Những vụ mất tích bí ẩn
Vụ mất tích đầu tiên ở “tam giác quỷ” Nevada là một máy bay ném bom B-24 do thiếu úy Willis Turvey làm cơ trưởng, thiếu úy Robert M. Hester cơ phó cùng 4 thành viên phi hành đoàn gồm thiếu úy William Thomas Cronin, hoa tiêu, thiếu úy Ellis H. Fish, xạ thủ súng đại liên 12.7mm, trung sĩ Robert Bursey, kỹ sư cơ khí hàng không và trung sĩ Howard A. Wandtke, điều hành vô tuyến điện.
Máy bay cất cánh tại sân bay quân sự Fresno lúc 8 giờ 45 phút tối 5-12-1943 trong một phi vụ huấn luyện. Theo lịch trình, nó sẽ bay đến Bakersfield, Tucson rồi quay trở lại. Tuy nhiên sau khi cất cánh khoảng 1 tiếng, đài kiểm soát không lưu Fresno cũng như các đài kiểm soát ở Bakersfield, Tucson không còn nghe được một thông tin gì về nó.
Sáng hôm sau, 9 máy bay B-24 được gửi đi tìm chiếc máy bay mất tích.Thế nhưng thay vì tìm thấy nó, 1 máy bay trong đội hình này do phi công Darden là cơ trưởng cùng phi hành đoàn 7 người cũng… mất tích!
Trước khi biến mất khỏi màn hình radar, cơ trưởng Darden gọi về đài kiểm soát không lưu Fresno cho biết ông đang gặp một vùng nhiễu động không khí rất dữ dội. Vài phút sau, Darden nói ông thấy một bãi đất trống phủ đầy tuyết nên ông xin phép hạ cánh khẩn cấp. 2 người trên máy bay do thoát ra kịp nên còn sống cho biết đó không phải là “một bãi đất trống phủ đầy tuyết” mà là một hồ nước đóng băng.
15 năm sau, từ việc sửa chữa một con đập, chiếc máy bay của Darden được tìm thấy. Nó nằm sâu 65m dưới đáy hồ Huntington Lake và 5 thi thể thành viên phi hành đoàn vẫn còn nguyên trong làn nước lạnh giá. Kết quả điều tra không giải thích được về một vùng “nhiễu động không khí dữ dội” ở khu vực này.
Chiếc B-24 do cơ trưởng Willis Turvey và cơ phó Robert M. Hester cầm lái trước ngày mất tích ở tam giác quỷ Nevada.
Trong khi đó, Clinton Hester, cha của cơ phó Robert Hester trên chiếc máy bay B-24 mất tích đầu tiên đã tự mình tìm kiếm đứa con trai, kéo dài suốt 14 năm. Khi ông qua đời vì một cơn đau tim năm 1959, kết quả vẫn chỉ là một con số 0 to tướng.
Đến tháng 7-1960, các nhân viên thuộc Cục Khảo sát địa chất Mỹ lúc làm việc tại một khu vực hẻo lánh ở High Sierra, phía tây hẻm núi giữa Le Conte Canyon và công viên quốc gia Kings Canyon National Parks tìm thấy mảnh vỡ máy bay gần một hồ nước không tên.
Tiến hành xác minh, các nhà điều tra của Không quân Mỹ xác định đó là mảnh của chiếc B-24 do cơ trưởng Willis Turvey và cơ phó Robert M. Hester cầm lái. Hồ nước này hiện nay được gọi là hồ Hester.
14 năm sau - ngày 9-5-1957, một máy bay phản lực huấn luyện T-33 do trung úy không quân Davidamonds điều khiển, cất cánh từ căn cứ Hamilton, gần San Francisco, trên đường đến bang Arizona thì cũng biến mất khi đi ngang “tam giác quỷ”.
Mọi cuộc tìm kiếm suốt 30 ngày sau đó đều không mang lại kết quả nhưng đến ngày thứ 45, hai nhân viên kiểm lâm đột ngột nhìn thấy phi công Davidamonds trong bộ quần áo bay rách rưới, bẩn thỉu tại một trang trại nằm sau công viên quốc gia Kings Canyon, phía đông Fresno, California.
Theo mô tả của Davidamonds với các điều tra viên, lúc bay ngang “tam giác quỷ” thì hệ thống điều khiển máy bay bỗng ngừng hoạt động mà nguyên nhân là mất nguồn điện. Tiếp theo, một bộ phận gì đó trong máy bay phát nổ rồi chiếc T-33 rơi vào tình trạng mất kiểm soát hoàn toàn.
Để thoát thân, Davidamonds bấm nút ghế phóng và khi tiếp đất, anh bị thương ở cả hai mắt cá chân. Dùng chiếc dù để giữ ấm, Davidamonds bò suốt 20 dặm ở độ cao 4.000m. Davidamonds nói: “Ngày thứ 6, tôi bắn được 1 con nai bằng khẩu súng lục của mình rồi dùng dao và bật lửa trong túi cứu sinh xẻ thịt để nướng”.
Ngày thứ 15, Davidamonds gặp một cái chòi của kiểm lâm công viên quốc gia nhưng không người ở. Tại đây, trong chiếc tủ nhỏ có vài hộp thịt cùng sợi dây câu. Những ngày sau đó, Davidamonds sống bằng thịt hộp và những con cá câu được. Khi thấy mình đã đủ sức lực, Davidamonds tiếp tục lên đường.
Đến ngày thứ 40, một người đặt bẫy thú gặp Davidamonds khi anh đang bò theo con đường mòn trong rừng nên đã đưa anh về trang trại rồi để anh ở đó, còn mình thì đi ngựa đến thị trấn gần nhất để gọi người giúp Davidamonds. Và khi người này chưa quay lại thì Davidamonds đã được hai nhân viên kiểm lâm cứu thoát.
Lập tức, phía không quân lại mở ra các cuộc tìm kiếm xác máy bay nhưng vẫn không kết quả. Mãi đến năm 1977, một nhóm thanh thiếu niên khi đi cắm trại đã nhìn thấy cái vòm kính buồng lái máy bay. Kết quả xác minh cho thấy nó đúng là của chiếc T-33. Ngoài ra không còn có thêm một vật chứng gì nữa.
Với các chuyên gia hàng không, việc chiếc F-117 mất tích ở “tam giác quỷ” Nevada là điều vô cùng khó hiểu.
Lần theo thuyết âm mưu
Từ đó đến nay, lại có thêm nhiều vụ rơi máy bay ở “tam giác quỷ” Nevada, trong đó có những vụ rất nổi tiếng: Charles Ogle, người kinh doanh bất động sản giàu có đồng thời là cựu phi công thủy quân lục chiến lái chiếc Cessna Pipe rời sân bay Oakland, California lúc 8 giờ sáng ngày 15-8-1964 rồi biến mất trên đường đến Las Vegas, Nevada.Thi thể ông lẫn chiếc máy bay chưa bao giờ được tìm thấy, hay như thiếu tá Ross Mulhare, điều khiển chiếc phản lực cường kích tàng hình F-117 rất tối tân cũng mất tích trên “tam giác quỷ” ngày 11-7-1986.
Trước đó 1 năm, ngày 21-1-1985, chuyến bay 203 của hãng hàng không Galaxy Airlines khởi hành từ sân bay quốc tế Reno-Tahoe đến sân bay quốc tế Minneapolis với 61 hành khách cùng 5 thành viên phi hành đoàn bị rơi khi bay qua “tam giác quỷ”. Chỉ duy nhất có 1 người sống sót.
Cuộc điều tra kết luận rằng vùng nhiễu động không khí không ảnh hưởng đến an toàn bay mà do phi công phản ứng bằng cách giảm công suất của cả 4 động cơ. Việc giảm công suất đã khiến máy bay mất sức nâng cần thiết, dẫn đến hậu quả là nó bị rơi.
Nhưng gây xôn xao dư luận hơn hết là cái chết kỳ lạ của tỉ phú, nhà thám hiểm Steve Fossett. Đó là sáng thứ hai ngày 31-9-2007, tỉ phú Steve Fossett lên chiếc máy bay nhào lộn Bellanca Super Decathlon rồi cất cánh từ đường băng trong trang trại của Barron Hilton, bạn ông. Do chỉ bay dạo chơi trong một thời gian ngắn nên Steve mặc chiếc áo thun trắng, quần short, đi giày thể thao và không mang theo điện thoại cũng như thiết bị định vị GPS. Đó cũng là lần cuối cùng người ta nhìn thấy ông còn sống.
Sau 3 tiếng mà không thấy Steve quay lại, vợ ông hơi lo nhưng bà tin rằng sẽ chẳng có chuyện gì xảy ra với chồng bà bởi lẽ Steve là một phi công lão luyện. Năm 2002, Steve lập kỷ lục thế giới là người đầu tiên lái khinh khí cầu đi vòng quanh trái đất.Thế nhưng đến cuối buổi chiều mà vẫn không có thông tin gì về ông, vợ ông mới thông báo cho cảnh sát địa phương.
Theo cảnh sát trưởng hạt Lyon là Jeff Page, cảnh sát đã huy động 45 máy bay, kể cả của tư nhân tham gia cuộc tìm kiếm, chưa kể hàng chục nhóm cứu hộ là bạn bè của Steve, trong đó có cựu phi hành gia Neil Armstrong, người đã từng đặt chân lên mặt trăng cũng vào cuộc. Tổng chi phí cho cuộc tìm kiếm lên đến 1,6 triệu USD, trong đó vợ Steve đóng góp hơn 1 triệu USD.
Cuộc tìm kiếm kéo dài đến tháng 3-2008 nhưng không mang lại kết quả. Một thuyết âm mưu lan truyền rằng nhằm tránh đối mặt với sự thua lỗ trong kinh doanh bất động sản, Steve đã lái máy bay đến một hòn đảo vô danh nào đó ngoài khơi Thái Bình Dương, hoặc ông ta đã bị “Vùng 51” hạ thủ.
Những sườn núi của dãy Sierra Nevada được cho là nguyên nhân của sự nhiễu động không khí khiến hơn 2.000 máy bay bị rơi.
“Vùng 51” là một khu vực bí mật do Không quân Mỹ quản lý, nằm trong sa mạc Nevada, không xa “tam giác quỷ”. Đây được cho là nơi mà một đĩa bay của người ngoài hành tinh gặp tai nạn năm 1947 đã phải hạ cánh bắt buộc. Thi thể của những người ngoài tinh cùng những mảnh vỡ của đĩa bay được “Vùng 51” thu hồi và bảo quản.
Bên cạnh đó, “Vùng 51” còn được cho là nơi Không quân Mỹ tiến hành những thử nghiệm tuyệt mật với các loại vũ khí như sóng laser, sóng âm, sóng điện từ... hoặc các loại máy bay với hình dáng và tính năng chưa từng được biết đến.
Một vài nhân chứng tự xưng là đã từng làm việc tại “Vùng 51” tuyên bố họ đã xử lý chiếc đĩa bay của người ngoài hành tinh tại “Vùng 51”. Một người khác thậm chí còn nói rằng anh ta đã tham gia nghiên cứu xác của những sinh vật này.
Khi việc tìm kiếm Steve tạm ngừng vì không mang lại kết quả thì tháng 9-2008, một vận động viên đi bộ đường dài đã tìm thấy một thẻ căn cước cùng 1.000 USD tiền mặt tại Ritter Ridge, một khu vực thuộc dãy núi Sierra Nevada, bên ngoài hồ Mammoth.
Khu vực này cách nơi tỉ phú Steve đã cất cánh chiếc Bellanca Super Decathlon 65 dặm. Cảnh sát cho biết thẻ căn cước mang tên Steve Fossett còn vợ Steve xác nhận trước khi lên máy bay, chồng bà đã mang theo 1.000 USD.
Lập tức, cuộc tìm kiếm lại được tái khởi động. Lần này họ khẳng định Steve rơi ở phía bắc núi Mammoth qua việc phát hiện phần đuôi của chiếc máy bay vẫn còn nguyên số hiệu. Hơn 1 tháng sau, thi thể của Steve được tìm thấy cách nơi máy bay rơi nửa dặm. Bên cạnh đó, những đội tìm kiếm Steve còn phát hiện hàng trăm xác máy bay khác, mất tích đã hàng chục năm.
Thuyết âm mưu cho rằng khi phát triển thành công những loại vũ khí bí mật, Bộ Quốc phòng Mỹ đã đồng ý cho phía không quân chọn một số những máy bay đi ngang khu vực “Vùng 51” để tiến hành thử nghiệm nhưng cả Bộ Quốc phòng lẫn không quân Mỹ đều bác bỏ giả thuyết này.
Mãi đến năm 2013, không quân Mỹ mới thừa nhận có sự tồn tại của “Vùng 51” mặc dù trước đó, họ luôn cho rằng “Vùng 51 chỉ là sự tưởng tượng của những kẻ thích những chuyện giật gân”.
Với các nhà khí tượng học, họ cho rằng những vụ rơi máy bay ở “tam giác quỷ” Nevada có liên quan đến hình thái địa lý và thời tiết. Các dãy núi ở Sierra Nevada chạy vuông góc với những luồng gió mạnh thổi vào từ Thái Bình Dương, gọi là Jet Stream.
Khi gió đập vào núi, nó sẽ tạo ra những vùng xoáy xoắn ốc khiến không khí bị nhiễu động rất mạnh, gọi là “sóng núi”. Và nếu lúc đó có máy bay đi qua vùng “sóng núi”, nó sẽ khiến máy bay mất kiểm soát rồi rơi.
Tuy nhiên, giải thích này không làm hài lòng những người theo thuyết âm mưu. Lập luận của họ là “sóng núi” có thể có tác động với những loại máy bay nhỏ, công suất động cơ thấp nhưng với loại phản lực cường kích tàng hình F-117 thì không thể xảy ra bởi lẽ loại máy bay này được thiết kế với hình dáng đặc biệt, chịu đựng được mọi biến động cực đoan của thời tiết, chưa kể những phi công giàu kinh nghiệm như Steve Fossett không thể không biết cách tránh né những luồng gió xoáy.
Cho đến nay, những vụ rơi máy bay ở “tam giác quỷ” Nevada vẫn bị che phủ bởi bức màn bí ẩn. Nó lại càng bí ẩn hơn nữa khi một số trạm kiểm soát không lưu ở bang Nevada, California, đóng cửa đường bay với các loại máy bay nếu đường bay của họ đi ngang khu vực này…