Bí ẩn cỗ quan tài tỏa ra hương thơm, 200 năm thi hài bên trong cũng không thối rữa

Minh Nhật |

Các nhà khảo cổ Trung Quốc đã khai quật được một cỗ quan tài kỳ lạ mà khi mở ra thay vì mùi tử thi hôi thối nó lại tỏa ra một mùi thơm nồng đặc biệt.

Theo Sohu, mùi thơm tỏa ra từ cỗ quan tài được cho là từ thời nhà Thanh có thể được ngửi thấy trong bán kính vài trăm mét. Điều đáng ngạc nhiên hơn là một thi thể phụ nữ mặc trang phục thời nhà Thanh trong quan tài đã được bảo quản rất tốt, giống như bà chỉ vừa được chôn cất, hoàn toàn không bị thối rữa.

Người phụ nữ có mái tóc đen, búi sau đầu, nước da trắng trẻo, cơ thể đầy đặn và đàn hồi, các khớp xương vẫn có thể co duỗi được, thậm chí vẫn có thể tiêm thuốc vào cơ. Một xác ướp nguyên vẹn như vậy hiếm được phát hiện ở tỉnh An Huy nói riêng và thậm chí trong toàn bộ lịch sử khảo cổ của Trung Quốc nói chung.

Bí ẩn cỗ quan tài tỏa ra hương thơm, 200 năm thi hài bên trong cũng không thối rữa - Ảnh 1.

Các chuyên gia bên cỗ quan tài tỏa mùi thơm nồng kỳ lạ.

Thi thể người phụ nữ dài 164 cm, nặng 44 kg, thân hình cân đối, dáng người thanh mảnh, khuôn mặt hình trái xoan, móng tay móng chân được sơn màu đỏ, Các chuyên gia xác định người phụ nữ đã chết và được chôn cất khi khoảng 30 tuổi.

Những đặc điểm này khiến nhiều người đồn đoán rằng, xác ướp này là của một phi tần nổi tiếng của vua Càn Long được dân gian gọi là Hương Phi. Tương truyền, cơ thể Hương Phi luôn tỏa ra mùi thơm tự nhiên, thu hút cả ong bướm. Trên thực tế Hương phi được nhận định là Dung phi - một sủng phi của hoàng đế Càn Long, người dân tộc Duy Ngô Nhĩ.

"Cô ấy trông rất xinh đẹp. Khi mở quan tài ra, mọi người đều thấy giống một thiếu nữ đang ngủ, làn da khi chạm vào vẫn còn độ đàn hồi nhất định", Chuyên gia Vương Thiệu Cường, trưởng nhóm khảo cổ cho biết.

Bí ẩn cỗ quan tài tỏa ra hương thơm, 200 năm thi hài bên trong cũng không thối rữa - Ảnh 2.

Tạo hình Hương Phi - sủng phi của vua Càn Long trên màn ảnh Trung Quốc.

Tuy nhiên khi quan sát kỹ, người ta tìm thấy trên cổ cô có một vết cắt sâu hình chữ T, có vẻ được gây ra bởi một thanh kiếm. Đây là vết thương duy nhất trên thi thể, cho thấy khi bị kiếm cứa vào cổ, người phụ nữ này đã không phản kháng gì. Có lẽ cô đã phạm một tội tày đình nên phải chịu cái chết.

Vết chém này được xác định là nguyên nhân tử vong, cũng là một bằng chứng lịch sử hỗ trợ tìm ra thân phận thật sự của chủ ngôi mộ. Tuy nhiên, sử sách đã ghi nhận, Dung Phi qua đời ở tuổi 54 do bạo bệnh, không khớp với số tuổi của xác ướp được tìm thấy.

Ngoài ra, theo nghiên cứu của chuyên gia, đôi chân của thi hài trong quan tài được "bó gót sen", mà các phi tần của Càn Long không phải người Hán, thì không phải bó gót sen.

Theo đó, mùi hương tỏa ra từ cỗ quan tài được nhận định là do những loại thảo mộc được tẩm ướp bên trong quan tài.

Ngoài ra, y phục người phụ nữ mặc có họa tiết rồng bốn móng, kém một móng so với họa tiết rồng năm móng của hoàng tộc. Vì vậy theo đặc điểm trang phục thời Thanh, các chuyên gia nhận định, nhiều khả năng người phụ nữ là vợ của một quan chức triều đình.

Đáng tiếc, đồ tùy táng của chủ nhân ngôi cổ mộ bao gồm những đồ vật có thể chứng minh danh tính của cô ấy đã bị mất trộm. Vì vậy, rất khó để tìm ra danh tính của chủ nhân ngôi cổ mộ chỉ với một chiếc quan tài và xác ướp. Do đó, cho đến nay, danh tính của người phụ nữ vẫn là một bí ẩn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại