Bí ẩn sân bay Trung Quốc ở Campuchia: Một thỏa thuận thuê đất quá bất thường

Mỹ Trinh |

Nỗi sợ Trung Quốc sẽ có căn cứ quân sự ở khắp Campuchia đang hình thành, khi một công ty Trung Quốc xây đường băng cho máy bay cất - hạ cánh trong cánh rừng gần vùng duyên hải tây nam Campuchia, theo báo New York Times.

Tờ báo Mỹ ngày 22.12 cho biết, đường băng này cũng gần một căn cứ quân sự mà Mỹ sợ sẽ được quân đội Trung Quốc sử dụng trong tương lai.

Campuchia giáp Vịnh Thái Lan trên Biển Đông, vùng biển mà Trung Quốc đã phô trương sự hiện diện quân sự một cách hung hăng, trang bị vũ khí trên các đảo nhân tạo xây trái phép khi Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền toàn bộ vùng biển này.

Các nước nhỏ trong khu vực đã cáo buộc Bắc Kinh sử dụng các chiến thuật bắt nạt họ, và hoạt động quân sự của Trung Quốc đã khiến Mỹ thường cử tàu chiến tiến hành các cuộc tuần tra thực hiện quyền tự do hàng hải (FONOP) trên Biển Đông.

Hoạt động ở Dara Sakor cùng các công trình Trung Quốc lân cận đã gây ra sự sợ hãi rằng Bắc Kinh lập kế hoạch chuyển Campuchia thành một tiền đồn quân sự, như Trung Quốc đã xây đảo nhân tạo trái phép trên Biển Đông, ở khu vực Ấn Độ Dương cũng như ở Djibouti, nơi có căn cứ quân sự đầu tiên của PLA ở nước ngoài.

Ý đồ này đã gióng lên các hồi chuông báo động tham vọng quân sự của Trung Quốc, vào lúc sự hiện diện của Mỹ ở khu vực đã suy giảm. Chiến lược phòng vệ “Chuỗi Ngọc” của Bắc Kinh sẽ hưởng lợi từ một “viên ngọc” ở Campuchia.

Đường băng được xây ở sân bay quốc tế Dara Sakor, và một khi khánh thành trong năm 2020, nó sẽ là đường băng dài nhất của Campuchia với chiều dài 3.200 mét vốn thích hợp cho phi công chiến đấu cơ thường sử dụng.

Nhà phân tích chính trị Sopha Ear ở Đại học Đông Phương (Los Angeles, Mỹ) nói: “Tại sao Trung Quốc xuất hiện ở giữa một cánh rừng để xây một đường băng? Đơn giản là nó sẽ cho phép Trung Quốc phô trương sức mạnh không quân tại khu vực này, nó sẽ thay đổi toàn bộ ván cờ”.

Gần đường băng này, công nhân đã đốn cây của một công viên quốc gia lớn nhất của Campuchia, để mở đường vào một cảng nước sâu nhằm tiếp đón các tàu chiến 10.000 tấn. Times thuật lại lời của ngư dân Thim Lim sống trong công viên quốc gia:

Hồi tháng 7, quân lính Campuchia cầm súng đến ngôi nhà gỗ của ông, ra lệnh cho gia đình ông phải ra đi. Và trong một cuộc họp, các quan chức Bộ Quản lý Đất đai Campuchia cho ông Thim Lim biết rằng vào năm 2020, nhà của ông sẽ bị phá bỏ để mở đường cho “một quân cảng do người Trung Quốc xây”.

Ông nói: “Trung Quốc to quá, nên họ có thể làm bất kỳ điều gì họ muốn”. Các dân làng khác cũng dự cuộc họp, xác nhận lời kể này của ông, nhưng các quan chức Bộ từ chối bình luận với Times.

Một thỏa thuận thuê đất quá bất thường

Lô đất nhà ông Thim Lim là một phần trong hợp đồng thuê đất Dara Sakor, mà chính quyền tỉnh Koh Kong (Campuchia) hồi năm 2008 đã ký với Union Development Group (UDG), một công ty Trung Quốc không nhiều danh tiếng quốc tế nhưng có quan hệ với giới chính khách cấp cao ở Bắc Kinh.

Chủ trì lễ ký hợp đồng thuê đất Dara Sakor là ông Trương Cao Lệ, một cựu lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc và là chồng của bà Đặng Nam, con gái cố lãnh đạo Đặng Tiểu Bình.

UDG không phải đấu thầu, lại được cho thuê 360 km2 đất suốt 99 năm và còn được cho phép không phải nộp tiền thuê đất trong 10 năm. EDG cũng khoe đây là “dự án đầu tư duyên hải lớn nhất không chỉ ở Đông Nam Á mà là lớn nhất thế giới”. Họ khẳng định việc xây đường băng và cảng vì mục đích dân sự, cụ thể là để phục vụ một khu nghỉ dưỡng.

Nhưng tầm cỡ số đất ở sân bay Dara Sakor (chiếm 20% vùng duyên hải Campuchia) được cho EDG thuê đã khiến người ta phải “trợn mắt ngạc nhiên”, nhất là khi một phần dự án đã xây được cho đến nay đã bị xuống cấp trong cánh rừng: khu nghỉ dưỡng tàn tạ, sân golf trống toác và sòng bạc bị bỏ hoang.

Nhà hàng hải sản chỉ thu hút một gia đình du khách Trung Quốc mua sẵn thức ăn biển trong túi nhựa để “né” giá bán quá cao trong khu nghỉ dưỡng. Nhưng thay vì rút lui khỏi một dự án tàn tạ, UDG vẫn tiếp tục xây dựng đường băng và cảng.

Không rõ ai kiểm soát dự án liên doanh này. UDG nói Dara Sakor là một dự án của tư nhân, trong khi Tướng Chhum Socheat (Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Campuchia) nói với Times rằng Cục Hàng không Dân dụng Campuchia quản lý dự án sân bay, điều có nghĩa nó không thể liên quan quân đội Trung Quốc.

Nhưng người phát ngôn Sin Chansereyvutha của Cục Hàng không Dân dụng nói “chúng tôi không có một thỏa thuận nào” cho sân bay Dara Sakor.

Bí ẩn sân bay Trung Quốc ở Campuchia: Một thỏa thuận thuê đất quá bất thường - Ảnh 1.

Tướng quân đội Kun Kim - Ảnh: Khmer Times

Ngày 9.12, Bộ Tài chính Mỹ cũng áp các mức trừng phạt với cựu tướng Kun Kim và cáo buộc ông khai thác trái phép nguồn tài nguyên quốc gia Campuchia, chiếm đoạt tài sản tư nhân, tham nhũng liên quan các hợp đồng chính phủ và nhận đút lót.

Theo Times, ông Kun Kim từng là tham mưu trưởng Quân đội Hoàng gia Campuchia (RCAF) và ông bị bay chức vì “không chịu chia sẻ lợi nhuận có từ làm ăn bất chính với một số quan chức cấp cao trong chính phủ Campuchia”.

Ngoài ra, có thể ông liên quan dự án Dara Sakor. Trong tuyên bố, Bộ Tài chính Mỹ viết: “Kim sử dụng binh lính RCAF để hù dọa, phá hủy và cưỡng chế đất đai”, nhằm giúp một công ty Trung Quốc thực hiện một dự án khu nghỉ dưỡng ở tỉnh Koh Kong. Bộ không nêu tên công ty nào, nhưng dân địa phương và các tổ chức nhân quyền nói đó là UDG.

Còn theo báo Bưu điện Phnom Penh, nhà bảo vệ môi trường Hun Vannak (37 tuổi, của tổ chức Mẹ Thiên Nhiên) nói Tướng Kun Kim liên quan UDG ở tỉnh Koh Kong: “Người dân đã phản đối UDG, giới truyền thông bắt đầu đưa tin về công ty, và xem ra Kun Kim tạo điều kiện dễ dàng nên dân làng cho rằng có sự hợp tác giữa công ty với Kun Kim”.

Vẫn theo Times, hồi tháng 5.2019, UDG trao Thủ tướng Hun Sen tấm ngân phiếu 1 triệu USD cho tổ chức Chữ Thập Đỏ Campuchia mà vợ ông Hun Sen là chủ tịch. Và tại trụ sở UDG ở thủ đô Phnom Penh có treo ảnh Tướng Tea Banh, Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia, đang đi trên sân golf Dara Sakor. Văn phòng chính của UDG sát cạnh nhà riêng của ông Tea Banh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại