Truy tìm phương thuốc trường sinh là điều mà không ít người thời cổ đại từng làm, trong đó nổi tiếng nhất là Tần Thủy Hoàng, vị hoàng đế đầu tiên trong lịch sử Trung Hoa.
Có không ít huyền thoại cổ xưa hay những câu chuyện huyền bí xoay quanh thứ tiên dược có khả năng giúp con người trường sinh bất lão. Nhiều người từng cho rằng việc sở hữu hay điều chế ra thuốc trường sinh không khác gì "nhiệm vụ bất khả thi" và mọi thứ dường như chỉ có trong truyện cổ tích.
Tuy nhiên, loại "tiên dược" thần kỳ được tìm thấy trong ngôi mộ cổ 2.000 năm ở Lạc Dương, thuộc tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) lại là minh chứng cho thấy thuốc trường sinh từng có thật thời cổ đại.
Chiếc bình cổ đựng chất lỏng kỳ bí, được chôn giấu trong hầm mộ cổ có niên đại khoảng 2.000 năm.
CGTN đưa tin, ông Shi Jiazhen, người đứng đầu tại Viện Khảo cổ và Cổ vật văn hóa tại thành phố Lạc Dương, cho biết, đây là lần đầu tiên các nhà nghiên cứu tìm thấy "thuốc trường sinh" huyền thoại ở Trung Quốc.
Các chuyên gia tìm thấy 3,5 lít chất lỏng ở trong chiếc bình cổ.
Theo đó, vào tháng 10/2018, khoảng 3,5 lít chất lỏng có màu vàng tìm thấy ở trong một chiếc bình bằng đồng được chôn giấu ở trong một ngôi mộ của một gia đình quý tộc thời nhà Tây Hán (202 TCN). Theo các chuyên gia, dường như gia đình này có niềm tin tưởng rất lớn vào sức mạnh của thứ chất lỏng quý giá kia.
Một đồ tạo tác bằng đồng được tìm thấy trong ngôi mộ, có nguồn gốc từ thời nhà Tây Hán.
Hãng Xinhua cho biết, ban đầu, mùi hương giống cồn khiến các nhà khảo cổ cho rằng chất lỏng hàng nghìn năm trên là một loại rượu được chôn cất khéo léo trong hầm mộ.
Tuy nhiên, sự thật về lai lịch của chất lỏng này thậm chí còn "quan trọng" và thú vị hơn nhiều.
Chất lỏng trong cổ mộ tưởng rượu hóa ra là thuốc trường sinh cách đây 2.000 năm
Cụ thể, vào cuối tháng 2/2019, kết quả từ những thí nghiệm cho thấy chất lỏng trong mộ cổ 2.000 năm có chứa alunite và diêm tiêu (KNO3). Theo những tài liệu cổ, đây chính là hai thành phần chủ yếu được sử dụng để điều chế "thuốc trường sinh" của đạo Lão. Ngày nay, diêm tiêu chủ yếu được sử dụng trong phân bón, thuốc súng, pháo hoa và tên lửa.
Mặc dù hai thành phần trên có lẽ không phải là lựa chọn tốt nhất để điều chế tiên dược giúp mang lại sự bất tử cho người dùng, nhưng lại là "thực đơn" quen thuộc để tạo ra thứ thuốc quý kia.
Các chuyên gia khảo cổ, nha fkhoa học tiến hành khai quật ngôi mộ cổ ở Lạc Dương.
Trên thực tế, trong lịch sử Trung Quốc thời cổ đại, có một số bị hoàng đế và các thành viên của giới quý tộc cũng đã phái người đi tìm kiếm hoặc nhờ cậy các vị đạo sĩ, nhà giả kim thuật để tạo ra thần dược.
Tuy nhiên, trớ trêu thay một số loại thuốc được coi là có khả năng mang lại trường sinh bất lão lại có chứa các thành phần cực độc và vô tình trở thành độc dược gây ra cái chết cho những ai sử dụng chúng.
Một trong số đó là thủy ngân. Đây là thứ nguyên liệu từng được sử dụng để tạo ra thuốc trường sinh thời cổ đại ở Trung Hoa.
Tần Thủy Hoàng là vị hoàng đế "say mê" thuốc trường sinh đến độ có thể phái nhiều người đi tìm kiếm và trong suốt một thời gian dài.
Tuy nhiên, thủy ngân lại là một kim loại nặng và cực kỳ độc. Nó có thể làm suy giảm khả năng nhận thức, gây ra những vấn đề về thận, cơ thể suy yếu và thậm chí là tử vong. Một trong những vị đế vương ám ảnh bởi thuốc trường sinh chính là Tần Thủy Hoàng. Ông được cho là mất mạng do ngộ độc thủy ngân.
Ông Shi Jiazhen nhận định, việc phát hiện chất lỏng trong ngôi mộ cổ ở Lạc Dương đóng một vai trò quan trọng cho công tác nghiên cứu về cách mà người Trung Quốc cổ đại nghĩ và điều chế thuốc trường sinh, cùng với sự phát triển của nền văn minh tại quốc gia này.
Ngôi mộ cổ 2.000 năm có diện tích khoảng 210 m2. Bên cạnh chiếc bình bằng đồng đựng "thuốc trường sinh", các nhà nghiên cứu còn phát hiện ra nhiều cổ vật bằng đồng, ngọc bích,... và nhiều tư liệu quý giá, giúp tiết lộ về những nghi lễ và phong tục tang lễ ở thời nhà Tây Hán.
Tham khảo ảnh/nguồn: RT, Ancientorigins