Tên lửa Neptune
Kiev Post đưa tin, vũ khí mới có khả năng bắn trúng các mục tiêu ở Nga, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong cuộc xung đột khi các nước phương Tây đặt ra nhiều hạn chế để ngăn Kiev sử dụng vũ khí được viện trợ tấn công lãnh thổ Nga .
Tên lửa R-360 Neptune. Ảnh: Military Today
Ukraine cho biết, vũ khí này đã phá hủy hệ thống phòng không S-400 của Nga tại Crimea vào tháng 8/2023. Trong thông báo trên Twitter, Thư ký Hội đồng Quốc phòng và an ninh quốc gia Ukraine, ông Oleksiy Danilov cho biết: “Hệ thống S-400 ở Crimea đã bị tên lửa của Ukraine phá hủy. Vũ khí này rất mới và hiện đại”. Còn Tổng thống Zelensky tuyên bố vũ khí đã bắn trúng mục tiêu cách xa 700km, đề cập cuộc tập trận của Bộ Công nghiệp Chiến lược. Hiện chưa có báo cáo về loại mục tiêu bị bắn trúng.
Theo giới chuyên gia, vũ khí mà Kiev nói đến có thể là phiên bản sửa đổi của tên lửa hành trình chống hạm R-360 Neptune. Trước đó, Kiev từng tuyên bố sử dụng tên lửa này để bắn chìm soái hạm Moskva của Hạm đội Biển Đen Nga năm 2022. Một số báo cáo cho biết, tên lửa chống hạm R-360 Neptune được sửa đổi để tấn công mặt đất có tầm bắn lên tới 400 km. Để có thể vươn tới Moscow, tên lửa cần phải đạt tầm bắn từ 500km trở lên và cần rất nhiều nỗ lực hiện đại hóa.
Tên lửa Neptune do nhà máy quốc phòng Luch Design Bureau của Ukraine chế tạo, có chiều dài 4,4m, đường kính 0,4m, nặng 870kg, trong đó đầu đạn nổ phá mảnh nặng từ 145-150kg. Các chuyên gia quân sự cho rằng, nhiều khả năng Ukraine đã điều chỉnh hệ thống dẫn đường và tìm kiếm mục tiêu ở phần mũi tên lửa. Thông thường, tên lửa chống hạm được trang bị thiết bị dò tìm tần số vô tuyến (RF) và hồng ngoại (IR), trong khi tên lửa tấn công mặt đất như đạn không đối đất (AGM) thường có thiết bị dò tìm quang học. Tuy vậy, không rõ Ukraine có thực hiện các sửa đổi đối với hệ thống dẫn đường và động cơ đẩy của tên lửa hay không.
Máy bay không người lái
Defense Express cho rằng, ngoài việc hoán cải tên lửa Neptune, Ukraine cũng có khả năng nâng cấp các máy bay không người lái để tấn công các mục tiêu trên đất liền. Truyền thông phương Tây trước đó đưa tin, Kiev đang nghiên cứu chế tạo 6 loại máy bay không người lái, trong đó có loại đạt tầm bắn 1.000km. Xem xét dữ liệu từ các nguồn mở, các chuyên gia quân sự lưu ý, chỉ có thông tin về 2 loại UAV của Ukraine đạt tầm bắn như vậy. Thứ nhất là UAV cảm tử Beaver – được cho là phương tiện tấn công lãnh thổ Nga trong thời gian gần đây. Thứ hai là UAV Morok. Đây là UAV tương đối bí ẩn, có thể bay vài trăm km vào sâu trong lãnh thổ đối phương kiểm soát.
Truyền thông Nga thời gian gần đây đã công bố những giả thuyết riêng về đặc tính chiến thuật và kỹ thuật của UAV Beaver. Theo đánh giá của Nga, UAV này có thể có tầm hoạt động từ 700 đến 1.000 km, thời gian bay 7 giờ, có thể mang đầu đạn nặng 20 kg và có khả năng thay đổi độ cao để vượt qua hệ thống phòng không cũng như thay đổi mục tiêu. Nếu đánh giá đó là chính xác thì điều này đồng nghĩa với việc các nhà thiết kế Ukraine đã tạo ra được máy bay không người lái cảm tử tầm xa tiên tiến hơn chiếc Shahed-131 do Iran sản xuất, sử dụng đầu đạn có cùng trọng lượng.
Tên lửa S-200
Theo Bộ Quốc phòng Anh, Ukraine cũng có thể sửa đổi các hệ thống tên lửa đất đối không S-200 từ thời Liên Xô cũ để phục vụ cho mục đích tấn công mặt đất.
Tên lửa S-200. Ảnh: Wikipedia
Trong bản cập nhật thông tin tình báo, Bộ Quốc phòng Anh cho biết, ngày càng có nhiều thông tin về việc Kiev sử dụng tổ hợp tên lửa S-200 dài gần 11m, nặng 7,5 tấn công lãnh thổ Nga, song song với việc thực hiện các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái. Động thái này diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Zelensky cho biết Ukraine đang xây dựng các cơ sở công nghiệp quốc phòng và sản xuất nhiều thiết bị theo tiêu chuẩn NATO.
“Chúng tôi muốn trở thành nước tiên phong trong việc thử nghiệm nhiều loại tên lửa và đạn dược hiện đại, nhanh chóng giành được vị trí dẫn đầu về phát triển về công nghệ quân sự và kỹ thuật số, ít nhất là ở châu Âu”, ông Zelensky nói.
Theo các nhà phân tích, S-200 nếu được sửa đổi có thể cung cấp cho Ukraine khả năng nhắm bắn mục tiêu tương tự như tên lửa đạn đạo tầm ngắn với độ chính xác cao hơn so với phiên bản ban đầu. Về nguyên tắc, tên lửa không đối không và không đối đất có rất nhiều điểm khác biệt nhưng S-200 có một số đặc tính cần thiết giúp nó có thể đảm nhận vai trò tấn công mặt đất. Ở dạng đất đối không, tên lửa này có tầm tấn công đến 305km, nên khi tấn công mặt đất tầm bắn của tên lửa có thể còn xa hơn.