Bí ẩn về cuộc đời Lão Tử: Bậc cao nhân ẩn sĩ được Khổng Tử ví như 'Con rồng thâm sâu, không thể lường nổi'

Dương Mộc |

Cuộc tranh luận giữa Lão Tử với Khổng Tử đến nay vẫn còn nhiều giá trị sâu xa đáng để suy ngẫm. Đó cũng chính là lý do mà Khổng Tử phải cúi đầu tôn xưng bậc ẩn sĩ này như một con rồng, không thể hiểu thấu.

Bí ẩn về thân thế khiến Lão Tử trở thành ẩn số khó đoán của lịch sử

Lão Tử được nhiều tài liệu cho rằng là người nước Sở (nay thuộc tỉnh Hà Nam, Trung Quốc), họ Lý, tên Nhĩ, húy là Đam, quan thời nhà Chu. 

“Lão” là ý gọi người tuổi cao đức lớn. “Tử” là cách gọi bày tỏ lòng tôn kính đối với người khác. Ông nổi tiếng là một ẩn sĩ đại tài, người được coi một trong các nhân vật kiệt xuất, là thánh nhân đem tới ảnh hưởng lớn trong lịch sử.

Do học cao, biết rộng lại phải chứng kiến những cảnh trái ngang trong giai đoạn suy tàn của Thiên tử nhà Chu nên Lão Đam lặng lẽ cáo quan ở ẩn. 

Khi qua cửa Tây thành Hàm Cốc gặp Doãn Hỷ, vị quan coi cổng này đã xin Lão Đam để lại đôi lời vàng ngọc: “Tiên sinh Ngài muốn ẩn cư, sau này không còn được nghe Ngài dạy bảo nữa, kính xin tiên sinh viết sách để truyền lại cho hậu thế!”

Lý tiên sinh không nỡ phụ lòng đã dừng chân viết hai thiên sách bàn về Đạo (37 chương) và Đức (44 chương) rồi lẳng lặng cưỡi trâu ra đi. 

Cuốn sách dài 81 chương gần 5.000 chữ được lịch sử gọi là “Đạo Đức Kinh” hoặc “Lão Tử ngũ Thiên văn”, đến hiện tại vẫn đem lại giá trị để đời cho mọi người học tập. 

Đây cũng là cuốn sách có ảnh hưởng lớn, khiến Lão Tử được công nhận là ông tổ của Đạo giáo.

Đó là cách mà Lão Tử để lại ảnh hưởng mạnh đến văn hóa Trung Hoa từ cổ chí kim. Tuy nhiên, khi tìm hiểu về xuất thân và con người của ông, người ta lại khó lòng xác minh chính xác các thông tin của vị ẩn sĩ này.

Bí ẩn về cuộc đời Lão Tử: Bậc cao nhân ẩn sĩ được Khổng Tử ví như Con rồng thâm sâu, không thể lường nổi - Ảnh 1.

Truyền thuyết cho rằng ông sinh ra trong những năm cuối thời Xuân Thu, ở huyện Khổ, nước Sở, hiện nay là Lộc Ấp thuộc tỉnh Hà Nam, có thuyết là Oa Dương – An Huy, có thuyết là Tùy Châu – Hồ Bắc, có thuyết là Kinh Môn – Hồ Bắc, v.v…

Một số truyền thuyết khác thậm chí còn cho rằng, khi sinh ra tóc ông đã bạc trắng, vì ông đã nằm trong bụng mẹ 70 năm rồi mới ra đời, điều này giải thích cho cái tên của ông, có thể được dịch thành "bậc thầy già cả".

Về ngày sinh mất của Lão Tử cũng không có ghi chép xác định. “Sử Ký” có ghi: “Có lẽ Lão Tử trên 160 tuổi, có người nói trên 200 tuổi, do ông tu Đạo mà trường thọ vậy”.

Trong “Sử ký”, Tư Mã Thiên ghi chép 2 thuyết.

Một là: “Có người nói, Lão Lai Tử cũng là người nước Sở, viết sách 15 thiên, nói là để Đạo gia sử dụng, sống cùng thời với Khổng Tử”.

Thuyết thứ hai là: “Sau khi Khổng Tử mất 129 năm, mà sử ký Chu Thái sử Đam gặp Tần Hiến Công nói: “Ban đầu Tần và Chu hợp, hợp 500 năm thì ly tán, ly tán 70 năm thì xuất hiện bá vương”. Có người nói Đam tức là Lão Tử, cũng có người nói không phải.

Giới học thuật ngày nay căn cứ “Sử Ký”: “Khổng Tử đến nước Chu, hỏi Lão Đam về lễ” suy đoán, Lão Tử hơn Khổng Tử 20 tuổi, năm sinh của ông ước là năm 711 trước Công Nguyên.

Lão Tử đàm đạo cùng Khổng Tử, được tôn xưng thành Thầy

Khi còn ở tại nước Lỗ, Khổng Tử từng có lần nói với đệ tử của mình là Nam Cung Kính Thúc rằng: “Lão Đam bác cổ thông kim, hiểu cội nguồn của lễ nhạc, rõ quy phạm của đạo đức. Nay ta muốn đến nhà Chu xin thỉnh giáo, trò đi cùng hay không?

Đệ tử đồng ý vui vẻ và lập tức chuẩn bị ngựa xe, người hầu để hộ tống Khổng Tử lên đường. Lão Tử thấy bạn xa xôi ngàn dặm đến, mừng vui đón tiếp.

Bí ẩn về cuộc đời Lão Tử: Bậc cao nhân ẩn sĩ được Khổng Tử ví như Con rồng thâm sâu, không thể lường nổi - Ảnh 2.

Lão Tử hỏi Khổng Tử đọc sách gì, ông trả lời là đọc “Chu Dịch”, và Thánh nhân đều đọc sách này.

Lão tử nói: “Thánh nhân đọc sách này thì được, còn ông vì sao cần phải đọc nó? Tinh hoa của quyển sách này là gì?”

Khổng Tử đáp: “Đó là nêu cao Nhân Nghĩa“.

Lão Tử mới nói: “Nhân Nghĩa giống như muỗi rận cắn người đêm hôm, chỉ mê hoặc lòng người, khiến ta lâm vào phiền não và hỗn loạn. Nếu ông nhìn con Thiên nga kia, đâu cần tắm rửa mà vẫn trắng như tuyết. 

Ông lại nhìn con Quạ kia, không nhuộm lông mà tự nhiên đã đen. Cho nên, trời vốn cao, đất vốn dày, cũng như mọi sự vốn đã được an bài có trật tự, cây cỏ từ ban đầu đã khác nhau. 

Khi ông đã tu Đạo thì chỉ cần đi theo quy luật tự nhiên tồn tại, ắt sẽ đắc Đạo, còn đi tuyên dương Nhân nghĩa để làm gì?”

Lão Tử lại hỏi Khổng Tử: “Ông đã đắc Đạo haychưa?”.

Khổng Tử khiêm tốn nhận: “Tôi đã cầu Đạo 27 năm rồi, nhưng vẫn chưa đắc được”.

Lão Tử giảng giải: “Nếu như Đạo là vật hữu hình, có thể đem đi dâng hiến thì người ta đã tranh nhau dâng cho Thiên tử. Nếu có thể đem cho tặng, thì người ta cũng đem tặng cho người thân, bạn bè. 

Nếu có thể truyền thụ, thì người ta cũng giảng giải cho con cái đời sau. Nhưng vốn Đạo không phải hữu hình, cho nên những điều trên đều không thể được. 

Cho nên mới nói, khi cái tâm con người không nhận thức đúng đắn về Đạo thì Đạo sẽ không bao giờ đến tâm người ấy.”

Khổng Tử nói: “Tôi đã nghiên cứu qua Thi Kinh, Kinh thư, Chu lễ, Chu nhạc, Kinh Dịch, Xuân Thu giảng về đạo trị quốc của nhiều đời tiên vương, đem dâng cho hơn 70 vị vua khác nhau, nhưng họ đều không đồng ý sử dụng. Xem ra người ta thật khó thuyết phục!”.

Lão Tử nói: “Những điều ông nói đều thuộc về lịch sử xưa cũ, những thành tựu tu học của ông cũng đến từ tích xưa, vậy nó còn có tác dụng gì nữa ở hiện tại? 

Đã là Tích, chính là dấu tích vết giày người ta để lại, so với dấu chân, thì có gì khác nhau?”

Sau đó, Lão Tử bèn đưa Khổng Tử đi thăm Đại phu Trường Hoằng, thỉnh giáo về Lễ chế nhà Chu. Nghiên cứu càng sâu thì càng cảm thán “Không ngờ nhạc lại có thể đạt đến cảnh giới cao siêu kỳ diệu như thế này!” 

Ông lại càng quyết tâm đưa toàn bộ tri thức về truyền thụ cho nước Lỗ của mình.

Nhưng Lão Tử lại ám chỉ lễ nhà Chu cũng không còn thích hợp đương thời. Ông nói: “Tôi nghe nói, kẻ phú quý tặng người của cải, kẻ nhân nghĩa tặng người lời nói. 

Tôi không phú cũng chẳng quý, nên tự nhận mình là kẻ nhân nghĩa, muốn tặng ông vài lời. 

Thời nay, kẻ thông minh mà sâu sắc, sở dĩ gặp nạn, thậm chí dẫn đến cái chết, là do hay chê cái sai của người; kẻ thông tỏ sự đời, sở dĩ gặp họa liên miên, là do hay vạch ra cái xấu của người. 

Là bậc làm con, đừng cho mình là cao; là bậc bề tôi, đừng cho mình là hơn. Mong ông nhớ kỹ”.

Bí ẩn về cuộc đời Lão Tử: Bậc cao nhân ẩn sĩ được Khổng Tử ví như Con rồng thâm sâu, không thể lường nổi - Ảnh 3.

Khổng Tử giải thích rằng: “Tôi chỉ lo đại Đạo không được thực hiện, nhân nghĩa không được thực thi, thì chiến loạn không ngừng, quốc loạn không yên. Nếu đời người ngắn ngủi mà không cống hiến gì cho dân cho đời thì tiếc lắm.”

Lão Tử mới chỉ vào con sông Hoàng Hà rộng lớn ngay bên cạnh: “Vậy sao ông không học Đức của nước? Nước thiện, có lợi cho vạn vật mà không tranh. 

Biển sở dĩ có thể làm vua của trăm sông ngàn suối là do nó giỏi ở chỗ thấp, đó là đức khiêm nhường. 

Thiên hạ không có gì yếu hơn nước, nhưng lại không có thứ gì mạnh mẽ rắn chắc mà thắng được nó cả, đó là đức nhu. 

Do đó nhu thắng cương, nhược thắng cường. Vì nước không có hình thái cố định nên xâm nhập dễ dàng vào từng góc cạnh, do vậy có thể thấy vô ngôn chi giáo (giáo hóa không cần nói), vô vi chi ích (lợi ích mà không cần phải làm)”.

Khổng Tử trở về, 3 ngày không nói chuyện, cơm nước cũng chẳng ngon miệng, khiến mọi người xung quanh một mực hỏi han.

Sau khi ngẫm kỹ càng, Khổng Tử mới nói: “Chim, ta biết nó có thể bay, ta dùng cung tên bắn. Cá, ta biết nó có thể bơi, ta dùng lưỡi câu. 

Thú, ta biết nó có thể chạy, ta có thể dùng lưới bắt. Còn như con rồng, ta không biết nó làm sao có thể lợi dụng sức gió mà bay tới tận trời cao. 

Ta sinh thời được gặp mặt Lão Tử, ông ấy cũng như con rồng kia thâm sâu không thể đo lường nổi! Ông đúng là Thầy của ta.”

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại