạt các nỗ lực nhằm phát triển một máy bay ném bom liên lục địa tốt hơn nhưng liên tục thất bại", Owen Coté, giáo sư nghiên cứu an ninh của Viện Công nghệ Massachusetts (IMT) nhận xét. "Bất cứ khi nào muốn cải tiến B-52 thì chúng ta lại gặp phải các vấn đề, do đó B-52 vẫn cứ tồn tại ở đây".
B-52 của Mỹ bay qua Căn cứ không quân Osan, Hàn Quốc
Trong các cuộc chiến tranh Vùng Vịnh, Kosovo, Afghanistan và Iraq, B-52 được xem như là biểu tượng của "thần chết và sự hủy diệt khủng khiếp". Nó từng làm thoái chí binh lính đối phương ngay từ những tấn bom đầu tiên dội xuống, giống các thông điệp kiểu như: "Chạy thì sống mà ở lại thì chết".
Theo Eric Single, ngay từ đầu B-52 đã được được chế tạo với mục đích thực hiện các chiến dịch ném bom cả tầm cao và tầm thấp; khung sườn, động cơ được thiết kế cho thời gian hoạt động tối đa.
Đại diện Đơn vị tấn công toàn cầu của Không quân Mỹ từng cho biết trên Tạp chí Wired năm 2016: "B-52 có thể có vẻ bề ngoài thô kệch, xấu xí nhưng nó lại sở hữu khung sườn linh hoạt nhất, rất phù hợp cho các hoạt động nâng cấp suốt vòng đời".
Theo thông tin mới nhất được Flight Global đăng tải ngày 20/12/2017, Không quân Mỹ đã công bố chi tiết lộ trình và cả các nhà thầu tham gia kế hoạch cung cấp ít nhất 608 động cơ turbofan mới thay thế cho động cơ TF33 của 76 chiếc B-52H đang có trong biên chế của lực lượng này.