Hố thiên đường Xiaozhai rộng đến mức một người có thể nhảy dù vào trong đó - Ảnh: WIKIMEDIA COMMONS
Hố thiên đường Xiaozhai là một hố sụt có đường kính khoảng 537m và sâu xuống lòng đất khoảng từ 511 đến 662m.
Được các chuyên gia phát hiện lần đầu tiên vào năm 1994, hố sụt sâu nhất thế giới này nằm ở huyện Phụng Tiết (Fengjie), thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc.
Trong những trận mưa lớn, đôi khi người ta có thể nhìn thấy một thác nước đổ xuống những bức tường dốc của hố.
Hang Difeng, nơi có hố sụt, được hình thành từ một dòng sông ngầm chảy xiết. Con sông này hiện có thể được nhìn thấy ở độ sâu dưới cùng của hố. Nước con sông trong suốt, chảy qua các hệ thống hang động bên trong.
Phía bên dưới hố thiên đường Xiaozhai - Ảnh: GOOGLE EARTH COMMUNITY FORUM
Con sông chạy dài khoảng 8,5km từ khe nứt Tianjing dưới lòng đất, trước khi chảy đến vách đá thẳng đứng của sông Migong. Nơi đây hệ thống nước ngầm tạo thành một thác nước cao 46m.
Có 1.285 loài thực vật sống ở độ sâu của hố sụt Xiaozhai, tạo nên hệ sinh thái phong phú, độc đáo và quý hiếm của riêng nó. Trong đó có Bạch quả (Ginkgo biloba) - một loài cây quý hiếm, báo gấm...
Hố thiên đường nằm trong một khu vực núi đá vôi rộng lớn. Các chuyên gia tìm thấy đá vôi Triassic trong hố sụt này. Đó là các khối đá vôi nguyên chất rất dày, được hình thành dần dần trong suốt 128.000 năm qua.
Trung Quốc là nơi có nhiều hố sụt, thường được gọi là “tiankeng”. Từ tiankeng có nghĩa là “hố thiên đường” hoặc “hố trời” trong tiếng Trung Quốc, và dùng để chỉ một nhóm cấu trúc địa chất rất cụ thể.
Để trở thành một tiankeng, hố sụt phải sâu và rộng ít nhất 100m, với một dòng sông chảy qua đáy.
Tất cả Tiankeng đều bao gồm đá carbonat, ngoại trừ hai cấu trúc của Venezuela bao gồm đá sa thạch. Chúng được hình thành thông qua quá trình hình thành đá vôi.
Trong số 75 hố sụt dạng này được xác định trên thế giới, 50 hố lớn nhất được tìm thấy ở Trung Quốc. Do đó thuật ngữ tiếng Trung Quốc “hố thiên đường” trở thành tên thông dụng cho các cấu trúc như vậy.