Điều gì khiến con người trở nên khác biệt với tất cả các loài động vật còn lại trên Trái Đất? Có phải là trí tuệ của chúng ta không? Kích thước hộp sọ lớn? Chúng ta đứng thẳng bằng hai chân? Hay đơn giản chỉ là một bờ mông gợi cảm và quyến rũ?
Tất cả đều đúng! Và bạn không đọc nhầm đâu, con người sở hữu một vòng 3 lớn hơn và độc nhất so với tất cả các loài động vật còn lại trên Trái Đất. Đó là một bờ mông tròn, nổi khối đầy đặn và mềm mại.
Bờ mông ấy đã "squats" trong suốt trình tiến hóa kéo dài tới 350 triệu năm, để trở thành một tuyệt phẩm như hiện tại. Nhưng mục đích của mông là gì? Và tại sao mông chúng ta lại có hình dạng như vậy? Hãy cùng tìm hiểu:
Có thể bạn chưa biết: Tại sao con người có mông?
Cấu trúc mà chúng ta gọi là mông, thực ra bao gồm các cơ chính: gluteus minimus (cơ mông nhỏ), gluteus medius (cơ mông nhỡ) và gluteus maximus (cơ mông lớn). Trong số ba cơ mông này, gluteus maximus là thứ sẽ chịu trách nhiệm cho hình dáng mông của bạn.
Cơ mông lớn bắt nguồn từ một dải chạy từ vùng xương chậu mà mọi người cũng thường gọi là hông, xuống đến tận xương cụt. Ở phía dưới của các dải cơ tụ lại và bám sát vào đỉnh xương đùi.
Cơ mông lớn là cơ điều khiển hoạt động co duỗi chính của chân, khi chúng ta chạy, leo cầu thang hoặc khi cần đứng dậy khi đang ngồi... Đại loại, bất cứ hoạt động nào yêu cầu chân bạn phải di chuyển nhanh hoặc thay đổi tư thế lớn thì cơ mông sẽ chịu trách nhiệm.
Đó là lý do tại sao chạy nước rút và squats sẽ giúp bạn có mông tròn và săn chắc.
Giữ một nhiệm vụ nặng nề như vậy, cơ mông phải tạo ra rất nhiều lực để khiến chân chúng ta di chuyển. Thế nhưng không gian hạn chế từ xương chậu xuống xương đùi không cho phép nó phát triển theo chiều dài.
Cơ mông buộc phải phát triển theo nhiều ngang, to và dày lên. Xuôi theo chiều lực hấp dẫn, các bó cơ gluteus maximus chảy xuống dưới và tạo nên hình dáng mông cho bạn.
Các nhóm cơ mông, chỉ có ở con người, cơ mông lớn (gluteus maximus) mới phát triển
Trên thực tế, mông con người có hình dạng rất độc nhất so với tất cả các loài động vật có vú khác. Khi chúng ta tiến hóa từ loài vượn di chuyển bằng bốn chân sang người hiện đại đi bằng hai chân, xương chậu của chúng ta phải trải qua những thay đổi căn bản để đỡ được trọng lượng của toàn bộ thân mình nằm trên nó.
Điều này đòi hỏi các cơ hông phải định hướng lại đáng kể, và nó cũng đặt cơ mông lớn vào vị trí kỳ lạ mà bạn đang có. Dưới ảnh chụp giải phẫu, gần như mông bạn bị treo hoàn toàn ra khỏi xương chậu.
Có một vài loài động vật có vú khác nhìn bề ngoài cũng có mông, cụ thể là ngựa. Thế nhưng, sự phát triển mông của chúng không hề đến từ nhóm cơ mông lớn, mà là sự to ra của nhóm cơ mông nhỡ. Khá nhiều loài động vật có vú có mông, cũng là từ sự phát triển của cơ mông này.
Con người là loài duy nhất phát triển cơ mông lớn. Đó chắc chắn là sự sắp xếp của tạo hóa, khi chúng ta tiến hóa thành một loài đi bộ bằng 2 chân, độc đáo và duy nhất.
Đúng vậy, câu chuyện sẽ còn hấp dẫn hơn thế, nếu chúng ta nhìn vào quá trình tiến hóa của các loài động vật.
Cỡ khoảng 350 triệu năm trước, những động vật bốn chân đầu tiên đi bộ trên đất liền bắt đầu xuất hiện. Tất cả chúng đều có cái đuôi lớn. Một trong những cơ đuôi của chúng, gọi là caudofemoralis, nối đuôi với xương đùi.
Khi còn ở dưới nước, cơ này được tổ tiên của chúng sử dụng để bơi. Khi lên cạn, các động vật dùng đuôi để kéo chân sau của chúng về phía sau, từ đó tạo lực đẩy cơ thể tiến về phía trước. Hãy tưởng tượng đến dáng đi của những con khủng long bạo chúa Tyrannosaurus rex.
Trong quá trình tiến hóa, các cơ đuôi vẫn còn được nhiều loài động vật sau này giữ lại, thậm chí vẫn còn tồn tại cho tới ngày nay ở một số nhóm như bò sát và động vật lưỡng cư. Những con vật này thường có đuôi dài và to, vì chúng phụ thuộc rất nhiều vào cơ đuôi mới có thể di chuyển được.
Mặc dù vậy, không phải loài động vật nào cũng muốn đi lạch bạch mãi như những con cá sấu. Khoảng 300 triệu năm trước, một nhóm động vật có tên là synapsids, dòng dõi tổ tiên của động vật có vú đã tiến hóa theo chiều hướng loại bỏ sự quan trọng của đuôi.
Các loài động vật trên cạn đầu tiên sử dụng đuôi để đứng và di chuyển
Chúng phát triển một nhóm cơ thay thế cơ đuôi để vận động và di chuyển. Như bạn có thể đoán được, đó chính là cơ mông. Các cơ này nối hông với xương đùi mà hoàn toàn không dính dáng gì tới cơ đuôi nữa.
Trải qua hàng triệu năm, cơ đuôi của chúng ngày càng nhỏ đi. Đến khoảng 200 triệu năm trước, các loài động vật có vú gần như chỉ còn đuôi rất nhỏ. Chúng không góp phần vào quá trình đi lại nữa. Thay vào đó, nhiệm vụ được chuyển qua cơ mông, khiến mông phát triển, tăng kích thước và hình thành nên khối.
Cho đến khoảng 6 triệu năm trước, khi tổ tiên của loài người bắt đầu đứng thẳng dần trên hai chân, những loài linh trưởng này đã ngừng sử dụng chân trước để vận động. Chúng dựa phần lớn vào chân sau để đứng và đi lại, vận động.
Quá trình chuyển đổi này có nghĩa là tất cả sức mạnh cần thiết để tạo lực đẩy cho quá trình đi bộ, bây giờ, được đặt lên duy nhất cơ mông. Không có lựa chọn khác, mông của các loài linh trưởng đi bằng 2 chân phải tăng kích thước và nổi hẳn thành khối to ra ngoài xương chậu.
Thêm vào đó là một vài miếng đệm béo cũng được đặt xen kẽ vào mông. Nó giúp cho các cơ không bị tổn thương khi cọ xát vào xương hông. Các cơ và miếng đệm béo này tạo nên vẻ ngoài cho mông của bạn bây giờ.
Song song với sự lớn lên của bộ não, mông của chúng ta cũng lớn hơn sau quá trình tiến hóa
Trên đây là những lý do mà bạn sẽ không bao giờ nhìn thấy khủng long có mông, cũng như nhiều loài động vật có vú khác.
Ngay cả ở các loài linh trưởng họ gần với chúng ta như khỉ đột và tinh tinh, mông của chúng cũng không thể lớn và quyến rũ như con người. Lý do vì các loài vật này chỉ di chuyển bằng hai chân trong những khoảng thời gian ngắn hơn và vẫn hay có quen đi bằng cả chi trước.
Hơn nữa, chúng cũng không biết squats hay tập chạy nước rút như con người. Và đó cũng là một mẹo nhỏ dành cho bạn. Nếu muốn mông trở nên lớn và gợi cảm hơn, hãy tập những bài tập đòi hỏi thay đổi tư thế hoặc chuyển động chân nhanh. Đó là lúc cơ mông của bạn được sử dụng và phát triển nhiều nhất.