Ảnh minh họa: Sohu
Trên núi Giáp Sơn thuộc huyện Thạch Môn, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc có một ngôi chùa nổi tiếng tên là chùa Giáp Sơn. Tương truyền, ngôi chùa này được xây dựng vào thời nhà Đường và có lịch sử hơn 1.000 năm.
Cách đây hơn 300 năm, vào một đêm trăng thanh, các nhà sư trên núi cùng rời đi, mang theo 48 cỗ quan tài và lặng lẽ biến mất quanh ngọn núi. Không ai biết chính xác chủ nhân được chôn cất trong 48 chiếc quan tài này là ai.
Những chiếc quan tài vô chủ
Bành Trạch Lâm là một một viên kiểm lâm sống dưới chân núi Giáp Sơn. Thuở bé, ông đã quá quen thuộc với câu chuyện truyền thuyết về 48 chiếc quan tài ở chùa Giáp Sơn và luôn muốn tìm ra chân tướng sự việc. Trong vài thập kỷ, Bành Trạch Lâm đã tìm thấy hàng chục ngôi mộ trên núi Giáp Sơn nhưng chúng đều là những ngôi mộ giả trống rỗng.
Những ngôi mộ trống rỗng trên núi Giáp Sơn, thuộc huyện Thạch Môn, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc.
Đồng hành cùng Bành Trạch Lâm trong quá trình vén màn bí ẩn là người phụ trách bảo tàng huyện Thạch Môn, ông Long Tây Bân.
Mỗi lần tìm được ngôi mộ giả, Trạch Lâm đều vô cùng thất vọng, nhưng ngược lại, Tây Bân lại càng vui mừng. Ông nói với Trạch Lâm rằng thời xưa, các vị vua chúa quý tộc có địa vị cao luôn e sợ rằng ngôi mộ sẽ bị đào trộm sau khi chết, ví dụ như Tào Tháo, anh hùng của Tam Quốc, có tận 72 ngôi mộ đáng ngờ.
Thế nên việc tìm thấy càng nhiều ngôi mộ giả trên núi Giáp Sơn càng khẳng định một điều rằng danh tính của người được chôn cất không hề tầm thường.
Ngôi mộ trên tuyết
Vào cuối năm 1980, có một trận tuyết rơi dày đặc hiếm thấy ở huyện Thạch Môn. Với tư cách là một kiểm lâm, ngay sau khi tuyết rơi dày đặc, Bành Trạch Lâm và vợ đã lên núi để kiểm tra tình hình.
Khi đi bộ xuống ngọn đồi nhỏ, Trạch Lâm nhìn thấy một hiện tượng lạ: Nhiều nơi trên dốc tuyết tan rất nhanh, kèm theo hơi nước trắng xóa liên tục bốc lên. Được trí tò mò thôi thúc, ông cùng vợ đào sâu xuống vị trí dốc. Chỉ sau vài cuốc đào, Trạch Lâm cảm nhận rõ lớp đất bên dưới không phải tự nhiên mà là đất được đắp lên, không lẽ đây lại là một ngôi mộ giả khác?
Bình thuỷ sinh có hoạt tiết trắng - xanh trong ngôi mộ ba phần.
Khi đào xuống độ sâu khoảng 1m thì xẻng đập mạnh vào vôi và gạch xanh, ông phát hiện một chiếc chậu màu xanh trắng có hoạ tiết đẹp mắt được chôn sâu trong lòng đất. Bành Trạch Lâm chưa từng tìm thấy một món đồ tinh xảo như vậy trong ngôi mộ giả trước đây, nên lập tức báo cho Long Tây Bân.
Nghe được tin, ông Long Tây Bân lập tức dẫn đội khảo cổ đến hiện trường khai quật ngôi mộ. Sau khi dọn sạch lớp đất trên cùng, một ngôi mộ kỳ lạ đã xuất hiện trước mặt các nhà khảo cổ.
Ngôi mộ này có ba phần mộ nằm cạnh nhau, ở bên trái, chính giữa và bên phải. Mộ bên phải có một chiếc bình ngâm được chôn cất khá kỹ. Ngôi mộ ở giữa, do Bành Trạch Lâm đào lên, chôn chiếc chậu hoạ tiết màu xanh trắng, thực chất là một chiếc bình thủy sinh. Nhìn tổng thể, ngôi mộ này đã bị hư hại nghiêm trọng do trộm cắp.
Đoàn khảo cổ trong quá trình khai quật lăng mộ ở núi Giáp Sơn.
Trên các bức chạm khắc đá trong lăng mộ, đoàn khảo cổ đã tìm thấy câu đối: "Thân đeo Bắc Đẩu, đầu đội Tam Đài". Thời xưa, sao Bắc Đẩu luôn được coi là hiện thân của hoàng đế, và chỉ có hoàng đế mới được sử dụng. Ngoài ra, nhóm chuyên gia khảo cổ phát hiện trong lăng mộ có điêu khắc hoạ tiết rồng phượng. Vậy rốt cuộc đây là nơi chôn cất vị vua nào?
Khi việc khai quật đang đi vào bế tắc, đoàn khảo cổ đã tình cờ phát hiện ra một huy chương đồng, sau khi xác định được thì trên đó có viết bốn ký tự "Phụng Thiên Ngọc Chiếu".
Hóa ra chủ nhân ngôi mộ là vị hoà thượng Sấm Vương Lý Tự Thành - người đã lãnh đạo cuộc nổi dậy nhân dân, lật đổ Sùng Trinh Hoàng đế và khép lại 267 năm trị vì của triều Minh.
Lý Tự Thành, hay còn gọi là Phụng Thiên Ngọc, được coi là vị anh hùng của khởi nghĩa nhân dân cuối thời nhà Minh, đầu nhà Thanh. Ông lãnh đạo quân đội lật đổ nhà Minh và xưng đế ở Tử Cấm Thành. Tuy chỉ chiếm đóng Bắc Kinh được 42 ngày và làm hoàng đế chưa đầy một buổi, nhưng theo tục lệ Trung Quốc, hoa văn rồng phượng vẫn là biểu tượng được dùng trong lăng mộ ông.
Vén màn bí mật
Tin tức về lăng mộ của Lý Tự Thành ở Hồ Nam đã ngay lập tức thu hút sự chú ý của cả nước, đặc biệt là từ bảo tàng Mễ Chi - quê hương của vua Lý Tự Thành.
Tại bảo tàng Mễ Chi, các nhà nghiên cứu đã nhìn thấy những viên gạch phổ biến ở địa phương khớp với những viên gạch được khai quật từ ngôi mộ trên núi Giáp Sơn. Hơn nữa, phong tục chôn cất người trong ngôi mộ ba phần cũng là nét văn hoá riêng biệt của vùng Thiểm Tây.
Lịch sử cũng ghi lại rằng, sau cuộc nổi dậy của Lý Tự Thành, triều đình nhà Minh đã cử người đến phá mộ tổ tiên của gia đình ông, tuy nhiên phần mộ của ông nội và cha ông đều nằm trong một ngôi mộ trên núi Giáp Sơn ấy.
Di tích văn hoá lịch sử lăng Sấm Vương Lý Tự Thành ngày nay
Các cuộc khai quật khảo cổ và ghi chép lịch sử sau này chỉ ra rằng vua Lý Tự Thành không chết ở núi Cửu Cung như lời đồn, mà may mắn thoát đến vùng núi Giáp Sơn.
Sau khi ông qua đời, để tránh việc ngôi mộ bị đánh cắp, các thuộc hạ của ông đã noi gương các vị vua chúa quý tộc và dựng nên 48 ngôi mộ giả. Ngôi mộ ba phần trên núi Giáp Sơn được khai quật lần này chính là nơi chôn cất thực sự của vua Lý Tự Thành.
Tới những năm cuối thế kỷ 20, chính quyền địa phương đã cho xây dựng lại Lăng Sấm Vương. Ngày nay Lăng Sấm Vương bên núi Giáp Sơn đã trở thành một di tích văn hóa lịch sử quan trọng của tỉnh Hồ Nam, đồng thời đây cũng là một trong những nghĩa trang hoàng gia lớn nhất ở phía nam sông Dương Tử.
Theo Sunatnight, Sohu