Vụ việc xảy ra ở Tunguska, khu rừng hẻo lánh miền trung Siberia, Nga. Vụ nổ có sức công phá tương đương với 15 triệu tấn thuốc nổ TNT, gấp khoảng 1.000 lần trái bom nguyên tử mà quân đội Mỹ ném xuống thành phố Hiroshima, Nhật Bản.
Sức hủy hoại khủng khiếp đến mức người ta có thể nghe thấy tiếng nổ ở cách xa cả nghìn dặm.
Khu rừng ở Tunguska ngày nay. Ảnh: RIA Novosti
Tại thời điểm đó, người dân địa phương cho biết, vụ nổ là do thế lực siêu nhiên gây ra, là việc “Chúa trừng phạt” con người vì tội độc ác. Các nhà khoa học thì nói rằng, đó là một vụ va chạm giữa thiên thạch và Trái đất.
Lý do dẫn đến vụ nổ này vẫn còn là điều bí ẩn, với những câu hỏi chưa được giải đáp: Tại sao phải 20 năm sau khi sự việc xảy ra, các nhà khoa học Nga mới tới hiện trường để điều tra?
Nếu là vụ nổ thiên thạch, thì chắc hẳn phải có hố hoặc các mảnh thiên thạch – tuy nhiên cả hai dấu hiệu này đều không tồn tại ở Tunguska. Trong thực tế, tâm chấn của vụ nổ là khu rừng rậm rạp, nhiều cây cổ thụ, với diện tích khoảng 800 dặm vuông.
Giới khoa học sau đó phán đoán, nguyên do có thể là một mảnh sao chổi dạng băng cứng có kích thước tương đương một sân bóng rơi vào bầu khí quyển. Khi gặp phải áp suất khí quyển cực cao thì đã nổ tung ở trên không khu rừng.
Vì nó là khối băng nên khi nổ không để lại dấu hiệu. Một số người khác thì cho rằng, tác nhân gây nổ là vật có kích thước nhỏ hơn: Một tàu vũ trụ của người ngoài hành tinh chạy bằng năng lượng hạt nhân đâm xuống Trái đất. Hơn 100 năm sau, câu trả lời vẫn còn là điều bí ẩn.
Theo Business Insider