Mặc dù hiện nay hình ảnh hành tinh 9 (Planet 9) chưa có một kính thiên văn nào thực sự ghi lại được nhưng Surhud More, nhà thiên văn học ở Đại học Tokyo nói: "Mỗi khi chúng tôi chụp ảnh, có khả năng là Hành tinh 9 thực sự đang ở đó".
Michael Brown, nhà thiên văn học đến từ Viện Công nghệ California cho hay mình "lạc quan vĩnh viễn", rằng sẽ có ai đó tìm thấy Hành tinh 9.
Còn theo quan điểm của NASA: "Nó có thể ẩn sâu trong bóng tối bên rìa băng giá của hệ Mặt trời nhưng có thể làm thay đổi quỹ đạo của các hành tinh, thậm chí là làm lệch cả hệ Mặt trời sang một bên".
Các nhà khoa học thực tế đã tranh cãi về sự tồn tại của Hành tinh 9 trong nhiều năm. Các bằng chứng gần đây càng củng cố giả thuyết cho rằng thế giới bí ẩn này là có thật. Bởi thực tế, các nhà khoa học phát hiện nhiều vật thể bị đẩy vào quỹ đạo trong khoảng không lớn. Đó là cơ sở để nhóm nghiên cứu tin rằng có một hành tinh mà con người chưa nhìn thấy.
Thông qua kiểm tra ảnh hưởng Hành tinh 9 đối với hệ Mặt trời, nhóm nghiên cứu tìm thấy bằng chứng chỉ ra sự tồn tại của nó. Tất cả hành tinh đã biết quay quanh Mặt trời theo quỹ đạo nghiêng từ 0 - 2 độ trên một đĩa phẳng. Đĩa phẳng này nghiêng 6 độ so với Mặt Trời, khiến trục của Mặt Trời nghiêng theo.
Bằng cách tính toán quỹ đạo và ảnh hưởng, các nhà khoa học phát hiện hành tinh thứ 9 tạo một lực tác động lên quá trình quay của hệ Mặt trời. Góc nghiêng 6 độ hoàn toàn trùng khớp với các tính toán trên máy tính.
"Đó không phải là bằng chứng về Hành tinh 9", giáo sư David Gerdes, nhà khoa học tại Đại học Michigan nói. "Nhưng tôi cho rằng sự tồn tại của một vật thể như vậy củng cố giả thuyết về Hành tinh 9".
Để phù hợp với những số liệu mà các nhà khoa học thu thập được, theo các tính toán ban đầu của hai nhà khoa học trên, Hành tinh thứ 9 nặng gấp 10 lần Trái đất và cách xa gấp 20 lần khoảng cách từ Mặt trời đến Sao Thổ. Một chu kỳ quay quanh Mặt trời của Hành tinh thứ 9 sẽ mất 10.000 đến 20.000 năm.
Quỹ đạo của Hành tinh thứ 9 nghiêng đến 30 độ so với Mặt trời. Động lượng của hành tinh này, xét vị trí ở xa và kích cỡ lớn, sẽ làm Hệ Mặt trời mất cân bằng.
Nhà nghiên cứu Batygin nói với tạp chí Astronomy, quỹ đạo của Hành tinh 9 rất lớn, nó có thể dễ dàng vặn xoắn các hành tinh ở trong. Tuy nhiên, vì Hành tinh thứ 9 ở rất xa, các nhà khoa học sẽ phải đợi một thời gian nữa để công nghệ kính thiên văn có thể soi được hành tinh này.
Theo dự đoán của các nhà thiên văn học, Hành tinh 9 có thể đâm vào Trái đất một khi Mặt trời nguội lạnh hoàn toàn. Bởi khi đó, Hành tinh 9 sẽ không còn chịu sự kiểm soát của Mặt trời và chuyển động một cách hỗn loạn.
(T/h)