16 vật thể hình cầu bí ẩn
Ít giờ trước, tờ Geek Week của Ba Lan đã đăng tải bài viết của biên tập viên Filip Mielczarek với tiêu đề: "Vật thể hình cầu bí ẩn xuất hiện ở Ukraine". Dưới đây là lược dịch những phần đáng chú ý nhất:
"Một số ảnh vệ tinh được đăng tải lên Internet gần đây cho thấy những vật thể bí ẩn được người Nga lắp đặt ở Ukraine.
Cho đến nay các nhà phân tích vẫn chưa rõ chúng là gì nhưng họ đã đưa ra một số gợi ý thú vị.
Cụ thể những bức ảnh được quân nhân Ukraine Serhii Beskrestnov đăng tải trên kênh Telegram của anh cho thấy 16 vật thể hình cầu bí ẩn được xếp thành hàng gần một chiếc xe tải.
Một số vật thể tương tự cũng bị phát hiện được trên thùng xe...
Được biết người Nga đã triển khai những thứ này ở nhiều nơi trên đất Ukraine...
Ảnh: Serhii Beskrestnov.
Bản thân Serhii Beskrestnov, một người am hiểu về các thiết bị quân sự cũng đưa ra suy đoán của mình về những vật thể này như sau:
'Tôi từng tưởng rằng mình đã biết mọi công nghệ mà đối phương sử dụng, nhưng tập hợp các vật thể hình cầu kỳ lạ xếp thành một hàng này khiến tôi hoàn toàn bất ngờ'.
Hiện các nhà quan sát đã đưa ra hai giả định. Đầu tiên là những vật thể hình cầu chính là một loại thiết bị tác chiến điện tử (EW) đặc biệt nhằm phát hiện và vô hiệu hóa máy bay không người lái (UAV/Drone) hoặc tên lửa của Ukraine.
Giả định thứ hai là các vật thể này chính là các thiết bị phục vụ hoạt động nông nghiệp.
Serhii Beskrestnov cũng lưu ý thêm rằng 'đối phương gần như không thể triển khai bất cứ thứ gì quan trọng ở bãi đất trống gần tuyến đầu vì những thứ này sẽ nhanh chóng bị phía Ukraine định vị và phá hủy.
Và người lính Ukraine kết luận như sau: 'Dù chưa thể đưa ra đáp án chính xác nên tôi nghĩ đây có thể chỉ là một dạng mô hình'.
Và tôi (Filip Mielczarek) cũng cho rằng đây chính là lời giải thích hợp lý nhất cho bí ẩn này. Có thể người Nga đang triển khai các mô hình nhằm "nhử" Drone cảm tử hoặc một cuộc tập kích của (M142) HIMARS.
Điều này sẽ kết thúc bằng việc phía Ukraine lãng phí vũ khí đắt tiền vào những thứ rẻ tiền".
Video hỏa lực từ hệ thống M142 HIMARS phá hủy trạm gây nhiễu Sinitsa ở Kupiansk vào tháng 12/2023 cho thấy các khí tài EW của Nga là mục tiêu ưu tiên của phía Ukraine.
Giả định thứ 4?
Mặc dù đề cập tới ít nhất là 3 giả định về vật thể lạ của người Nga, tuy nhiên có vẻ như ông Filip Mielczarek đã bỏ sót một giả định khác cũng đến từ cộng đồng các nhà quan sát Phương Tây.
Cụ thể theo họ, các vật thể hình cầu này rất có thể là một dạng bóng bay được bơm khí nhẹ. Giả định này có thể giải thích việc chỉ một chiếc xe tải có thể chở lượng lớn vật thể này cũng như việc triển khai chúng trên mặt đất rất nhanh chóng.
Mở rộng giả định này, các nhà quan sát cho rằng những vật thể hình cầu bí ẩn của người Nga có nhiều điểm tương đồng với dòng Ăng-ten vệ tinh bơm hơi GATR do công ty GATR Technologies thuộc tập đoàn Cubic (Mỹ) phát triển.
Theo thông tin trên trang web chính thức của Cubic thì:
"Thiết bị đầu cuối truyền thông vệ tinh bơm hơi GATR của chúng tôi có thể bơm hơi và triển khai dễ dàng, cho phép sử dụng dịch vụ băng thông rộng vệ tinh ở mọi lúc mọi nơi.
Được các lực lượng Mỹ và đồng minh tin tưởng, thiết bị đầu cuối GATR của chúng tôi hỗ trợ truyền dữ liệu và giọng nói, cùng với các hoạt động hỗ trợ IP khác trên các băng tần Ku, C, X và Ka..."
Nhà sản xuất cũng quảng cáo thêm rằng GATR "có tính di động cao (chỉ mất 30 phút để triển khai), hoạt động tin cậy trong các môi trường khắc nghiệt, chi phí sở hữu thấp..."
Một video quảng cáo về biến thể GATR phục vụ cho lính dù Mỹ (Nguồn: Cubic).
Tới đây lại phát sinh thêm một câu hỏi quan trọng rằng tại sao người Nga lại có trong tay một sản phẩm quân sự của Mỹ, thậm chí còn "thoải mái" triển khai nó ở Ukraine?
Các nhà quan sát Phương Tây đã nhanh chóng tìm ra câu trả lời trong một bài viết được trang tin Defence-blog.com đăng tải vào năm 2018 với nội dung như sau:
"Ít ngày trước, một đại diện doanh nghiệp Nga trong một cuộc phỏng vấn đã nói rằng họ đã phát triển thành công hệ thống ăng-ten bơm hơi mới.
Hệ thống của người Nga là một quả cầu kín làm bằng vật liệu bền, các đường nối giữa chúng được kết dính với nhau bằng các thiết bị đặc biệt. Toàn bộ hệ thống chỉ nặng vài chục kg và có tính cơ động cao.
Vấn đề là "phát kiến" này gần như sao chép hoàn toàn hệ thống ăng-ten bơm hơi độc đáo do GATR Technologies phát triển...
Biến thể dành cho quân sự đã được giới thiệu vào năm 2014 khi Lục quân Hoa Kỳ ký hợp đồng 5 năm với GATR Technologies để cung cấp 36 tổ hợp với giá 440 triệu USD.
Hệ thống của người Nga gần như kế thừa hoàn toàn thiết kế của hệ thống gốc của Mỹ".
Video quảng cáo của doanh nghiệp Nga về ăng-ten bơm hơi (Nguồn: 74.ru).
Những thứ này ích gì cho Nga?
Đến đây nhiều độc giả sẽ tự hỏi rằng các vật thể này có thể giúp ích gì cho cái gọi là "Chiến dịch quân sự đặc biệt" (SMO) của Nga ở Ukraine?
Quay trở lại với trang web chính thức của Cubic thì bên cạnh việc cung cấp khả năng kết nối tới vệ tinh thì GATR Technologies cũng sử dụng các thiết kế Ăng-ten bơm hơi để tạo ra thứ gọi là hệ thống Troposcatter GATR.
Theo Cubic thì trong các môi trường khắc nghiệt, nơi liên lạc qua vệ tinh không thực hiện được thì giữa các thiết bị Troposcatter GATR có thể tạo ra các liên lạc LOS (Light-of-Sight/Trong tầm nhìn) và BLOS (Beyond-Line-Of-Sight/Ngoài tầm nhìn).
Hiểu theo nghĩa đơn giản nhất, Troposcatter GATR cho phép các đơn vị quân đội nằm cách nhau lên tới gần 320 km, bị ngăn cách bởi địa hình phức tạp có thể liên lạc băng thông rộng với nhau.
Troposcatter là từ ghép của tropospheric scatter (truyền sóng tán xạ tầng đối lưu). Như tên gọi đây là một phương pháp truyền và nhận tín hiệu sử dụng hiện tượng tán xạ tầng đối lưu bằng các ăng-ten parabol (GATR cũng là dạng này).
Phương pháp liên lạc này khá an toàn trong quân sự vì việc chặn tín hiệu cực kỳ khó khăn.
Một điểm đáng lưu ý là một hệ thống Troposcatter cần tới ít nhất là 2 ăng-ten đặt cách nhau vài mét.
Troposcatter GATR (Ảnh: Cubic).