Từ thời phong kiến, người xưa đã quan niệm mộ tổ tiên xây dựng tốt thì con cháu thăng quan tiến chức, hưng vượng suốt nhiều đời. Vì vậy, các vị vua thời phong kiến Trung Quốc rất chú trọng đến phong thủy vị trí đặt lăng mộ, thậm chí chọn vị trí lăng mộ ngay từ khi lên ngôi.
Từ Hi Thái hậu tuy không phải là hoàng đế nhưng đã ngầm nắm toàn bộ quyền lực của nhà Thanh trong tay, bà cũng xem trọng việc xây mộ phần như bất kỳ vị vua nào. Lão Phật gia đã bắt đầu xây lăng mộ của riêng mình sau khi nắm được quyền lực và yêu cầu của Từ Hi đối với lăng mộ cực kỳ khắt khe.
Việc xây dựng Lăng của Từ Hi Thái hậu kéo dài tới 13 năm và tiêu tốn tới hàng triệu vạn lượng bạc. Sau khi ngôi mộ được xây dựng, để thể hiện sự tôn nghiêm Từ Hi yêu cầu ngôi mộ của mình không được phép có cỏ mọc.
Hình ảnh hiếm hoi trong đám tang của Từ Hi thái hậu (Nguồn: Baike.baidu)
Từ Hi cho rằng những người quân tử sau khi mất, nếu bị chôn tại vùng rừng núi có cỏ mọc hoang thì kiếp sau sẽ trở thành những tên trộm cướp. Do đó, bà cảm thấy rằng nếu lăng mộ của mình mọc cỏ sẽ xui xẻo.
Điều này đã gây khó khăn cho những người có trách nhiệm xây dựng lăng mộ. Muốn cỏ không mọc trong vài năm thì đơn giản, nhưng sẽ rất khó nếu cỏ không mọc trong hàng chục, hàng trăm năm.
Trước bài toán khó này, đội xây mộ đã tìm đến phương pháp làm chín đất. Họ cho từng mẻ đất thô 20kg vào nồi lớn, sau đó dùng xẻng đảo liên tục cho đến khi đất được “nấu chín”.
Sau khi đất chín, cho đất vào chậu để thử nghiệm trồng hành tây và tưới đẫm nước. Tuy nhiên phương án này không khả thi vì 10 ngày sau cây hành được trồng bằng loại đất này vẫn có thể phát triển bình thường.
Phần mộ không có cỏ mọc của Từ Hi Thái Hậu (Nguồn: NetEase)
Lúc này, Thuần Thân Vương Dịch Hoàn (em ruột của Hoàng đế Hàm Phong và cũng là cha ruột của vua Quang Tự) - người phụ trách chính việc xây mộ cho Từ Hi, đã tìm ra một phương pháp tối ưu hơn
Ông nhận ra rằng sau khi pháo được đốt cháy, nơi xác pháo rơi xuống sẽ không mọc cỏ trong một vài năm, điều này là do chất muối và lưu huỳnh trong xác pháo có thể ức chế sự sản sinh của thực vật.
Vì vậy, ông đã cho đất thô, muối và lưu huỳnh vào một cái nồi và đun nóng. Kết quả là cỏ không thể mọc trên loại đất này. Thuần Thân Vương Dịch Hoàn chính thức lệnh cho các thuộc hạ đặt 100 cái vạc để ngày đêm “nấu chín”, xử lý lớp đất trên cùng của lăng mộ Từ Hi.
Nhờ cách này mà đất trên lăng mộ của Từ Hi Thái hậu chưa bao giờ có cỏ mọc, đúng với mong ước của Thái hậu. Tuy nhiên sau cái chết của Từ Hi nhiều nhà phong thủy lại cho rằng cỏ mọc ở lăng mộ mới là tốt bởi nó tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở của các thế hệ mai sau.
Bài viết tham khảo từ NetEase