Lithuania, hay còn được biết đến với tên gọi Litva, là quốc gia thuộc Bắc Âu chịu ảnh hưởng của Thiên Chúa giáo. Đặc biệt vùng ngoại ô Kryziu Kalna ở thành phố Siauliai, Lithuania nổi tiếng với hơn 200.000 cây thánh giá bằng gỗ dựng trên ngọn đồi nhỏ.
Nếu ghé thăm nơi đây bạn sẽ đi qua những con đường nhỏ xuyên qua mê cung của hàng trăm nghìn cây thánh giá. Làn gió lạnh lẽo thổi ngang qua kéo theo tiếng chuông ngân vang khắp khu vực tạo nên khung cảnh khá rùng rợn. Tuy nhiên, điều này không ngăn được bước chân những người hiếu kỳ.
Người ta cho rằng, những cây thánh giá đầu tiên xuất hiện vào khoảng thế kỷ 13, ngay sau khi thành phố Siauliai được thành lập. Từ đó ngày càng nhiều thánh giá được đặt ở đây.
Năm 1831, ngọn đồi thánh giá trở thành địa điểm đấu tranh chính trị và tôn giáo của Lithuania. Những cây thánh giá được đặt ở đây để tưởng nhớ người thiệt mạng và mất tích trong giai đoạn lịch sử này.
Đến thế kỷ 20, Lithuania cũng là nước gánh chịu nhiều hậu quả nặng nề của 2 cuộc chiến tranh thế giới , bị tổn thất cả về vật chất và con người. Người dân tiếp tục dựng lên những cây thánh giá trên đồi như lời cầu nguyện cho những linh hồn được an nghỉ. Vì thế có nhiều thứ bị phá hủy nhưng ngọn đồi thánh giá vẫn được gìn giữ và duy trì.
Minh chứng cho điều này là ngoại ô Siauliai chỉ có khoảng 150 cây thánh giá vào đầu thế kỷ 20. Đến năm 1940, khi Lithuania đánh dấu 20 năm độc lập kể từ sau chiến tranh thế giới thứ nhất số lượng thánh giá ở đây đã tăng lên 400 cây. Và ngày nay con số này đã lên đến hơn 200.000.
Ngoài ý nghĩa lịch sử, ngọn đồi thánh giá còn liên quan đến một truyền thuyết của người địa phương. Theo truyền thuyết, con gái của một người nông dân Lithuania bị bệnh nặng. Vào một đêm, ông mơ thấy người phụ nữ mặc đồ trắng dặn làm một cây thánh giá bằng gỗ và đặt trên ngọn đồi gần nhà thì con gái sẽ khỏi bệnh. Sau đó, những người khác cũng đặt cây thánh giá lên ngọn đồi đó với hy vọng phép màu tương tự sẽ xuất hiện.
Với người Lithuania, ngọn đồi từ lâu đã trở thành di sản mang ý nghĩa tôn giáo, lịch sử. Mặc dù địa điểm này có vẻ ngoài cổ quái, thậm chí có phần đáng sợ nhưng đây thực sự là tác phẩm được tạo nên từ tấm lòng của con người. Giáo hoàng John Paul II từng đến thăm ngọn đồi thánh giá và tuyên bố nơi này là ngôi nhà của hy vọng, tình yêu, hòa bình và sự hy sinh.
Theo tìm hiểu, không cá nhân hay tổ chức nào đứng ra thiết kế hay giám sát việc hình thành ngọn đồi thánh giá. Nếu muốn khách du lịch cũng có thể để lại những cây thánh giá hoặc chuỗi tràng hạt. Nếu không mang theo, bạn có thể làm nó ngay trên đồi, từ những vật liệu có sẵn như đá cuội, cành cây nhỏ và cỏ. Điều quan trọng không phải đến từ cây thánh giá đẹp hay xấu mà chính là đức tin, lòng hướng thiện.
Thường du khách hay viết những lời nguyện cầu trên cây thánh giá và đặt ở bất cứ nơi nào còn trống. Những cây thánh giá nhỏ không cắm được xuống đất sẽ được treo lên những thánh giá to, cứ thế hết lớp này đến lớp kia.
Có rất nhiều người dân Lithuanian sùng đạo tìm đến ngọn đồi và đặt những cây thánh giá tượng trưng cho lòng thành với Chúa. Nhà chức trách cũng nhận thấy cư dân của đất nước luôn cố gắng giữ gìn tôn giáo và truyền thống từ xưa. Bởi vậy, dù đã bị san phẳng 3 lần nhưng ngọn đồi thánh giá chưa từng bị "xóa sổ" khi những cây thánh giá mới tiếp tục được đặt lên.
Được biết, người ta từng có kế hoạch xây dựng một con đập ở dòng sông gần nơi này. Nếu kế hoạch thành hiện thực, ngọn đồi thánh giá có thể bị chôn sâu dưới 50 m nước. Tuy nhiên, do kinh phí di dời nhà cửa và mọi thứ xung quanh quá cao nên ngọn đồi vẫn "sống sót" và tồn tại cho đến nay.