Trong suốt chiều dài lịch sử phát triển, Trái Đất đã trải qua không ít lần "gặp nạn". Tính từ 540 triệu năm trở lại đây, hành tinh của chúng ta đã phải hứng chịu khoảng 20 cuộc tuyệt chủng lớn nhỏ khác nhau.
Trong số đó, sự kiện tuyệt chủng xảy ra cách đây 252 triệu năm trước được giới khoa học gọi là cuộc Đại tuyệt chủng (Great Dying) tàn khốc nhất: Tiêu diệt hoàn toàn 96% sự sống sinh vật biển sống trên hành tinh; Khiến cho quá trình tiến hóa của Trái Đất bị tác động vô cùng mạnh mẽ.
Cuộc Đại tuyệt chủng (Great Dying) đã tiêu diệt hoàn toàn 96% sinh vật biển sống trên hành tinh. Ảnh: Earth Archives.
Giới khoa học nhận định, phần lớn sự sống trên Trái Đất ngày nay là hậu duệ của 4% nhóm sinh vật sống sót sau Đại Tuyệt chủng. Và phải mất đến 30 triệu năm sau, nhóm sinh vật có xương sống mới có cơ hội phục hồi số lượng và sự đa dạng từ 4% nhóm sinh vật "may mắn" đó.
Mặc dù các nhà cổ sinh vật học thế giới đã xác định được 5 cuộc tuyệt chủng "thổi bay" trung bình 50% sinh vật sống trên Trái Đất (xảy ra ở các thời kỳ gồm: Cuối kỷ Ordovic, Kỷ Devon muộn, cuối kỷ Permi, cuối kỷ Triat, và cuối kỷ Creta), thì nguyên nhân thực sự gây nên sự hủy diệt trên toàn cầu này đến nay vẫn còn khiến giới khoa học bối rối.
Nhà cổ sinh vật học người Mỹ David M. Raup (1933 – 2015), một trong những nhà khoa học có công gọi tên 5 cuộc tuyệt chủng lớn trong lịch sử Trái Đất. Ảnh: Wikipedia.
Đi tìm "thủ phạm" gây nên cuộc Đại Tuyệt chủng của Trái Đất
Đã có rất nhiều nghiên cứu chỉ ra nguyên nhân của các sự kiện tuyệt chủng trong lịch sử hàng trăm triệu năm của Trái Đất, nhưng chưa có nguyên nhân nào tạo được sự đồng thuận lớn của giới khoa học thế giới.
Tuy nhiên, phát hiện mới đây của nhóm các nhà nghiên cứu đã khiến nhiều người phải chú ý. Theo đó, nhóm các nhà nghiên cứu kết luận rằng: Nguyên nhân gay nên thảm họa Đại Tuyệt chủng lớn nhất trong lịch sử Trái Đất (tính trong khoảng 540 triệu năm trở lại đây) mang tên Shoaling.
Tiến hành nghiên cứu các lớp đá ngầm tại các vùng biển ở Canada và Nhật Bản (phần biển từng thuộc đại dương Panthalassa - một đại dương rộng lớn bao quanh siêu lục địa Pangaea trong cuối đại Cổ Sinh và đầu đại Trung Sinh), các nhà khoa học phát hiện hợp chất lưu huỳnh điôxit (SO₂) trộn lẫn với một hợp chất khác của lưu huỳnh tạo nên một loại chất độc hóa học cực mạnh.
Siêu lục địa Pangaea được đại dương Panthalassa bao quanh thời cuối đại Cổ Sinh và đầu đại Trung Sinh. Ảnh: Science News.
Lượng chất độc hóa học này hình thành ngày càng lớn theo thời gian và chúng bị "giam hãm" trong các lớp trầm tích dưới đáy biển.
Nhóm nghiên cứu nhận định, có thể Trái Đất sẽ không phải hứng chịu cuộc Đại Tuyệt chủng nếu không có nhân tố mang tên Shoaling tác động.
Hình minh họa.
Theo đó, chính Shoaling - Những cuộn sóng ngầm dưới đại dương, đóng vai trò như những mũi dao sắc nhọn xới tung những lớp trầm tích dưới biển, từ đó, giải phóng lượng chất độc khổng lồ tích trữ sau nhiều năm rồi lan rộng theo những con sóng biển khổng lồ tràn khắp đại dương.
Đi đến đâu chúng hủy diệt sự sống của các sinh vật sống đến đó. Điều này, theo nhóm nghiên cứu, giải thích cho sự kiện 96% sự sống dưới đại dương thời cuối kỷ Permi bị hủy diệt hoàn toàn.
Mặc dù cho rằng Shoaling chính là nguyên nhân gián tiếp gây nên cuộc Đại Tuyệt chủng xảy ra cách đây 252 triệu năm, nhưng nhóm nghiên cứu vẫn chưa giải thích được tại sao lại có sự hình thành các cuộn sóng ngầm dưới đại dương thời kỳ đó; cũng như chưa giải thích được tại sao "dư âm" của Đại Tuyệt chủng dưới nước lại khiến 70% sinh vật sống trên cạn cũng bị tiêu diệt.
Bài viết sử dụng các nguồn: Dailymail, Livescience