Bí ẩn hiện tượng địa chấn rung chuyển cả hành tinh trong 20 phút đã có lời giải

Trang Ly |

Sau gần 1 tháng điều tra, giới khoa học đã tìm được câu trả lời cho bí ẩn địa chất "đau đầu" này.

Theo thông tin của National Geographic, các nhà khoa học Mỹ và Pháp cho biết, Trái Đất vừa trải qua hiện tượng địa chấn bí hiểm làm rung chuyển toàn bộ bề mặt hành tinh ở mức độ nhẹ trong 20 phút.

Sự kiện này xảy ra lúc 9h30 (giờ GMT) sáng 11/11, bắt nguồn từ một địa điểm cách ngoài khơi quần đảo Mayotte (thuộc lãnh thổ của Pháp) 24 km. Sau đó, đợt sóng địa chấn này bắt đầu lan rộng khắp thế giới, từ Zambia, Kenya và Ethiopia ở châu Phi đến tận Chile, New Zealand, Canada và quần đảo Hawaii - nơi cách quần đảo Mayotte 1.600km.

Bí ẩn hiện tượng địa chấn rung chuyển cả hành tinh trong 20 phút đã có lời giải - Ảnh 1.

Trái Đất vừa trải qua hiện tượng địa chấn bí hiểm làm rung chuyển toàn bộ bề mặt hành tinh. Nguồn: MailOnline

Sau gần 1 tháng xảy ra hiện tượng địa lý khó hiểu này, và sau những cuộc điều tra dày công của giới khoa học, cuối cùng họ đã tìm ra nguồn gốc của đợt sóng địa chấn lan khắp toàn cầu này.

Sputniknews dẫn lời chuyên gia địa chấn học Anthony Lomax cho hay, những đợt sóng kỳ lạ này gần như chắc chắn gây ra bởi sự hoạt động của ngọn núi lửa ngầm dưới biển ở phía đông bắc quần đảo Mayotte.

"Chuyển động của magma trong một ngọn núi lửa có thể tạo ra nhiều tín hiệu địa chấn, bao gồm cả đợt sóng đều đặn và cứ cách 17 giây lại lặp lại một lần, mà nhà địa chấn học Göran Ekström, thuộc Đại học Columbia (Mỹ) quan sát được tại quần đảo Mayotte vào ngày 11/11." - Anthony Lomax nói.

Theo đó, khối magma có kích thước 4,1 tỷ m3, chuyển hướng thông qua bề mặt Trái Đất và có thể gây ra một vụ đổ sụp buồng magma, từ đó tạo nên đợt sóng địa chấn nhỏ lan rộng khắp thế giới cách đây gần 1 tháng trước.

Bí ẩn hiện tượng địa chấn rung chuyển cả hành tinh trong 20 phút đã có lời giải - Ảnh 2.

Khối magma kích thước hàng tỷ mét khối chuyển động dưới ngọn núi lửa ngầm là nguyên nhân gây nên đợt sóng địa chấn ngày 11/11. Ảnh minh họa: Sputniknews

Trước đó, trên National Geographic, Cục Khảo sát địa chất Pháp cho biết, quần đảo Mayotte hình thành từ một vụ phun trào núi lửa khổng lồ cách đây 4.000 năm. Họ đã dự đoán các đợt sóng địa chấn này bắt nguồn từ hoạt động từ ngọn núi lửa ngầm dưới đại dương.

Các nhà địa chất cho biết thêm, từ tháng 5 quần đảo Mayotte đã bị tấn công bởi một loạt các trận động đất cấp thấp, với cường độ mạnh nhất đạt 5,8 độ Richter vào ngày 15/5.

Vì sao đợt sóng địa chất này lại là bài toán hóc búa với nhà địa chất gần 1 tháng trời?

Cuối tháng 11/2018, trả lời phỏng vấn của National Geographic, nhà địa chấn học Göran Ekström cho biết: "Tôi chưa từng nhìn thấy thứ gì tương tự như loại sóng này. Loại sóng gây ra những rung chấn ở tần số thấp nhưng lại có thể gây ảnh hưởng trên toàn cầu."

Báo Tin Tức lý giải rằng: Một trận động đất bình thường là sự kiện diễn ra trong thời gian ngắn chỉ có vài giây, kéo theo là một loạt dư chấn nhỏ. Trong quá trình dịch chuyển địa chấn, các nhà khoa học phân loại thành ba loại sóng địa chấn.

Một trận động đất thông thường sẽ kích hoạt tín hiệu đầu tiên được gọi là sóng P (sóng sơ cấp) và sau đó là sóng S (sóng thứ cấp). Loại sóng cuối cùng, được gọi là sóng bề mặt với tần suất đủ cao sẽ tạo ra một cơn động đất thường thấy.

Trong khi loại sóng này gần giống nhất với hiện tượng bí ẩn ở khu vực Mayotte, song theo giới quan sát lại không có bất kỳ ghi nhận sự cố động đất nào vừa xảy ra ở đó ngày 11/11.

Hơn thế nữa, các nhà quan sát cũng ghi nhận những tín hiệu sóng đều đặn và tần số thấp đáng kinh ngạc khiến hiện tượng ở Mayotte càng trở nên bí hiểm hơn trong mắt giới khoa học.

Các đợt sóng đều đặn và cứ cách 17 giây lại lặp lại một lần - hoàn toàn khác biệt với hiện tượng sóng "ồn ào" của các trận động đất thông thường.

Bài viết sử dụng nguồn: National Geographic, Sputniknews

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại