Những lời đồn kỳ quái về cái chết của Thành Cát Tư Hãn
Có tài liệu ghi lại rằng Thành Cát Tư Hãn qua đời 8 ngày sau khi lâm bệnh, nhưng căn bệnh giết chết ông ta là bệnh gì?
Thành Cát Tư Hãn, tên thật là Thiết Mộc Chân, sinh năm 1162 là một Khả Hãn Mông Cổ và là người sáng lập ra đế quốc Mông Cổ sau khi hợp nhất các bộ lạc độc lập ở vùng Đông Bắc Á năm 1206. Thành Cát Tư Hãn đã tiến hành một loạt các cuộc chinh phạt trên khắp khu vực Á - Âu để bành trướng lãnh thổ.
Thủ lĩnh Mông Cổ cũng nổi tiếng với sự tàn bạo, sẵn sàng tiêu diệt những người chống đối. Thành Cát Tư Hãn bị nhiều dân tộc coi là hiện thân của sự tàn bạo, nhất là từ Trung Á, Đông Âu và Trung Đông (là những nơi từng bị quân đội Mông Cổ thảm sát hàng loạt). Theo ước tính, đội quân của Thành Cát Tư Hãn đã giết hơn 40 triệu người tại các lãnh thổ mà họ xâm chiếm.
Theo Allthatsinteresting, cái chết của Thành Cát Tư Hãn đã là chủ đề tranh luận của giới học thuật trong gần 800 năm.
Nếu như câu chuyện quá trình sáng lập ra Đế chế Mông Cổ của Thành Cát Tư Hãn được sử sách ghi lại rất rõ, thì cái chết của ông ta vẫn còn nhiều bí ẩn. Cho đến ngày nay, các nhà sử học vẫn đang tìm lời giải cho câu hỏi: Thành Cát Tư Hãn chết như thế nào?
Thành Cát Tư Hãn qua đời khi đang ở giữa độ tuổi 60.
Các học giả thường đồng ý rằng Thành Cát Tư Hãn qua đời vào tháng 8/1227 khi ông ta ở giữa tuổi 60 tuổi, theo một cuốn sử được viết vào thế kỷ 14.
Cuốn sử cho biết Thành Cát Tư Hãn qua đời 8 ngày sau khi bị bệnh, nhưng các chuyên gia vẫn không rõ chính xác căn bệnh nào đã giết chết ông ta.
Một số người tin rằng, đó là bệnh thương hàn trong khi những người khác cho răng, thủ lĩnh Mông Cổ đã chết vì bị thương nặng do trúng tên bị tẩm độc hoặc do ngã ngựa.
Tuy nhiên, cũng có lời đồn cho rằng một công chúa mà Thành Cát Tư Hãn giam giữ đã thiến ông ta dẫn đến tử vong.
Tuy nhiên, một nghiên cứu mới cho thấy rằng tất cả những lời đồn về cái chết của Thành Cát Tư Hãn chỉ là giả - và được cố ý lan truyền.
Vậy thủ lĩnh Mông Cổ đã thực sự chết như thế nào?
Một triều đại đẫm máu
Quân đội của Thành Cát Tư Hãn đã tàn sát khoảng 40 triệu người trong hành trình chinh phục Đông Bắc Á.
Sau khi đánh bại tất cả các bộ tộc Mông Cổ đối thủ vào khoảng năm 1207, Thiết Mộc Chân chính thức lên ngôi Thành Cát Tư Hãn và là vị thần tối cao của người Mông Cổ.
Nhưng sự bùng nổ dân số sau đó đã khiến nguồn thực phẩm trở nên khan hiếm. Để giải quyết vấn đề này, năm 1209, Thành Cát Tư Hãn nhắm đến Trung Quốc với những cánh đồng lúa trù phú, rộng mênh mông.
Ông ta nhanh chóng chinh phục được đế chế ở tây bắc Trung Quốc được gọi là Tây Hạ. Tiếp đó, năm 1213, Thành Cát Tư Hãn đã xâm chiếm và hợp nhất lãnh thổ nhà Kim đến tận Vạn Lý Trường Thành.
Năm 1218 đế quốc Mông Cổ lại mở rộng về phía tây tới hồ Balkhash và tiếp giáp với đế quốc Khwarezm, một quốc gia Hồi giáo trải dài từ biển Caspi ở phía tây và vịnh Ba Tư, biển Ả Rập ở phía nam.
Thành Cát Tư Hãn đã gửi một đoàn sứ giả sang đế quốc Khwarezm với mục đích thảo luận khả năng buôn bán với quốc gia này nhưng đoàn sứ giả bị giết khiến Thành Cát Tư Hãn giận dữ.
Ông ta đã cho 200.000 quân tràn sang để trả thù. Quân đội Mông Cổ với chiến lược và chiến thuật hơn hẳn đã nhanh chóng khiến đế quốc Khwarezm sụp đổ. Sau đó, Thành Cát Tư Hãn chỉ huy một nhánh quân tràn vào Afghanistan và bắc Ấn Độ, một nhánh khác do Tốc Bất Đài chỉ huy tiến vào Kavkaz và Nga.
Không cánh quân nào giúp bổ sung thêm lãnh thổ cho đế chế Mông Cổ nhưng họ đã cướp bóc và đánh bại mọi đội quân mà họ gặp. Quân đội Mông cổ cũng chất đống đầu lâu của đàn ông, phụ nữ và trẻ em trên các gò đất ở mọi thành phố mà họ phá hủy. Năm 1225, cả hai cánh quân do Thành Cát Tư Hãn và Tốc Bất Đài chỉ huy đều quay trở lại Mông Cổ.
Những cuộc xâm lăng trên đã xác lập hình ảnh Thành Cát Tư Hãn như một chiến binh khát máu, là cơn ác mộng của bất cứ quốc gia nào.
Sau khi trở về Mông Cổ, Thành Cát Tư Hãn dồn toàn bộ tinh thần vào việc chuẩn bị chinh phạt Tây Hạ vì đã thách thức ông ta. Năm 1227, Thành Cát Tư Hãn tấn công vào kinh đô Tây Hạ. Vua Tây Hạ chính thức đầu hàng Mông Cổ trong năm này. Tây Hạ bị diệt sau 190 năm.
Lời giải cho cái chết bí ẩn của Thành Cát Tư Hãn
Vào đúng lúc Tây Hạ bị diệt, Thành Cát Tư Hãn băng hà. Theo các chuyên gia từ Đại học Flinders ở Adelaide, ông ta đã giấu nhẹm việc mình bị ốm nặng với tất cả mọi người để họ không mất tinh thần trong chiến dịch chống lại Tây Hạ.
Quần thể tượng Thành Cát Tư Hãn ở Mông Cổ.
Nghiên cứu về cái chết của Thành Cát Tư Hãn đã được các chuyên gia từ Đại học Flinder công bố trên Tạp chí Quốc tế về Bệnh truyền nhiễm.
Theo đó, Thành Cát Tư Hãn lâm bệnh vào ngày 18/8/1227 và bị sốt cho đến khi ông qua đời vào ngày 25/8. Các giả thuyết trước đây cho rằng Thành Cát Tư Hãn chết vì bệnh thương hàn, nhưng Lịch sử nhà Nguyên không cho thấy bằng chứng nào về bất kỳ triệu chứng liên quan đến bệnh thương hàn như nôn mửa hoặc đau bụng đi ngoài.
Thay vào đó, các chuyên gia từ Đại học Flinder sau khi xem xét kỹ các triệu chứng mà Thành Cát Tư Hãn mắc phải đã đi đến kết luận ông ta chết vì bệnh dịch hạch, một căn bệnh cổ xưa nhất, từng thay đổi lịch sử và vẫn còn bùng phát ở hiện tại.
Căn bệnh dịch hạch thời kỳ này cũng bắt đầu đeo bám quân đội Mông Cổ từ năm 1226, khiến nhiều binh sĩ bỏ mạng.
Đáng chú ý, các nhà nghiên cứu đã phải mất gần một thiên niên kỷ để đưa ra chẩn đoán cụ thể này.
Tuy nhiên, trong khi bí ẩn đằng sau cái chết của Thành Cát Tư Hãn dường như đã được giải đáp, thì vị trí nơi an nghỉ cuối cùng của ông ta vẫn chưa được biết đến.