Vào năm 1881, các nhà khảo cổ thế kỷ 19 đã khai quật được một xác ướp nằm ở thung lũng Deir El Bahri, cách thành phố Cairo, Ai Cập gần 500km. Xác ướp này về sau đã trở thành một trong những bí ẩn khảo cổ lớn nhất và nổi tiếng nhất thế kỷ.
Xác ướp này được đặt tên là "xác ướp la hét" vì trạng thái vô cùng ám ảnh của nó. Thi hài nằm ở tư thế ngửa cổ lên trên, miệng há hốc rất lớn, dù chỉ còn là xương cốt nhưng cũng có thể hình dung dường như người này đã phải chịu đau đớn cùng cực trước lúc chết. Ước tính tuổi đời của xác ướp đã lên đến 3.000 năm.
Xác ướp được tìm thấy gần khu mộ của nhiều thành viên hoàng gia Ai Cập nên được cho cũng là người hoàng gia, thế nhưng lại có rất nhiều điểm khó hiểu đặc biệt. Xác được ướp một lớp vôi sống và nhiều mẩu da cừu.
Nguyên liệu ướp xác này có điểm khác biệt với nhiều xác ướp quý tộc Ai Cập cổ đại. Những người khác thường được bọc bằng vải lanh mịn, còn bọc bằng da động vật thì bị coi là ô uế, dơ bẩn. Nhìn chung xác không được ướp một cách hoàn chỉnh, thậm chí còn không có các loại hương liệu ướp theo cùng.
Bên cạnh đó, xung quanh xác ướp cũng không thể tìm thấy tên hay ký hiệu nào chỉ dẫn về danh tính chủ nhân hài cốt. Theo quan niệm tại Ai Cập cổ đại, tên họ được cho là thứ quý giá nhất của người đã khuất. Một xác ướp không tên đồng nghĩa với việc không thể đi tới được thế giới bên kia. Đây cũng có thể là một cách trừng phạt đối với người phạm tội.
Vậy rốt cuộc, danh tính và nguyên nhân cái chết của "xác ướp la hét" là gì vẫn luôn là câu hỏi khiến các nhà khoa học thắc mắc suốt cả thế kỷ. Mãi đến năm 2018, bí ẩn đằng sau đã phần nào được vén màn.
Một nhóm các nhà khoa học đã công bố kết quả phân tích ADN của "xác ướp la hét" đối chiếu với một số xác ướp khác. Kết quả cho thấy có khả năng đây chính là hài cốt của Hoàng tử Pentewere, một nhân vật cũng khá nổi tiếng trong lịch sử Ai Cập cổ đại. Ông là con trai của Pharaoh Ramses III, người trị vì từ năm 1186 đến 1155 trước công nguyên.
Theo sử sách ghi lại, Hoàng tử Pentewere chính là một tội đồ từng thực hiện một âm mưu đáng sợ, đó chính là mưu sát chính vua cha của mình với mục đích cướp ngôi báu. Sau đó, Pentewere đã bị kết án phạt là tử hình hoặc tự tử. Dựa vào một số dấu vết vết xước trên cổ xác ướp, các nhà khoa học cũng cho biết Hoàng tử Ai Cập này đã chết với hình thức treo cổ.
Một bức tượng của Pharaoh Ramses III - người có khả năng bị chính con trai giết hại.
Theo National Geographic, một số tài liệu lịch sử trên giấy cói có từ thế kỷ 12 trước Công nguyên đã viết Hoàng tử Pentawere có âm mưu cắt cổ Pharaoh Ramses III. Tuy nhiên việc mưu sát này có thành công hay không thì vẫn còn nhiều tranh cãi. Pharaoh Ramses III được cho là một trong những vị vua lỗi lạc nhất Ai Cập cổ đại.
Phân tích xác ướp của Pharaoh Ramses III trước đó đã cho thấy vị vua này có khả năng qua đời vì bị sát hại. Ông mất khi khoảng 60 tuổi và kết quả chụp CT phát hiện phần cổ họng của nhà vua bị rạch, ngón chân cái cũng bị cắt đứt.
Những thông tin sử liệu từ thời xưa khi kết hợp với kết quả nghiên cứu hiện đại thời nay đã phần nào chứng minh một câu chuyện lịch sử thảm khốc trong quá khứ hàng ngàn năm trước. Nếu câu chuyện này là chính xác thì không có gì ngạc nhiên khi "xác ướp la hét" của Hoàng tử Pentewere bị đối xử như vậy.
Nguồn: Live Science