Trên một vùng sa mạc Nazca rộng lớn, miền Nam Peru, ẩn chứa một trong những bí ẩn lớn nhất của giới khoa học hiện đại gần 100 năm qua: Những đường kẻ Nazca Lines khổng lồ.
300 khối hình khổng lồ, trong đó có 70 hình ảnh động-thực vật, được 'khắc' hoàn hảo trên vùng đất rộng 1000 km2. Công trình kỳ lạ mặc nhiên tồn tại đến tận ngày nay khiến giới khoa học hồ nghi chúng là 'tác phẩm' do người ngoài Trái Đất tạo ra cách đây rất nhiều năm.
Được đề cập lần đầu tiên vào thế kỷ 16, nhưng mãi đến cuối thập niên 1920, công trình bí ẩn này mới bắt đầu thu hút dư luận sau khi chuyên gia khảo cổ học người Peru Toribio Mejia Xesspe (1896-1983) chú ý đến và gọi chúng là "các hình vẽ lớn mang tính nghi lễ của người tiền Inca(1)" năm 1926.
Sa mạc Nazca là một trong những nơi khô hạn nhất Trái Đất, và vì ít gió nên các hình vẽ sâu 10-15 cm này không bị bào mòn phong hóa theo thời gian.
Cho đến nay, giới nghiên cứu gồm khảo cổ học, sử học, toán học... vẫn chưa có được câu trả lời chính xác về nguồn gốc, cách thức và ý nghĩa của 300 khối hình khổng lồ, chỉ nhìn thấy rõ từ trên cao này.
Có rất nhiều giả thuyết được đưa ra nhằm giải thích ý nghĩa của 300 khối hình khổng lồ Nazca Lines, trong đó, nhà toán học cho rằng chúng là bức lịch thiên văn khổng lồ của người xưa; giới khảo cổ lại cho rằng Nazca Lines là tập hợp công trình để người xưa thực hiện các cuộc tế lễ thần linh, cầu nước cho vùng đất khô cằn; hoặc công trình này là một cách để bộ lạc xưa kết nối với các vị thần của họ trên bầu trời...
"Tác giả" của Nazca Lines có phải là người ngoài Trái Đất? Ảnh: Internet
Hay công trình này là một cách để bộ lạc xưa kết nối với các vị thần của họ trên bầu trời... Ảnh: Internet
Trong cuốn 'Chariots of the Gods' (1968) của tác giả người Thụy Sĩ Erich von Däniken lại mô tả Nazca Lines là đường băng định hướng hạ cánh cho tàu vũ của người ngoài hành tinh.
Giả thuyết này dù còn nhiều hoài nghi; nhưng nếu đặt ngược vấn đề lại rằng: Nazca Lines là công trình của người Nazca cổ xưa(2) thì làm thế nào họ có thể vẽ chúng (khổng lồ) hoàn hảo đến vậy, và làm sao có thể quan sát chúng từ trên cao bởi cho đến nay chưa có bằng chứng người Nazca phát minh ra phương tiện bay thời cổ đại.
Đem những nghi vấn này vào công trình nghiên cứu mới nhất, nhóm các tác giả người Nhật Bản đã có bài viết đăng trên Tạp chí Journal of Archaeological Science: Reports, trong nỗ lực giải mã bí ẩn công trình cổ đại này.
Theo các nhà nghiên cứu, công trình hình vẽ khổng lồ (kéo dài hàng nghìn mét) này có niên đại vào khoảng năm 500 Trước Công nguyên - đến năm 500 Sau Công nguyên, và chúng có thể là 'tác phẩm' từ thời tiền Inca, cụ thể là của người Nazca cổ xưa.
Các nhà cầm điểu học Nhật Bản cho biết, họ đang cố gắng gọi tên những loài chim được vẽ trong số 70 hình vẽ động-thực khổng lồ của Nazca Lines với hy vọng: Nếu hiểu được những loài chim đặc trưng được người xưa chọn vẽ sẽ tạo một bước tiến mới trong hành trình lý giải lý do tồn tại của các khối hình này thời xa xưa.
Hình vẽ được các nhà nghiên cứu xác định là một con chim ruồi. Nguồn: Smithsonian Magazine
Tiến sĩ Masaki Eda thuộc Bảo tàng Đại học Hokkaido (Nhật Bản) cho biết: Thay vì cố gắng tìm điểm chung giữa các hình vẽ, nhóm của cô cẩn thận kiểm tra từng đặc điểm hình thái có thể quan sát được (như mỏ, cổ, cánh và đuôi của 16 hình vẽ chim) rồi so sánh chúng với 2000 bản vẽ khoa học về các loài chim cổ ở Peru.
Kết quả: Nhóm của Tiến sĩ Masaki Eda tự tin phân loại các hình vẽ chim thành 3 loài: Bồ nông - Vẹt non - Chim ruồi.
Điều quan trọng là, sau khi xác định được 3 loài chim này thì các nhà nghiên cứu nhận thấy cả 3 loài này đều không sống gần sa mạc Nazca, hay nói cách khác, chúng không phải là loài chim địa phương, mà đến từ nơi khác.
Đơn cử, loài chim ruồi thường sinh sống ở sườn phía Đông dãy Andes và ở phía bắc gần Ecuador. Trong khi đó, bồ nông sống bên bờ biển; còn vẹt được tìm thấy trong các khu rừng mưa nhiệt đới ở Nam Mỹ.
"Phát hiện của chúng tôi cho thấy người tiền Inca đã vẽ những con chim kỳ lạ, không phải chim địa phương. Tuy nhiên, nếu những con chim kỳ lạ này không có ý nghĩa với người Nazca thì không có lý do gì để họ cất công vẽ chúng như vậy. Đây có thể là manh mối dẫn đến giả thuyết rằng họ là những người từ nơi khác đến vùng sa mạc sinh sống." - Chuyên gia Takeshi Yamasaki thuộc Viện nghiên cứu cầm điểu học Yamashina (Nhật Bản) - đồng tác giả công trình - cho hay.
Không dừng ở việc nghiên cứu hình vẽ chim tại Nazca Lines, nhóm nghiên cứu Nhật Bản cho biết họ sẽ tiếp tục so sánh chúng với các hình vẽ chim trên đồ gốm của người Nazca với hy vọng làm sáng tỏ bí mật các hình vẽ khổng lồ ở sa mạc phía Nam Peru này.
Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn tiếp tục cố gắng giải mã nguồn gốc và lý do tồn tại của Nazca Lines (với 5 hình vẽ nổi bật nhất, gồm: Chim ruồi, khỉ, nhện, tay và phi hành gia) kể từ khi công trình này lần đầu tiên được nghiên cứu một cách có hệ thống vào năm 1926.
Johan Reinhard, một nhà thám hiểm của National Geographic, cho rằng Nazca Lines phục vụ cho nhiều mục đích của người cổ xưa.
Trong cuốn "The Nasca Lines: A New Perspective on Their Origin and Meaning" của Johan Reinhard viết:
Có vẻ như các khối hình khổng lồ này không dẫn đến đường chân trời hoặc ý nghĩa thiên văn nào, chúng đơn giản là hình vẽ nghi lễ mà người xưa tạo ra để cầu mưa thuận gió hòa, nước ngọt đầy đủ cho con người và mùa màng trên một vùng đất sa mạc khô cằn mà thôi.
Hình ảnh được cho là mô tả phi hành gia trên Nazca Lines. Ảnh: Internet
Bạn hãy hình dung, ở một khu vực khô hạn như thế này, mỗi năm chỉ nhận được vỏn vẹn 20 phút mưa thì nước tất yếu là thứ cực kỳ quan trọng."
Chuyên gia thuộc National Geographic Anthony Aveni cũng đồng ý với Johan Reinhard, ông nói: Các hình vẽ khổng lồ này sâu từ 10-15 cm, có thể chúng không dẫn đến nguồn nước nhưng lại là 'con đường tâm linh' để cầu nước của người xưa. 16 hình vẽ chim cùng các loài động vật khác cho thấy chúng đều là những loài sinh sống ở khắp vùng Nam Mỹ và đều ẩn chứa ý nghĩa về nước.
Nhện được cho là dấu hiệu của mưa. Chim ruồi có liên quan đến sự sinh sôi, nảy mở còn khỉ được tìm thấy nhiều ở rừng và sông Amazon...
Dù chúng ta không thể kết luận ý nghĩa duy nhất của công trình cổ đại này nhưng nếu kết hợp các nghiên cứu từ khảo cổ học, dân tộc học và nhân chủng học thì chúng ta càng có cơ hội hiểu rõ thêm về người xưa."
Năm 1994, Nazca Lines được UNESCO xếp hạng Di sản thế giới.
Chú thích:
(1) Người Inca là một tộc người da đỏ tại miền nam châu Mỹ. Từ thế kỷ 13 đến thế kỷ 16 Sau Công nguyên.
(2) Người Nazca (hoặc Nasca) sinh sống chủ yếu từ năm 100 Trước Công nguyên đến năm 800 Sau Công nguyên.
Bài viết sử dụng nguồn: Smithsonian Magazine, Inverse, National Geographic
* Đọc bài cùng tác giả Trang Ly tại đây.