Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ, 60 triệu USD trong gói cứu trợ 125 triệu USD sẽ vẫn được chuyển tới UNRWA để giúp duy trì hoạt động của cơ quan này. Tuy nhiên, Washington sẽ tạm thời chưa giải ngân 65 triệu USD còn lại.
Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert cho biết quyết định trên "không nhằm trừng phạt bất kỳ ai."
Chính phủ Mỹ và chính quyền Tổng thống Trump cho rằng nên có sự chia sẻ gánh nặng cân bằng hơn trong việc cung cấp nguồn quỹ chu UNRWA và mong muốn các quốc gia khác đẩy mạnh hơn nỗ lực từ phía mình.
Trước đó, bà Hanan Ashrawi, một quan chức cấp cao của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) đã cáo buộc Washington tìm cách hạn chế hoạt động của UNRWA nhằm làm lợi cho Israel.
Bà Ashrawi chỉ trích Mỹ đang "nhắm vào những người dân Palestine dễ bị tổn thương nhất và tước đoạt quyền của người tị nạn được tiếp cận giáo dục, chăm sóc y tế, trú ẩn và có một cuộc sống có giá trị." Quan chức này cũng cảnh báo động thái của Mỹ sẽ làm gia tăng bất ổn tại khu vực.
Trong khi đó, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết ông chưa được thông báo chính thức về quyết định của Mỹ song bày tỏ quan ngại về những thông tin xuất hiện gần đây liên quan đến vấn đề này.
Ông Guterres bày tỏ hy vọng Mỹ có thể duy trì gói viện trợ đầy đủ cho UNRWA theo kế hoạch ban đầu, nhấn mạnh UNRWA không phải cơ quan của Palestine mà là cơ quan của Liên hợp quốc.
Hồi đầu tháng Một này, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã thông báo cắt khoản viện trợ trị giá hơn 300 triệu USD/năm cho Palestine. Trong một tuyên bố đăng trên tài khoản Twitter cá nhân, ông Trump viết: "Mỗi năm Mỹ trả cho Palestine hàng trăm triệu USD nhưng không được đánh giá cao hay tôn trọng."
Hiện Mỹ là quốc gia đóng góp tài chính lớn nhất cho UNRWA phụ trách viện trợ nhân đạo cho người tị nạn Palestine, với cam kết gần 370 triệu USD trong năm 2016.
UNRWA cung cấp các dịch vụ như trường học và trạm y tế cho 5,3 triệu người tị nạn trên các vùng lãnh thổ của Palestine, Jordan, Liban và Syria./.