Khoa học đã chứng minh Homo sapiens - Người Tinh Khôn chúng ta không phải toàn bộ chi Người (chi Homo). Có thể có đến hàng chục loài người từng lang thang khắp địa cầu, nhưng đã tuyệt chủng, trừ chúng ta. 300.000 năm trước, tổ tiên chúng ta đã tồn tại song song 8-9 loài người khác và nảy sinh tình yêu dị chủng. Nhưng không phải vị tổ tiên khác loài nào cũng hiện hữu rõ ràng.
1. Dòng máu lạ từ 2 lần hôn phối dị chủng
Nghiên cứu công bố trên PLOS Genetics đã hé lộ về những con người mang dòng máu 3 loài đang sống lẫn trong chính chúng ta.
Hộp sọ Neanderthals - Ảnh: BẢO TÀNG LỊCH SỬ TỰ NHIÊN UTAH
Theo tiến sĩ Adam Siepel từ Phòng thí nghiệm Cold Spring Harbor (Mỹ), một trong các tác giả chính của nghiên cứu, họ đã tìm thấy "DNA ma" trong cơ thể người hiện đại. Nó không được trao trực tiếp cho chúng ta, mà trao cho người Neanderthals vào 200.000-300.000 năm trước.
Khoảng 50.000-100.000 năm trước, tổ tiên của chúng ta rời châu Phi, gặp gỡ và giao phối với người Neanderthals, vốn là loài được cho là phát triển ngang ngửa về thể trạng và trí thông minh trong thời điểm đó. Vậy là Homo sapiens gián tiếp thừa hưởng các "DNA ma".
Ước tính người hiện đại thừa hưởng tới 3-7% yếu tố di truyền từ vị tổ tiên ma này. Có giả thuyết cho rằng họ là người Homo erectus, một loài cũng rất phát triển và tồn tại trên địa cầu từ 2 triệu năm trước. Giả thuyết vẫn chưa được chứng minh hay bác bỏ bởi cho đến nay, chưa ai giải trình tự được bộ gene Homo erectus.
2. "Loài người ma" ở Tây Phi
Nghiên cứu của Đại học California ở Los Angeles (UCLA, Mỹ), dựa trên 4 quần thể người Tây Phi là các nhóm dân tộc Yoruba, Esan, Mende và Gambian đã tìm ra DNA bí ẩn của một loài khác thuộc chi Người, không phải là bất kỳ loài người cổ nào từng được xác định.
"Loài người ma" này đã để lại tới 2-19% yếu tố di truyền trên các cộng đồng Tây Phi hiện đại này, nhưng tuyệt đối không có bộ hài cốt hay di chỉ hang động nào được xác định. Với tỉ lệ nói trên, các cuộc hôn phối dị chủng giữa loài người ma Tây Phi và Homo sapiens cổ đại là cực kỳ phổ biến.
"Loài người ma" - Ảnh: ARCHAEOLOGY NEW NETWORK
3. "Bóng ma Tây Tạng" trong người châu Á
Denisovans cũng là một loài người cổ tuyệt chủng có thời gian chung sống lâu dài với Homo sapiens, nhưng các nhà khảo cổ không thể tìm họ ở bất kỳ đâu ngoại trừ vùng Siberia. Nhưng một cách khó hiểu, các phát hiện khoảng 2 năm trước đã tìm ra một chiếc răng Denisovans đặc biệt trong 40% dân cư châu Á, cho thấy những cuộc hôn phối dị chủng từng rất phổ biến, dù các dấu vết của họ thì vẫn biệt tăm như những bóng ma.
Tìm kiếm dấu vết DNA của người Denisovans ở Tây Tạng - Ảnh: ĐẠI HỌC LAN CHÂU
Lần đầu tiên, một nhóm nghiên cứu quốc tế đã phát hiện một nơi trú ngụ ngay tại châu Á của loài tổ tiên bí ẩn này, chính là động thiêng Baishiya Karst ở Tây Tạng. Ban đầu họ tìm được một mảnh xương hàm, và đã bỏ ra nhiều năm để tìm kiếm dấu vết DNA.
Trong năm 2020, nhóm khoa học gia quốc tế dẫn đầu bởi Đại học Lan Châu (Trung Quốc) đã công bố phát hiện ngoạn mục về DNA của Denisovans với niên đại 100.000 năm, 60.000 năm và 45.000 năm trong hang động này.
Lý do chúng ta khó tiếp tận các vị tổ tiên khác loài là thời gian vài chục ngàn năm đủ khiến các bộ hài cốt phân hủy hoàn toàn, trừ khi may mắn ở trong một môi trường bảo quản tự nhiên phù hợp. Nhưng DNA là bằng chứng sống động nhất cho thấy họ đã tồn tại.