Dài 6.650 km, sông Nile (sông Nin) là con sông dài nhất thế giới. Con sông vùng Bắc Phi này còn được gọi là 'dòng sông quốc tế' khi nó chảy qua 11 quốc gia, bao gồm: Tanzania, Uganda, Cộng hòa Dân chủ Congo, Rwanda, Burundi, Ethiopia, Kenya, Eritrea, Nam Sudan, Sudan và Ai Cập.
Đây là dòng sông có ảnh hưởng nhất ở châu Phi. Cách đây 5000 năm, người Ai Cập cổ đại xem sông Nile như 'vị thần' mang đến cho họ đồ ăn, thức uống, giúp cho mùa màng bội thu. Nhờ thế, con sông trù phú này đã góp phần hình thành và phát triển nên Văn minh Ai Cập rực rỡ trong lịch sử.
Sông Nile là dòng sông huyền thoại, giúp hình thành nên nền văn minh Ai Cập cổ đại rực rỡ, nhờ đó, lịch sử chứng kiến sự ra đời của các kim tự tháp kỳ vĩ. Ảnh: Internet
Dưới con mắt của các nhà khoa học, sông Nile vĩ đại là một trong những kỳ quan thiên nhiên đáng kinh ngạc nhất trên thế giới, ẩn chứa nhiều bí ẩn mà khoa học không ngừng tìm hiểu.
"Một trong những bí ẩn lớn về sông Nile là thời điểm hình thành và tại sao nó lại có thể tồn tại lâu đến vậy trên Trái Đất?" - Giáo sư, nhà địa chất học Claudio Faccenna, Trường Khoa học Địa chất Jackson, Đại học Texas (Mỹ) nhận định.
Giới nghiên cứu vừa có phát hiện mới nhất về vai trò của sông Nile: Dòng sông này đã cung cấp nguồn nước, thủy lợi và sự sống cách đây 30 triệu năm! Phát hiện mới này còn giải mã bí ẩn lâu đời về nó: Tại sao sông Nile không ngừng chảy và đổi dòng trong suốt hàng chục triệu năm qua?
Câu trả lời nằm ở đáy sông. Theo đó, các nhà khoa học phát hiện sâu bên dưới đáy sông có một phần giống như băng chuyền (conveyor belt) - giống khoang đối lưu trong lòng đất - giúp định hướng dòng chảy của con sông qua hàng chục triệu năm.
Một giả thuyết khác cho rằng, sông Nile hình thành lần đầu tiên cách đây gần 6 triệu năm, khi đó, một rạn nứt Đông Phi xảy ra đã giải phóng nguồn nước ngầm khổng lồ từ đó cho đến nay.
Mặc dù giả thuyết sông Nile hình thành từ cách đây 30 triệu năm không phải là một nghiên cứu mới hoàn toàn nhưng nghiên cứu này lại đưa ra bằng chứng mới về mô hình địa chất mới và sự phù hợp của núi đá lửa từ vùng cao nguyên của Ethiopia với phần còn lại của đồng bằng sông Nile.
Giáo sư Claudio Faccenna (Mỹ)
Tác giả chính của nghiên cứu mới nhất về sông Nile
Ông cho biết, sông Nile được hình thành cùng thời điểm xuất hiện của cao nguyên Ethiopia cách đây khoảng 30 triệu năm.
Giáo sư Claudio Faccenna, tác giả chính của nghiên cứu mới nhất về sông Nile này cho rằng, sông Nile được hình thành cùng với thời điểm của cao nguyên Ethiopia. Vùng cao nguyên của Ethiopia là nơi một trong những nhánh/nhánh chính của sông Nile, là Blue Nile, bắt đầu.
Nile xanh mang đến phần lớn nước cho sông Nile (chiếm khoảng 80-85% lưu lượng) cũng như hầu hết các trầm tích trong lòng sông cùng với nhánh sông khác (sông Nile trắng) ở Sudan, trước khi đổ ra biển Địa Trung Hải.
Giáo sư Claudio Faccenna và nhóm của ông đã phân tích các trầm tích thu thập từ đồng bằng sông Nile - vùng đất được tạo ra khi trầm tích được lắng đọng ở nơi dòng sông gặp Địa Trung Hải - và so sánh thành phần, tuổi của chúng với đá núi lửa cổ đại được tìm thấy trên cao nguyên của Ethiopia. Họ phát hiện ra rằng các trầm tích và đá phù hợp và có độ tuổi từ 20 triệu đến 30 triệu năm, cho thấy dòng sông hình thành cùng thời điểm với cao nguyên.
Hình ảnh vệ tinh sông Nile. Nguồn: Randomwhispers
Sau khi giải quyết bài toán về thời điểm hình thành, các nhà nghiên cứu tiếp tục giải mã việc làm thế nào dòng sông có thể được kết nối với lớp phủ Trái Đất, như lý thuyết đã đề xuất, Claudio Faccenna nói với Live Science.
Trong nghiên cứu mới, vị giáo sư này và các đồng nghiệp đã tạo ra một mô phỏng máy tính tái hiện 40 triệu năm kiến tạo mảng Trái Đất - một lý thuyết cho thấy lớp vỏ ngoài của Trái Đất bị cắt thành những mảnh di chuyển xung quanh và lướt qua lớp phủ (lớp Mantle).
Mô phỏng của họ cho thấy một lớp phủ nóng bỏng - một sự bùng nổ của đá cực nóng ở lớp phủ - đã đẩy mặt đất lên cao, tạo ra vùng cao nguyên của Ethiopia và cũng kích hoạt một "băng chuyền" vẫn còn tồn tại, đẩy lên trên vùng cao nguyên ở phía nam và kéo mặt đất xuống phía bắc. Điều này tạo ra một sườn dốc về phía bắc giúp sông Nile chảy đến Địa Trung Hải như ngày nay.
Thượng nguồn sông Nile bắt đầu từ cao nguyên Ethiopia, gần Thác Nile xanh. Ảnh: Shutterstock
Nếu không có sự biến động địa chất này, rất có thể sông Nile đã chuyển hướng dòng chảy về phía Tây. Điều này tất yếu ảnh hưởng sâu sắc đến lịch sử của nền văn minh nhân loại về sau. Điều quan trọng là, nhờ tự nhiên mà sông Nile đã chảy đến Bắc Phi và Trung Đông.
Bên cạnh việc đưa ra bằng chứng cho thấy sông Nile đã chảy theo hướng hiện tại trong 30 triệu năm, nghiên cứu mới cũng cung cấp thông tin mới về cách chuyển động của lớp phủ sâu dưới bề mặt Trái Đất có thể ảnh hưởng đến những gì xảy ra trên mặt đất và cách các dòng sông có thể cho chúng ta manh mối về những gì đang diễn ra bên dưới.
"Mặc dù có nhiều biến đổi địa chất nhưng 30 triệu năm đã qua, sông Nile vẫn tồn tại mà không bị gián đoạn, giúp kết nối địa hình của người Ethiopia với biển Địa Trung Hải".
Một trong những bí ẩn lâu đời liên quan đến sông Nile phần nào đã được các nhà địa chất giải mã.
Không rõ liệu sông Nile có thay đổi hướng chảy trong suốt cuộc đời hay không - dù chỉ một chút - và đó là điều mà giáo sư Faccenna và nhóm của ông hy vọng sẽ tìm ra trong tương lai. Họ cũng muốn thực hiện phương pháp này để phân tích cách lớp phủ cũng có thể đã thay đổi tiến trình của các dòng sông khác trên thế giới, bao gồm cả sông Dương Tử và sông Congo.
Nghiên cứu đã được công bố trên tạp chí Nature Geoscience.
Bài viết sử dụng nguồn: Sciencealert, Livescience, Natgeokids
* Đọc bài cùng tác giả Trang Ly tại đây.