Bí ẩn hang đá ngập nước, ‘thánh địa của loài rắn’, cư dân không dám vào (Kỳ 3)

Dương Ngọc – Tuấn Xuân |

Theo người dân, rắn ở trong hang sâu nhiều vô kể và chưa người dân nào nơi đây dám vào hang bắt rắn.

Kỳ 3: Vào nơi trú ngụ của loài rắn

Cách động trăn ở bản Thín không xa là hang rắn thuộc bản Tưn (Xuân Nha, Mộc Châu, Sơn La). Từ lâu, nơi đây là vương quốc của các loài rắn. Chúng sinh sôi và phát triển ngày một nhiều.

Theo người dân nơi đây, rắn ở trong hang sâu nhiều vô kể. Chưa người dân nào nơi đây dám vào hang bắt rắn.

Hang rắn thiêng

Đến nhà Trưởng bản Tưn, ông Mùi Văn Ngọc trời đã tối mịt. Làn sương trắng đục giăng mắc phủ kín đỉnh Pha Luông. Ông Ngọc hồ hởi lắm. Ông bảo: “Ở nơi xó rừng này, lâu lắm rồi mới có khách tới chơi”.

Chưa kịp giới thiệu, ông Ngọc đã ngó đầu ra cửa gọi với bà vợ đang trồng rau ngoài vườn: “Hôm nay nhà có khách, bà về chuẩn bị rượu thịt nhé…”.

Ông Ngọc mới ngoài tứ tuần nhưng nom già trước tuổi. Khuôn mặt đen sạm vì nắng gió đã xuất hiện đầy nếp nhăn.

Bí ẩn hang đá ngập nước, ‘thánh địa của loài rắn’, cư dân không dám vào (Kỳ 3) - Ảnh 1.

Mùa khô cửa hang Tu Ngu lộ ra ngoài, còn mùa mưa thì ngập dưới nước.


Ông Ngọc bảo: “Rắn ở đây nhiều vô thiên lủng. Từ gầm sàn, chuồng trâu, đến chỗ chất củi, nơi nào cũng có rắn sinh sống. Người dân nơi đây không ai bắt và chỉ xua đuổi chúng đi. Theo tiếng Thái “ngu phạ” nghĩa là rắn thần. Từ xưa tới giờ, hầu hết người dân ở đây kiêng không ăn thịt rắn vì coi rắn là vị thần”.

Khi màn đêm bao trùm thung lũng cũng là lúc vợ trưởng bản bưng lên mâm cơm khá tươm tất. Rượu ngô nút lá chuối, nhấp môi vào chén, ông Ngọc khề khà: “Hang Tu Ngu chỉ cách nhà tôi mấy con dao quăng thôi nhưng để xuống được đó cũng mất nửa buổi đấy. Tôi cũng chưa dám xuống hang đó bao giờ.

Nghe các cụ nhà tôi kể lại, Tu Ngu là vương quốc của rắn. Rắn ở trong hang sống thành từng đàn, từng cụm. Nơi đó có đủ các loài rắn như hổ mang bành, hổ chúa, hổ lửa, hổ trâu, nhưng nhiều nhất vẫn là rắn nước. Có những con to, nặng 2-3kg, dài hàng mét”.

Cũng theo ông Ngọc, có thể từ nhiều đời nay bà con không bắt rắn nên ở hang Tu Ngu rắn sinh sôi rất nhiều.

Câu chuyện của chúng tôi bị cắt ngang khi ông Đinh Văn Dình hàng xóm của ông Ngọc sang chơi. Dáng ông Dình cao to và khỏe khoắn như cây lim, cây nghiến ở trên rừng.

Bí ẩn hang đá ngập nước, ‘thánh địa của loài rắn’, cư dân không dám vào (Kỳ 3) - Ảnh 3.

Đóng bè vào hang.


Nhân nói đến chuyện hang Tu Ngu, ông Dình cũng kể thêm một câu chuyện giải thích vì sao hang Tu Ngu lại nhiều rắn đến thế.

Ông Dình vốn là người quăng chài có tiếng sát cá ở bản Tưn. Mỗi năm ông đến cửa hang Tu Ngu bắt cá 1 lần và chỉ vào đúng 1 ngày trong năm. Lần nào ông mang chài đi cũng xách về đôi cá chiên to như cái cột nhà.

Vốn là người thông thạo đường đi lối lại nơi đây nên ông nắm khá rõ về hang Tu Ngu. Ông Dình bảo, trong hang có rất nhiều loài rắn sinh sống. Nguồn thức ăn chính của chúng là cá. Mùa cá vật đẻ, chúng chỉ việc trườn xuống thềm đá bắt được rất nhiều cá.

Cá ở trong hang Tu Ngu rất dạn người nên rắn ăn thỏa thích. Ông Dình còn bảo: “Biết trong hang có nhiều cá to nhưng tôi không dám vào, sợ không may va phải rắn độc là mất mạng như chơi”.

Nếu như người bản Thín (Xuân Nha, Mộc Châu) dám vào động trăn thăm thú, riêng người Thái, người Mường ở bản Tưn thì tuyệt đối không dám đặt chân vào động rắn.

Hôm chúng tôi đến bản có may mắn gặp ông Mùi Văn Quân, người dân tộc Mường, một thương gia miền biên viễn này. Gia đình ông Quân ở Hòa Bình di cư lên mảnh đất này đến đời ông là đời thứ 3. Do vậy luật lệ và việc kiêng kị đối với những nơi linh thiêng ở nơi này ít tác động đến ông. Chỉ có điều khi nhắc tới động rắn, ông Quân cũng không khỏi sởn da gà.

Bí ẩn hang đá ngập nước, ‘thánh địa của loài rắn’, cư dân không dám vào (Kỳ 3) - Ảnh 5.

Rắn trú ngụ trên vách đá, rúc vào các thạch nhũ.


Là người đi ngang dọc đất trời nơi đây, ông mới chỉ dám 1 lần vào động rắn. Ông kể, năm đó suối cạn khô nước mà phía dưới hang sâu cá quẫy ùm ùm. Sáng nào ông ra đứng ở cửa hang cũng thấy xuất hiện hàng đàn cá thần như ở suối cá Cẩm Thủy (Thanh Hoá).

Cá đủ màu sắc, xanh, đỏ, tím, vàng… chúng cứ nhởn nhơ ở cửa hang mà chẳng ai dám bắt. Vốn xuất thân là dân chài lưới, ông Quân quyết tâm vào hang động này một phen, với hy vọng sẽ bắt được nhiều cá anh vũ.

Vào “thánh địa” loài rắn

Sáng hôm sau chúng tôi háo hức lên đường theo chân ông Quân đi tìm hang Tu Ngu. Ông dặn rất kĩ rằng, bà con coi đó là chốn linh thiêng, nên phải giữ miệng, ăn nói lung tung, dễ bị phạt.

Men theo lối mòn xuyên qua vạt rừng già, chúng tôi chân núi Pum Buốn. Dọc suối Lựp có nhiều cây to. Cây đổ chắn ngang cả lối đi. Ông Quân vừa đi vừa dò đường vì nơi này ít khi thấy con người đặt chân đến.

Dọc lối vào hang là vô số những xác rắn vừa lột. “Vào mùa rắn lột xác, nơi này tựa như một ngày hội của vương quốc mãng xà vậy. Rắn ở khắp nơi bò về đây và chúng đồng loạt thay bộ “áo” mới. Thường ngày trông chúng hung dữ là vậy nhưng khi lột xác chúng mất hết sức lực, nằm im thin thít như chó cún”, ông Quân kể.

Bí ẩn hang đá ngập nước, ‘thánh địa của loài rắn’, cư dân không dám vào (Kỳ 3) - Ảnh 7.

Đường vào các ngóc ngách của hang.


Cửa hang cao rộng bằng cả gian nhà. Nước từ dòng suối Lựp chảy ầm ầm vào hang động. Nước đập vào vách đá trôi tuột vào hang sâu tạo thành chuỗi âm thanh ù ù tựa như có ngàn linh hồn đang gào thét ai oán, nghe dựng tóc gáy.

Để cho chuyến thám hiểm thành công, ông Quân vào rừng chặt nứa rồi dùng dây rừng kết lại thành bè. Mùa này nước cạn, nên còn vào được hang, đến mùa mưa, nước lớn, cửa hang ngập nước hoàn toàn, không ra vào được.

Cột lại cái bè, ông Quân kể, lần trước vừa đặt bè nứa xuống hang, đã bị nước chảy từ dòng suối Lựp đánh tan. Ông Quân phải làm một chiếc bè khác. Người dân nơi đây chỉ dám vào hang độ tháng 1-2 (âm lịch) khi đó suối cạn nước chảy nhẹ nhàng, bè đi lại dễ dàng.

Chiếc bè nứa chao đảo vào hang sâu. Tiếng nước trong hang ào ào như thác đổ. Càng đi sâu vào trong, lòng hang mở rộng hơn. Nước phía dưới cũng đỡ chảy xiết hơn.

Bí ẩn hang đá ngập nước, ‘thánh địa của loài rắn’, cư dân không dám vào (Kỳ 3) - Ảnh 8.

Rắn trốn trong các vách đá.


Ngồi trên bè, chúng tôi cố gắng nhìn theo ánh đèn pin mà ông Quân chiếu vào. Thỉnh thoảng mới nhìn rõ được vài chú rắn với đủ các loại màu sắc, kích cỡ. Và cũng chỉ trong tích tắc, chúng đã trốn biệt.

Lòng hang mở rộng, phía trên là vô số nhũ đá với đủ hình thù khác nhau. Trong các hốc đá đen ngòm, tối như hũ nút, thi thoảng lại nghe tiếng cá quẫy.

Đến giữa hang, chiếc bè đã trôi chậm hơn, chúng tôi mới cảm thấy đã được an toàn. Ông Quân cho biết, hang này dài khoảng 2km, đi hàng giờ đồng hồ mới hết, nước chảy xuôi về dòng sông Mã của tỉnh Thanh Hóa.

Mùa mưa, nước trong hang ngập sâu do thủy điện chặn dòng, nên rắn kéo lên nóc hang, chui vào ngác ngóc ngách trú ngụ, chứ không vắt vẻo khắp nơi như ngày xưa nữa. Có lẽ, hang đá rộng mênh mông này có rất nhiều ngóc ngách thủng lên giời, nên rắn chui từ các khe kẽ xuống và coi hang Tu Ngu là nơi trú ngụ an toàn.

Còn tiếp…

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại