Bạn biết không, trong số các loài cá voi trên đại dương, cá voi lưng gù và cá voi đầu cong là loài nổi tiếng nhất.
Lý do là vì chúng thường xuyên phát ra một âm thanh hết sức đặc trưng, được con người biết đến dưới cái tên "tiếng hát của cá voi".
Nổi tiếng là vậy, nhưng tiếng hát của lũ cá voi có mục đích là gì? Câu hỏi ấy đã khiến giới khoa học phải đau đầu trong thời gian dài.
Có nhiều nghiên cứu tin rằng cá voi cất tiếng hát là để tìm kiếm và thu hút bạn tình. Dù chưa được chứng thực và còn có nhiều sơ hở, nhưng đây là giả thuyết nhận được nhiều sự đồng tình nhất, dù số lượng nghi ngờ cũng không nhỏ.
Tuy nhiên, có lẽ chúng ta đã có đáp án rồi. Mới đây, một chuyên gia từ ĐH Buffallo (Mỹ) đã thẳng thừng bác bỏ giả thuyết cá voi tìm bạn tình bằng tiếng hát. Theo ông thì chúng hát là để "nhìn" - chính xác hơn là định vị - giống như cách loài dơi vẫn làm trong hang tối vậy.
Cụ thể, giáo sư Eduardo Mercado III - chuyên gia thí nghiệm sóng não đến từ ĐH Buffalo cho rằng bằng việc phát ra âm thanh vươn rộng khắp đại dương, cá voi có thể hình thành một bức tranh ngoại cảnh ngay trong đầu chúng. Theo ông, những âm thanh ấy có thể mang lại nhiều thông tin hơn là chỉ để phát ra tín hiệu cho đồng loại.
"Có lẽ hầu hết các nhà sinh học sẽ bác bỏ, nhưng tôi vẫn giữ nguyên quan điểm rằng các giả thuyết về tiếng hát của cá voi ở thời điểm hiện tại là sai," - Mercado cho biết.
"Khi chúng tạo ra âm thanh, nó giống như một chiếc radar dò tìm tín hiệu trong bóng tối vậy."
Mercado đã chứng minh luận điểm của mình bằng một mô hình kiểm nghiệm tính vật lý của âm thanh này. Kết quả cho thấy, dường như âm thanh do cá voi phát ra thay đổi theo từng năm, và chúng vì thế buộc phải thay đổi "bài hát" của mình cũng trong thời gian như vậy.
"Việc này còn khó hơn khi con người cố gắng học một ngôn ngữ mới. Với cá voi, tiếng hát không chỉ là một loại ngôn ngữ, mà dường như là cả một dải tần số và quy luật khác nhau." - trích lời Mercado.
Sóng âm thu lại từ cá voi
"Nó giống như việc một chủng người cố gắng học cách phát âm của một chủng tộc khác vậy."
Nhưng cá voi vẫn làm được, dù trí tuệ của chúng không bằng con người. Và điều đó khiến Mercado cảm thấy hết sức hứng thú tìm hiểm. Ông đã tập trung vào tiếng hát của cá voi lưng gù.
"Nếu giả thuyết của tôi là đúng, có thể cá voi đã làm một điều gì đó phức tạp hơn những gì con người đang nhầm tưởng," - ông chia sẻ.
"Thậm chí nếu hiểu được, chúng ta sẽ có thêm rất nhiều kiến thức về cách não bộ hoạt động, ngay cả với con người."
Dù vậy, Mercado vẫn phải thừa nhận rằng đây mới chỉ đang là giả thuyết cần được kiểm nghiệm.
"Hãy chứng minh là tôi sai đi. Có rất nhiều phòng thí nghiệm có thể làm được điều đó đúng không?"
"Người ta thường trở nên bảo thủ trước những gì đã quá rõ ràng. Nhưng nếu nhìn theo góc độ vật lý, giả thuyết của tôi hợp lý hơn." - Mercado tự tin nói.
"Ở thời điểm hiện tại, tiếng hát của cá voi vẫn đang bị phân tích theo cái cách chẳng chính xác gì cả."
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Frontiers in Psychology.
Tham khảo: Daily Mail