Bí ẩn về bức tranh biến mất của danh họa Vincent van Gogh

Thùy Dương/Báo Tin tức (Theo New York Times) |

Sau khi bức tranh của danh họa người Hà Lan Vincent van Gogh được bán đấu giá, một nhà sản xuất phim đã nhận mình là chủ sở hữu. Sau đó, bức tranh biến mất và khi lần theo dấu vết, người ta thấy nó liên quan tới các thiên đường thuế tại Caribe và một tỷ phú Trung Quốc bị bỏ tù.

Bí ẩn về bức tranh biến mất của danh họa Vincent van Gogh - Ảnh 1.

Bức tranh "Still Life, Vase with Daisies and Poppies". Ảnh: Reuters

Theo tờ New York Times, bức tranh "Still Life, Vase with Daisies and Poppies" (tạm dịch: Tĩnh vật, Bình hoa cúc và anh túc) là một trong những tác phẩm cuối cùng mà Vincent van Gogh hoàn thành trước khi qua đời vào năm 1890.

Đây cũng là một trong những tác phẩm hiếm hoi của danh họa mà thuộc sở hữu tư nhân. Năm 1911, bức tranh được bán cho nhà buôn nghệ thuật ở Berlin là Paul Cassirer.

Năm 1962, bức tranh được cho Phòng trưng bày nghệ thuật Albright-Knox của Buffalo mượn. Tại đay, bức tranh vẫn được trưng bày trong nhiều thập kỷ, rồi được một nhà sưu tập tư nhân mua lại. Bức tranh xuất hiện trở lại vào năm 2014 tại nhà đấu giá Sotheby's.

Vào một buổi tối của tháng 11/2014, cuộc đấu giá của Sotheby’s có các tác phẩm của các họa sĩ theo trường phái Ấn tượng và nhà điêu khắc theo trường phái Hiện đại. Đây sẽ cuộc đấu giá thành công nhất trong lịch sử của Sotheby’s. Nhưng một bức tranh đã thu hút sự chú ý đặc biệt: "Tĩnh vật, Bình hoa cúc và hoa anh túc" - bức tranh được Vincent van Gogh hoàn thành vài tuần trước khi ông qua đời.

Trong căn phòng chật kín người tại nhà đấu giá Sotheby’s ở Manhattan (Mỹ), giá bức tranh nhanh chóng tăng lên: 32 triệu USD, 42 triệu USD, 48 triệu USD. Sau đó, một người mua gọi điện từ Trung Quốc. Từ lúc này, cuộc đấu giá chỉ có hai người cạnh tranh.

Đẩy giá lên gần 62 triệu USD, người gọi từ Trung Quốc đã thắng thế. Đây là mức giá cao nhất từng được đưa ra cho một bức tranh tĩnh vật của danh họa van Gogh tại một phiên đấu giá.

Trong thế giới kín tiếng của nghệ thuật cao cấp, người mua thường ẩn danh. Nhưng người vừa mua được bức tranh trên, đồng thời là một nhà sản xuất phim nổi tiếng, lại tuyên bố trong nhiều cuộc phỏng vấn khác rằng mình là chủ sở hữu mới của bức tranh.

Nhà sản xuất đó là Vương Trung Quân. Công ty của ông vừa giúp đưa ra rạp bộ phim "Fury" về Thế chiến thứ hai do Brad Pitt thủ vai chính. Ông mơ ước biến công ty của mình trở thành Công ty Walt Disney phiên bản Trung Quốc.

Theo truyền thông Trung Quốc, vụ mua bán này đã trở thành một "cơn sốt" trên toàn quốc. Đó là một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang trở thành một thế lực trong thị trường nghệ thuật toàn cầu. Năm trước đó, một ông trùm bất động sản Trung Quốc đã mua lại một bức tranh của Picasso.

Bí ẩn về bức tranh biến mất của danh họa Vincent van Gogh - Ảnh 3.

Ông Vương Trung Quân. Ảnh: The Paper

Ông Vương Trung Quân nói trong một cuộc phỏng vấn bằng tiếng Trung với Sotheby's: "Mười năm trước, tôi không thể tưởng tượng được việc mua một bức tranh của van Gogh. Sau khi mua, tôi đã rất thích bức tranh".

Nhưng ông Vương Trung Quân có thể không phải là chủ sở hữu thực sự. Hai người đàn ông khác có liên quan đến vụ mua bán. Một là người trung gian ít người biết đến ở Thượng Hải và là người đã thanh toán hóa đơn mua tranh cho Sotheby’s thông qua một công ty vỏ bọc ở Caribe. Người còn lại là người mà ông này mua tranh hộ: một tỷ phú bí ẩn ở Hong Kong.

Đó là tỷ phú Tiêu Kiến Hoa, một trong những ông trùm có ảnh hưởng nhất trong thời kỳ hoàng kim của Trung Quốc. Ông đã tạo ra một đế chế tài chính trong những thập kỷ gần đây nhờ có mối quan hệ với giới tinh hoa và một tầng lớp doanh nhân siêu giàu mới xuất hiện. Theo các giấy tờ công ty mà tờ New York Times có trong tay, ông Tiêu Kiến Hoa cũng kiểm soát một mạng lưới bí mật ở nước ngoài gồm hơn 130 công ty, nắm giữ tài sản trị giá hơn 5 tỷ USD. Trong số các giấy tờ này, có hóa đơn mua bức tranh của van Gogh.

Thế giới nghệ thuật và giới buôn bán nghệ thuật, kể cả nhà đấu giá quốc tế như Sotheby’s, luôn có bí mật. Thế giới này đã khiến các nhà chức trách muốn tìm cách kiểm soát chặt hơn để chống hoạt động tội phạm. Các giao dịch lớn thường đi qua các nhà trung gian mờ ám và việc kiểm tra họ không đơn giản.

Bí ẩn về bức tranh biến mất của danh họa Vincent van Gogh - Ảnh 4.

Ông Tiêu Kiến Hoa. Ảnh: New York Times

Ngày nay, ông Tiêu Kiến Hoa đã qua thời hoàng kim khi đang bị giam ở Trung Quốc đại lục. Ông này bị kết tội hối lộ và các hành vi sai trái khác mà các công tố viên cho rằng đã đe dọa đến an ninh tài chính của Trung Quốc. Trong khi đó, ông Vương Trung Quân cũng đang gặp khó khăn, phải thanh lý tài sản khi hãng phim thua lỗ hàng năm.

Một thế kỷ sau khi van Gogh vẽ bức tranh này, người ta có thể dễ dàng truy tìm nguồn gốc của nó và bức tranh thường được trưng bày trong các viện bảo tàng để du khách chiêm ngưỡng. Nhưng bây giờ, bức tranh đã biến mất, không rõ tung tích.

Ba người, trong đó có hai cựu giám đốc điều hành của Sotheby’s và một cố vấn nghệ thuật ở New York, cho biết bức tranh đã được chào bán riêng. Có một giấy tờ cho thấy có người đề nghị mua bức tranh với giá khoảng 70 triệu USD.

Các chuyên gia nghệ thuật không biết liệu bức tranh đã bán được chưa, cũng không ai rõ chủ sở hữu và vị trí của bức tranh trên.

Vào tháng 5/1890, van Gogh đến Auvers-sur-Oise, một ngôi làng bên ngoài Paris. Một năm rưỡi trước đó, khi đang ở trong tâm trạng vô cùng chán nản, ông đã cắt phần lớn tai trái của mình. Thời gian ở bệnh viện tâm thần cũng không giúp gì cho ông. Nhưng chỉ vài giờ sau khi đến làng Auvers-sur-Oise, ông đã gặp Paul-Ferdinand Gachet, một bác sĩ và một người đam mê nghệ thuật.

Van Gogh đã viết cho em gái mình: "Anh đã tìm thấy ở bác sĩ Gachet một người bạn sẵn sàng lắng nghe và một điều gì đó giống như một người anh em mới".

Bác sĩ Gachet khuyến khích van Gogh bỏ qua nỗi buồn và tập trung vào những bức tranh. Ông đã hoàn thành gần 80 bức trong hai tháng, trong đó có bức "Chân dung bác sĩ Gachet", được coi là một kiệt tác. Các nhà viết tiểu sử cho biết danh họa đã vẽ bức "Chiếc bình hoa cúc và anh túc" tại nhà của bác sĩ Gachet và có thể đã đưa tranh này cho bác sĩ để trả công điều trị.

Sau khi van Gogh qua đời vào tháng 7/1890, bức tranh được chuyển đến tay một nhà sưu tập người Paris. Sau đó, vào năm 1911, bức tranh thuộc về một nhà buôn nghệ thuật ở Berlin. Một loạt nhà sưu tập người Đức đã sở hữu bức tranh cho đến khi A. Conger Goodyear, một nhà công nghiệp ở Buffalo và là người sáng lập Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại ở New York, đã mua nó vào năm 1928. Sau đó, con trai của ông là George đã trao quyền sở hữu một phần cho Phòng trưng bày Nghệ thuật Albright-Knox, nơi trưng bày bức tranh trong gần ba thập kỷ.

Vào tháng 5/1990, kết thúc những năm mà giá tranh của danh họa van Gogh phá kỷ lục, một doanh nhân Nhật Bản đã chi 82,5 triệu USD để mua bức "Chân dung bác sĩ Gachet" tại nhà đấu giá Christie's. Khi đó, đây là mức giá cao nhất được trả trong cuộc đấu giá cho một tác phẩm nghệ thuật.

Vào khoảng thời gian đó, ông Goodyear muốn bán bức tĩnh vật để gây quỹ cho một bảo tàng khác. Christie's không bán đấu giá được bức tranh vào tháng 11/1990. Christie's đã kỳ vọng bán được với giá từ 12 đến 16 triệu USD. Ngay sau đó, một người mua ẩn danh đã mua tranh với mức giá thấp hơn.

Hầu hết trong số khoảng 400 bức tranh sơn dầu mà Van Gogh vẽ trong những năm cuối đời được coi là tác phẩm hay nhất của ông và đều được trưng bày tại các viện nghệ thuật trên khắp thế giới. Khoảng 15% nằm trong tay tư nhân và không thường xuyên được cho các viện bảo tàng mượn. Trong thập kỷ qua, chỉ có 16 bức được đưa ra đấu giá.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại