Bí ẩn Ô Long Đao - Binh khí huyền thoại của người anh hùng áo vải Quang Trung

Gabe |

Đây chính là cây đao từng gắn bó với vua Quang Trung - Nguyễn Huệ trong suốt sự nghiệp cầm quân đánh giặc và đã ghi dấu biết bao chiến công hiển hách.

Nhà cầm quân vĩ đại, bất bại trong suốt cuộc đời

Quang Trung - Nguyễn Huệ (1753-1792) là vị vua thứ 2 của nhà Tây Sơn, sau Thái Đức hoàng đế Nguyễn Nhạc. Ông là 1 vị vua tài giỏi với nhiều cải cách, thay đổi về kinh tế xã hội thời bấy giờ. Tuy nhiên Quang Trung được biết đến nhiều hơn với cương vị nhà cầm quân lỗi lạc trong lịch sử Việt Nam.

Sinh ra trong gia đình tương đối khá giả, ông và hai anh em là Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ được ăn học đầy đủ, cả 3 người còn từng theo học Trương Văn Hiến, 1 thấy đồ văn võ song toàn. Chính vì vậy, không chỉ được tiếp thu kinh sử, Quang Trung còn được truyền thụ cả võ công.

Bí ẩn Ô Long Đao - Binh khí huyền thoại của người anh hùng áo vải Quang Trung - Ảnh 1.

Ba anh em Nguyễn Huệ. Ảnh minh họa. Nguồn: Vntinnhanh

Trong số đó, môn đao pháp được coi là sở trường của ông khi nó phát huy được hết sức mạnh trời phú ở Quang Trung. Bên cạnh đó, ông còn tích cực nghiên cứu, củng cố tư duy chiến thuật, chiến lược khi đọc nhiều binh pháp nổi tiếng, nhất là với 2 bộ của Tôn Tử và Trần Hưng Đạo.

Chính những điều đó mà Quang Trung trở thành 1 nhà cầm quân lỗi lạc, trong suốt cuộc đời mình, ông chưa từng để thua 1 trận nào, đã đánh là thắng, kẻ địch chỉ nghe thấy tên thôi cũng đã kinh hồn bạt vía.

Ban đầu khi dấy binh khởi nghĩa, Quang Trung được anh là Tây Sơn Vương Nguyễn Nhạc giao cho phụ trách, huấn luyện binh lính, hàng ngày luyện tập đao, kiếm, côn, cung, cưỡi ngựa... hay bước đầu là các chiến thuật đơn giản để binh sĩ có thời gian làm quen.

Bí ẩn Ô Long Đao - Binh khí huyền thoại của người anh hùng áo vải Quang Trung - Ảnh 2.

Vua Quang Trung.

Có thể chính vì được Quang Trung trực tiếp huấn luyện, chỉ dạy nên quân đội Tây Sơn đánh đâu thắng đó, nếu không tính lần đại phá quân Thanh năm 1789 thì điển hình nhất là trận Rạch Gầm, Xoài Mút năm Giáp Thìn (1785).

Kể từ khi ngày khởi nghĩa cho đến 1785, Rạch Gầm - Xoài Mút là chiến thắng vĩ đại nhất, nhanh gọn nhất và có ý nghĩa nhất của quân Tây Sơn, chỉ trong vòng 1 ngày đêm, quân ta đã đánh tan 2 vạn quân Xiêm cùng hơn 300 chiến thuyền các loại.

Ô Long Đao

Nhắc tới Quang Trung, chúng ta cũng không quên nhắc tới Ô Long Đao (một trong Tam đại thần đao nhà Tây Sơn), binh khí đã theo ông trong suốt sự nghiệp chiến trận, binh gia.

Ô Long Đao là có cán bằng gỗ mun đen nhánh, lưỡi được rèn bằng kỳ kim, cũng mang 1 màu đen tuyền, khi đao rời vỏ, khí lạnh tỏa ra 1 vùng, lưỡi đao sắc lẹm đến lạnh người. Không những thế, bảo đao này còn có trọng lượng lớn, nếu không phải người có sức mạnh thiên phú thì không thể sử dụng được.

Ngay cả ở trong chiến tích Rạch Gầm - Xoài Mút trên, nó cũng được nhiều người nhắc tới. Tương truyền, khi lâm trận, Quang Trung đã dùng nó để chém đầu tướng giặc, không những thế, cây đao này cũng hạ sát cả trăm tên địch, bảo đao đi tới đâu, đầu giặc rụng tới đó.

Và rồi đến năm 1789, sau lần hành quân lịch sử, Ô Long Đao lại cùng với Quang Trung - Nguyễn Huệ tiêu diệt vô số quân Thanh xâm lược.

Bí ẩn Ô Long Đao - Binh khí huyền thoại của người anh hùng áo vải Quang Trung - Ảnh 3.

Ô Long Đao. Sách của NXB Trẻ

Nhưng để có được thanh đao quý này cũng không dễ dàng gì. Truyền thuyết kể rằng, trong 1 lần hành quân, khi đi đến đèo An Khê, bỗng đâu có 2 con rắn rất lớn, da đen như mun chắn ngang đường, quân sĩ sợ hãi không dám tiến tiếp khiến cả đoàn nghĩa quan ùn lại, không thể đi lên.

Thấy sự lạ, Quang Trung xuống ngựa, chắp tay cầu: "Nếu Sơn thần, Xà thần phù trợ cho việc làm chính nghĩa của anh em nhà Tây Sơn, biết trước sự thành công thì xin Xà thần mở đường cho quân đi, còn sự nghiệp không thành, thì xin Xà thần hãy trị tội mình tôi, để nghĩa sĩ trở về với gia đình, đồng ruộng".

Kỳ diệu thay, lời khấn cầu vừa dứt, 2 con rắn to lớn kia lập tức quay đầu, đi trước mở đường cho cả đoàn quân. Được 1 đoạn, chúng lao vào bụi rậm, khi ra mang theo 1 thanh đại đao to lớn dâng Quang Trung. Thanh đao đó sau này chính là Ô Long Đao.

Quang Trung nhận đao mà kính cẩn thề rằng, sẽ vì đại nghĩa cứu dân, vì ơn của Xà Thần mà quyết tâm đi đến cuối cùng. Rồi từ đó về sau, thanh bảo đao này theo sát Quang Trung trong suốt sự nghiệp binh gia của mình.

* Tham khảo từ nhiều nguồn

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại