Kể từ năm 2014, ngày 30/6 hàng năm chính thức trở thành Ngày tiểu hành tinh quốc tế (do Tiến sĩ Brian May người Anh và cộng sự sáng lập năm 2014) nhằm nâng cao nhận thức toàn cầu về mối nguy hiểm to lớn của tiểu hành tinh, thiên thạch khổng lồ tấn công Trái Đất.
Ngày 30/6 cũng đánh dấu tròn 111 năm kể từ khi một vật thể được cho là thiên thạch ước tính nặng gần 100 triệu kg phát nổ phía trên sông Tunguska ở Siberia xa xôi với tốc độ khủng khiếp 54.000km/giờ, theo dữ liệu khoa học của NASA.
Hơn 1 thế kỷ đã qua, vụ nổ mang tên Sự kiện Tunguska này vẫn còn nhiều điều khó hiểu, khiến nó trở thành Bí ẩn lớn nhất thế kỷ 20. Tại sao lại vậy? Hãy cùng Forbes tìm hiểu vấn đề.
Sự kiện Tunguska: Bí ẩn lớn nhất thế kỷ 20
7 giờ sáng ngày 30/6/1908, một vụ nổ siêu khổng lồ xé toạc bầu trời phía trên con sông Stony Tunguska tại độ cao 8,5km ở Siberia, Nga. Ngay lập tức, nguồn năng lượng hủy diệt tương đương 10-15 triệu tấn TNT của nó san bằng 80 triệu cây cối trên một vùng diện tích rộng 2.000km².
Hàng ngàn người vẫn có thể nhìn thấy quả cầu lửa khổng lồ dù cách đó gần 1.500km. Theo lời các nhân chứng, quả cầu lửa khổng lồ rực sáng tựa Mặt trời thứ hai, kèm theo loạt âm thanh ghê rợn đinh tai. Mặt đất rung chuyển dữ dội tựa như bị nứt toác rồi nuốt chửng mọi sinh vật xuống hố sâu hoắm của nó.
Các trạm khí tượng khác nhau ở châu Âu đã ghi lại loạt sóng địa chấn và sóng khí quyển sau vụ nổ. Những ngày sau đó, những hiện tượng kỳ lạ đã được quan sát trên bầu trời Nga và châu Âu, gồm các đám mây phát sáng, hoàng hôn đầy màu sắc và sự phát quang yếu ớt trong đêm.
Hình ảnh cắt trong bộ phim tài liệu của Discovery Channel (Mỹ) miêu tả giả định vụ va chạm của thiên thạch đường kính 500km vào Trái Đất.
Báo chí quốc tế suy đoán về một vụ phun trào núi lửa. Các nhà khoa học như Tiến sĩ Arkady Voznesensky, Giám đốc Đài quan sát từ trường và Khí tượng học tại Irkutsk - nơi ghi lại sóng địa chấn của vụ nổ, suy đoán về một tác động vũ trụ.
Sở dĩ, sự kiện Tunguska trở nên không thể giải thích và trở thành bí ẩn lớn nhất của thế kỷ 20 là bởi, vào thời điểm đó, việc tiếp cận khu vực khá khó khăn, cộng với việc tình hình chính trị bất ổn của Nga đã ngăn cản các cuộc điều tra của giới khoa học.
Mãi đến năm 1927, nhà khoáng vật học người Nga Leonid Alexejewitsch Kulik thuộc Viện Khí tượng Nga đã cùng đội của mình mạo hiểm tiến vào rừng taiga, đi qua lần lượt 2 con sông là Angara và Tunguska, và phát hiện một khu vực rộng lớn 820 dặm vuông bị bao phủ bởi những khúc gỗ mục nát. Đó là tất cả những gì còn sót lại sau vụ nổ khổng lồ trên không ngày 30/6/1908.
Sau khi khám phá toàn bộ khu vực và không tìm thấy miệng núi lửa hay vật liệu thiên thạch nào, nhà khoáng vật học Kulik cho rằng một thiên thạch toàn sắt đã phát nổ trong khí quyển gây ra vụ nổ và sự hủy diệt có thể quan sát được.
Leonid A. Kulik tại địa điểm của sự kiện Tunguska, sự kiện tác động lớn nhất trong lịch sử được ghi lại. Nguồn: RUSSIAN ARCHIVE
Việc thiếu đi vị trí tác động của nó vụ nổ được giải thích là do mặt đất toàn đầm lầy, quá mềm để thấy được hố va chạm. Mặc dù thiếu bằng chứng vật lý nhưng Kulik gọi sự kiện này là "Thiên thạch Filimonovo" (Filimonovo là tên nhà ga xe lửa, nơi quan sát thấy ánh sáng rực lửa của vụ nổ). Sau này, sự kiện này mới đổi tên thành Sự kiện Tunguska (vụ nổ xảy ra phía trên con sông Tunguska).
Hành trình giải mật bí ẩn của Tunguska Event
Từ năm 1928, hơn 40 cuộc thám hiểm đã được triển khai tại địa điểm này. Các mấu đất, đá, cây cối đều cho ra các kết quả không rõ ràng về nguyên nhân vụ nổ. Dù vậy, các nhà nghiên cứu vẫn cố gắng lập bản đồ khu rừng bị tàn phá sau đó 30 năm.
Năm 1934, dựa trên các công trình nghiên cứu của Kulik, các nhà thiên văn học Liên Xô cho rằng một ngôi sao chổi khổng lồ đã phát nổ ở Tunguska. Vì sao chổi được cấu tạo chủ yếu từ băng, nó hoàn toàn bốc hơi trong quá trình va chạm, không để lại dấu vết sau vụ nổ, đó lý do các nhà khoa học không tìm thấy bằng chứng.
Vụ nổ san bằng 80 triệu cây cối trên một vùng diện tích rộng 2.000km². Ảnh: Internet
Kỹ sư và nhà văn khoa học viễn tưởng Aleksander Kasantsews đã đửa ra một lời giải thích khác thường sau hậu quả của 2 vụ nổ bom hạt nhân ở Hiroshima và Nagasaki (năm 1945, tại Nhật Bản). Ông lập luận rằng một vụ nổ hạt nhân, tương đương với 1.000 quả bom ở Hiroshima, có nguồn gốc ngoài Trái Đất có thể gây ra vụ nổ Tunguska, vì có một UFO bị rơi ở Siberia hoặc vũ khí liên hành tinh đã được kích nổ ở đó mà không rõ nguyên nhân.
Năm 1973, các nhà vật lý Mỹ đã đề xuất rằng một lỗ đen nhỏ va chạm với hành tinh của chúng ta, gây ra vụ nổ vật chất phản vật chất trong bầu khí quyển của Trái Đất.
Từ những năm 1960, các hiện tượng trên Trái Đất cũng được đề xuất để giải thích các quan sát được thực hiện tại Tunguska.
Verneshots, được đặt theo tên của nhà văn Pháp Jules Verne, là những phản ứng magma/khí thiên nhiên nổ ra dữ dội từ lòng đất. Theo mô hình này, túi magma nóng chảy bên dưới Siberia đã hình thành một bong bóng khí núi lửa lớn. Theo thời gian và áp lực, túi bong bóng phình to và phát nổ, gây ra vụ nổ khổng lồ trên không trung. Dư lượng hóa chất từ quá trình đốt cháy này phân tán trong bầu khí quyển của Trái Đất đã khiến những đám mây phát sáng được nhìn thấy trên khắp thế giới.
Một giả thuyết được đưa ra nhằm giải thích cho sự kiện Tunguska đến từ một vật thể vũ trụ xâm nhập vào khí quyển Trái Đất, ma sát với không khí và gây nên vụ nổ hủy diệt.
Hố va chạm: Hậu quả của thiên thạch/tiêu hành tinh lao vào Trái Đất. Hình minh họa: Internet
Giả thuyết này được hỗ trợ bởi các báo cáo mô tả một quả cầu lửa trên cánh rừng taiga rộng lớn, sự hiện diện của các khoáng chất liên quan đến tác động như nanodiza, kim loại và silicat trong trầm tích, phân bố ánh xạ và hướng của các cây bị đổ rạp. Tuy nhiên, người ta vẫn chưa thể giải thích bản chất của vật thể vũ trụ này.
Năm 2007, Luca Gasperini và nhóm nghiên cứu của ông tại Đại học Bologna (Ý) đề xuất rằng hồ Cheko nhỏ (nằm cách vị trí va chạm 10km) có thể là hậu quả của vụ nổ Tunguska.
Hồ Cheko có độ sâu khác thường đối với một khu vực có đặc trưng là các ao nông; hơn nữa, trước năm 1908 người ta cũng không có hồ sơ nào về sự tồn tại của hồ Cheko.
Do đó, việc coi hồ Cheko là hố va chạm, khiến nhiều người cho rằng vụ nổ Tunguska chính là vụ nổ từ một thiên thạch khổng lồ. Tuy nhiên, không phải tất cả các nhà khoa học đều đồng ý với giả thuyết này.
Cho đến nay, hơn 1 thế kỷ sau sự kiện Tunguska, tất cả những gì mà giới khoa học có được chỉ là những manh mối thưa thớt Nhìn từ trên cao, không có bằng chứng nào còn sót lại, vì cây cối đã tái sinh tại khu vực bị tàn phá.
Trên mặt đất, chỉ có thể tìm thấy một vài gốc cây bị giết bởi vụ nổ, hầu hết đã bị thối rữa hoặc bị chôn vùi trong đầm lầy.
111 năm qua trôi qua, sự kiện Tunguska là bí ẩn lớn nhất thế kỷ 20 đối với các nhà khoa học. Thảm họa chưa lời giải mã này khiến rất nhiều chuyên gia, sử học và giới thiên văn học điên đầu tìm hiểu nguồn gốc nhưng bí ẩn vẫn hoàn bí ẩn.
Bài viết sử dụng nguồn: Forbes
* Đọc bài cùng tác giả Trang Ly tại đây.