Nhà khoa học Suzanne Corkin và quyển sách của bà viết về trường hợp kỳ lạ của Molaison.
Với trí nhớ chỉ được lưu giữ chỉ trong 1 phút, ông ta dường như bị kẹt trong thực tại suốt 55 năm.
Tác dụng phụ của cuộc phẫu thuật não
Henry Gustave Molaison, sinh năm 1926 ở gần Hartford, bang Connecticut trong một gia đình lao động bình thường. Tuổi thơ trôi qua yên ổn, nhưng đến năm lên 10 tuổi thì Molaison bắt đầu bị đau đầu và chứng động kinh hành hạ.
Ở tuổi thiếu niên, những cơn co giật ngày càng trở nên tồi tệ khiến cậu bé phải sử dụng nhiều loại thuốc, trong đó có thuốc chống động kinh với liều cao. Đến tuổi trưởng thành, bệnh cũng không thuyên giảm khiến chàng trai này khó tìm được công việc ổn định hoặc sống một cuộc sống bình thường.
Vào đầu những năm 1950, một bác sĩ phẫu thuật thần kinh nổi tiếng ở địa phương tên là William Beecher Scoville đã thử nghiệm những cách điều trị nhằm kiểm soát chứng động kinh, ngoài việc dùng thuốc hằng ngày. Có chuyên môn về phẫu thuật thùy não, ông tin mình đã xác định phần não có liên quan đến động kinh.
Mặc dù đã biết đây chỉ là cuộc thử nghiệm ẩn chứa nhiều nguy cơ, nhưng những hứa hẹn được giải thoát khỏi căn bệnh động kinh đang hành hạ khiến Molaison chấp nhận phẫu thuật. Vào ngày 25 tháng 8 năm 1953, anh đã trải qua một tiến trình ghê rợn, khác xa so với kỹ thuật tiên tiến đang được thực hiện tại một số cơ sở hiện đại. Scoville khoan sọ bệnh nhân bằng một chiếc máy khoan cầm tay, với một ít thuốc gây tê cục bộ. Sau đó các phần não được cho là nguyên nhân gây ra các cơn co giật bị loại bỏ.
Ban đầu, có vẻ như là tiến trình phẫu thuật thành công mỹ mãn. Tần suất và mức độ nghiêm trọng của các cơn động kinh đã giảm đáng kể, tính cách của bệnh nhân vẫn như cũ, kết quả các bài kiểm tra trí thông minh vẫn không thay đổi.
Nhưng chẳng bao lâu, những phản ứng phụ bắt đầu xảy ra. Molaison thường xuyên mất phương hướng, không thể nhận ra những con đường xung quanh bệnh viện và không nhớ gì về cuộc sống hằng ngày của mình.
Mặc dù anh có ký ức cuộc sống tuổi thơ và phần lớn quá khứ của mình trước phẫu thuật, nhưng gặp khó khăn trong việc hình thành những ký ức mới, không thể nhớ những gì đã xảy ra ngày hôm trước, hoặc nhớ tên các bác sĩ mà anh đã gặp chỉ vài phút trước đó, thậm chí quên cả lối vào phòng tắm hằng ngày. Mặc dù vậy, bệnh nhân cũng được đưa về nhà cho gia đình chăm sóc. Từ đây, những điều kỳ quặc tiếp tục xuất hiện.
Molaison không nhớ bất cứ thứ gì và nơi xảy ra sự việc, đọc đi đọc lại cùng một tạp chí mà không hề biết mình đã đọc rồi. Anh còn quên nơi để đồ vật, kể đi kể lại những câu chuyện giống nhau, và không nhớ những gì vừa mới làm.
Đối tượng nghiên cứu đặc biệt
Henry Gustave Molaison (1925 – 2008).
Các nhà khoa học cho rằng, Molaison đang mắc một trường hợp cấp tính, gọi là "Quên thuận chiều" (Anterograde amnesia), tức là không có khả năng hình thành trí nhớ mới, nhưng ký ức về quá khứ ít nhiều vẫn còn nguyên vẹn. Trong trường hợp của Molaison, anh chỉ có thể lưu giữ những ký ức mới trong khoảng một phút, sau đó chúng hoàn toàn biến mất.
Điều này gây khó khăn cho công việc làm của anh. Anh phải được đào tạo lại liên tục vì không thể nhớ được mình đang làm gì. Sức khỏe và vệ sinh cá nhân cũng bị ảnh hưởng, bởi anh không nhớ mình đã đánh răng chưa, đã ăn những gì, thậm chí cha mẹ đã qua đời, anh cũng không nhớ họ đã chết hay còn sống. Những nhà nghiên cứu hầu như phải giới thiệu lại bản thân mỗi ngày, khi họ đến tìm hiểu về anh.
Trong quá trình "tắt trí nhớ" này, anh là đối tượng của các thí nghiệm, đã giúp làm sáng tỏ nhiều vấn đề thuộc lĩnh vực khoa học thần kinh và hoạt động của não. Một số nghiên cứu cho rằng, anh là "bệnh nhân quan trọng nhất từng được nghiên cứu về tâm thần kinh".
Anh đã thay đổi cách nhìn của các nhà khoa học vào sự hoạt động của bộ não, họ khám phá những thứ mà Scoville đã loại bỏ ở não của Molaison chính là nơi hình thành ký ức theo từng giai đoạn mới, chuyển ký ức từ trí nhớ ngắn hạn sang ký ức dài hạn (các kỹ năng vận động và trí nhớ dài hạn được lưu giữ ở nơi khác).
Một trong những nhà khoa học thần kinh, người dành cả cuộc đời để nghiên cứu Molaison, là Suzanne Corkin, thuộc Viện Công nghệ Massachusetts (MIT). Bà được quyền quyết định ai có thể và không thể thử nghiệm trên bệnh nhân này. Một trong số các nhà báo được bà cho tiếp cận Molaison là Philip Hilts, ông đã viết câu chuyện chân thật nhất về cuộc đời của Molaison trong quyển sách có tên là Memory’s Ghost xuất bản năm 1995.
Khi tuổi cao, sức yếu, Molaison đề nghị hiến tặng bộ não cho khoa học, để tình trạng của ông có thể được hiểu rõ hơn. Ông đã sống một cuộc sống mà thực sự không biết đến bất cứ ai, hầu như mỗi ngày đều mới mẻ đối với ông. Những khuôn mặt và sự kiện dần biến mất, mọi người xung quanh ông đều là những người xa lạ và cuộc sống của ông về cơ bản bắt đầu lại từ đầu theo từng phút.
Khi ông qua đời vào 2/12/2008 vì chứng suy hô hấp tại một viện dưỡng lão ở Windsor Locks, Connecticut, Corkin đã nhanh chóng đến để phẫu thuật lấy não của ông về nghiên cứu. Nó đang được đặt tại Đại học California, San Diego, được xem là "bộ não nổi tiếng nhất từng có, một sự tưởng nhớ trường tồn dành cho người đàn ông đã quên tất cả".
Corkin đã viết về những trải nghiệm và nghiên cứu của bà với Molaison trong cuốn sách có tựa đề Permanent Present Tense (Hiện tại vĩnh viễn), kể về "một người đàn ông hấp dẫn, hiền lành, có khiếu hài hước, biết mình có trí nhớ kém và chấp nhận số phận. Ông đã hy vọng những nghiên cứu về tình trạng của mình sẽ giúp những người khác có cuộc sống tốt hơn".
Theo Mysteriousuniverse