Không biết thể trạng để chăm sóc, giống như trồng cây ưa nước trên sa mạc
Chúng ta hay nói cơ thể khỏe hay yếu, gầy hay béo đều do "tạng người", nhưng nhiều người chưa biết "tạng" của mình thuộc loại nào. Theo công trình nghiên cứu kéo dài hàng chục năm vừa được công bố thành sách của Giáo sư Tiến sĩ Vương Kỳ, Đại học Trung Y dược Bắc Kinh (Trung Quốc), có tất cả 9 nhóm thể trạng phổ biến, mỗi một thể trạng cần một cách chăm sóc khác nhau.
Kết quả nghiên cứu này cũng giúp giáo sư Kỳ giành được giải thưởng lớn, được phong tặng danh hiệu Quốc y Đại sư Trung Quốc (một danh hiệu danh giá nhất của ngành y học truyền thống Trung Quốc).
Nếu bạn chăm sóc không đúng, không những cơ thể không khỏe lên mà mọi thứ còn trở nên tồi tệ đi. Giống như một cây ưa nước lại đem trồng trên sa mạc, còn một cây thích khô bạn lại gieo xuống hồ vậy. Vì thế, hãy tham khảo thông tin tóm tắt công trình nghiên cứu của giáo sư Kỳ để dưỡng sinh hợp lý.
(Giáo sư Tiến sĩ Vương Kỳ, sinh năm 1943, là một Quốc y đại sư của Trung Quốc)
1. Thể chất bình hòa (cân bằng, khỏe mạnh)
Người có thể chất bình hòa là người có sức khỏe bình thường, hình thể những người này cân đối, sắc mặt, sắc da đều trơn nhẵn sáng sủa, tóc dày bóng mượt, ánh mắt có thần, môi đỏ hồng hào, không dễ mệt mỏi, tràn đầy năng lượng, ăn ngủ tốt, đại tiểu tiện bình thường, tính cách vui vẻ dễ chịu, ít bệnh tật.
Phương pháp dưỡng sinh: Chú trọng và duy trì trạng thái hiện tại.
Bình thường chỉ cần chú ý chế độ ăn uống sinh hoạt hằng ngày, kết hợp chế độ làm việc và kiên trì luyện tập điều độ thích hợp là được.
2. Thể chất âm hư (tạng nóng, thiếu nước)
Người có thể chất âm hư thường gầy cao, hay cảm thấy nóng ở lòng bàn tay bàn chân, mặt nóng bừng, má ửng hồng, hồng nhạt, khó chịu khi gặp thời tiết nóng của mùa hè, mắt khô, miệng lưỡi khô, háo nước, da khô ráp, tính tình vội vã, hướng ngoại, dễ kích động, lưỡi hơi đỏ. Bệnh nhân dễ mắc các bệnh như ho, hô hấp
Giải pháp dưỡng sinh: Chú ý bổ sung các yếu tố sinh âm và phòng tránh các bệnh về hô hấp.
Chú ý ăn thực phẩm dễ sinh âm, ăn nhiều các loại thực phẩm ngọt mát tăng độ ẩm như thịt lợn, trứng vịt, đậu xanh, bí đao… nên hạn chế ăn các loại thực phẩm có tính ôn khô như thịt dê, tỏi tây, ớt, hạt hướng dương.
Cuộc sống hàng ngày nên tránh thức khuya, tránh làm việc ở môi trường nhiệt độ cao. Không nên vận động quá nhiều, khi luyện tập nên hạn chế chú ý để không bị đổ mồ hôi, kịp thời bổ sung đủ nước, không nên tắm hơi.
3. Thể chất dương hư (tạng lạnh, sợ lạnh)
Người có thể chất dương hư, cơ thịt không săn chắc, lúc nào cũng cảm thấy chân tay lạnh, vùng thượng vị, vùng lưng và eo đều sợ lạnh, thích mặc áo nhiều hơn người khác, mùa hè không thích ngồi điều hòa, thích yên tĩnh, khó chịu khi ăn và uống các loại thực phẩm lạnh, dễ bị đi phân lỏng, nước tiểu màu nhạt và đi tiểu lượng rất nhiều.
Tính cách thường lặng lẽ, hướng nội. Khuynh hướng dễ bị các bệnh như nhiễm lạnh, tiêu chảy, liệt dương…
Giải pháp dưỡng sinh: Ôn dương bổ khí, phòng các bệnh như tiêu chảy, liệt dương…
Ăn các loại thực phẩm bổ dương như thịt bò, thịt dê, tỏi tây, gừng, hành… Hạn chế ăn các loại thực phẩm dễ sinh lạnh như quả lê, dưa hấu, củ mã thầy, nên uống ít trà xanh.
Cuộc sống hằng ngày nên chú ý giữ ấm, đặc biệt là vùng lưng và phần huyệt đan điền ở bụng dưới, tránh ở trong phòng điều hòa quá lâu, tránh để ra nhiều mồ hôi, nên chú ý ra ngoài vận động dưới ánh mặt trời thường xuyên hơn.
Người thiếu dương nên ăn các món ấm (Ảnh minh họa)
4. Thể chất khí hư (hơi thở yếu)
Người có thể chất khí hư nhìn ngoài cảm giác rất mệt mỏi, khó thở, tiếng nói nhỏ nhẹ yếu ớt, dễ đổ mồ hôi. Người có thể chất khí hư dễ bị mắc các bệnh như cảm lạnh, sau khi mắc bệnh khó chữa lành do sức đề kháng kém, còn dễ bị các bệnh nội tạng như bệnh dạ dày…
Giải pháp dưỡng sinh: Cần chú ý bổ sung những phương pháp ích khí kiện tỳ, chú ý các bệnh về dạ dày. Nên tham gia các bài tập hít thở sâu.
Bình thường nên ăn các loại thực phẩm có lợi cho khí và lá lách, ví dụ như đậu nành, đậu trắng, thịt gà, nấm hương, táo tàu, nhãn, mật ong… Hạn chế ăn các loại thực phẩm có tác dụng hao tổn khí huyết như rau muống, cà rốt sống…
Trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày nên có thiết lập thời gian biểu rõ ràng, nghỉ ngơi sinh hoạt đúng thời gian và theo mùa, bảo đảm ngủ đủ giấc.
Chú ý giữ ấm, tránh lao động và tập thể dục nhiều dẫn tới đổ mồ hôi nhiều dễ gây đột quỵ. Không nên làm việc quá sức, để tránh tổn thương khí huyết. Tập luyện nhẹ nhàng vừa đủ, không nên tập luyện các bài thể dục mạnh.
Người đoản khí nên tập hít thở nhiều, thường xuyên vận động (Ảnh minh họa)
5. Thể chất thấp nhiệt (thiếu năng lượng)
Người có thể chất thấp nhiệt, mặt mũi bóng nhẫy dầu, dễ bị mụn trứng cá, da dễ bị ngứa rát. Thường cảm thấy khô miệng, hôi miệng, miệng có mùi lạ, phân nhớt, đi tiểu cảm giác nóng, nước tiểu màu vàng, nữ giới thường sắc mặt vàng vọt, nam giới thường bị đổ mồ hôi ướt ở bìu. Bệnh nhân dễ bị mắc các bệnh như nổi mụn nhọt, vàng da…
Giải pháp dưỡng sinh: Chú ý các biện pháp thanh nhiệt lợi tiểu.
Nên kiêng các loại thực phẩm mỡ béo ngậy. Ăn uống thanh đạm, có thể ăn nhiều các loại thực phẩm ngọt mát, như đậu đỏ, cần tây, dưa chuột, ngó sen. Hạn chế ăn các loại thực phẩm có tính nóng, nhiều dầu mỡ ngậy như thịt dê, tỏi tây, ớt, gừng tươi, hạt tiêu, tần bì và các món lẩu, món chiên, món nướng.
Trong sinh hoạt hằng ngày tránh ở môi trường nóng ẩm. Nên lựa chọn môi trường sống khô ráo, thông thoáng gió. Không nên thức đêm, làm việc lao lực. Mùa hè là mùa nóng ẩm, nên hạn chế hoạt động ngoài trời. Tăng cường tập luyện, tập luyện với cường độ và thời gian lâu.
Người thể chất thấp nhiệt thì không nên thức đêm, làm việc lao lực (Ảnh minh họa)
6. Thể chất huyết ứ (tắc máu, nổi mụn)
Người có thể chất huyết ứ, sắc mặt, môi nhợt nhạt, tĩnh mạch dưới lưỡi ứ. Da thô, có lúc tự nhiên xuất hiện tình trạng bầm tím dưới da. Trong mắt xuất hiện rất nhiều các tia máu dạng sợi, khi đánh răng rất dễ bị chảy máu chân răng. Dễ cáu gắt, hay quên, tính tình nóng vội.
Giải pháp dưỡng sinh: Cần hành khí hoạt huyết, phòng tránh xuất hiện khối u, đột quỵ, tức ngực…
Ăn các loại thực phẩm hành khí hoạt huyết, loại bỏ ứ trệ, thông khí, giúp giảm sự trì trệ khí huyết ở gan ví dụ như táo gai, giấm, trà hoa hồng, quất…, hạn chế ăn các loại thực phẩm béo như các loại dầu mỡ, thịt mỡ.
Trong sinh hoạt hằng ngày, không nên ngồi nhiều nhàn nhã, lười vận động để tránh tình trạng khí cơ bị trì trệ, làm cho huyết mạch không thông. Nên ngủ đủ giấc, có thể ngủ sớm dậy sớm, tăng cường luyện tập thể dục, xoa bóp mát xa cơ thể.
Thể trạng huyết ứ, máu không lưu thông thì nên xoa bóp, bấm huyệt (Ảnh minh họa)
7. Thể chất khí uất (hay buồn chán)
Người có thể chất khí uất, vóc dáng thường gầy, cảm giác u uất không vui vẻ, tâm trạng chán nản, dễ căng thẳng, thần kinh lo lắng bất an, đa sầu đa cảm, yếu đuối trong chuyện tình cảm, dễ có cảm giác sợ, dễ bị làm cho sợ hãi, thường cảm thấy căng đau tức ở nhũ hoa và hai bên sườn.
Phiền muộn, vô cớ thở dài, cổ họng bị nghẽn hoặc như có vật lạ chèn mắc. Người có loại thể chất này thường có khuynh hướng mất ngủ, trầm cảm, rối loạn thần tinh, tăng sinh tuyến vú…
Giải pháp dưỡng sinh: Tránh để nảy sinh các loại bệnh như trầm cảm, rối loạn thần kinh, tinh thần, tình cảm...
Ăn các loại thực phẩm giúp thư giãn và lưu thông khí huyết, giảm buồn phiền lo lắng, thức ăn dễ tiêu hóa, hỗ trợ thần kinh như cây rong biển, sơn trà, trà hoa hồng…
Cuộc sống sinh hoạt hằng ngày không nên quá tĩnh tại, không ở nhà nhiều, tăng cường tham gia các hoạt động ngoài trời, giao lưu bạn bè. Tránh uống các loại nước có tác dụng kích thích thần kinh trước khi ngủ như trà, cà phê, nước ngọt, bia rượu…
Nếu hay buồn chán, mệt mỏi thì nên ra ngoài nhiều, giao lưu bạn bè (Ảnh minh họa)
8. Thể chất đặc bẩm (dị ứng)
Người thể đặc bẩm là người có thể chất rất đặc biệt. Mặc dù không bị cảm cúm, nhưng thường xuyên bị ngẹt mũi, hắt hơi, chảy nước mũi, hen suyễn. Da dễ bị nổi mề đay, dễ dị ứng với các loại thuốc, thức ăn, mùi, phấn hoa, thời tiết, da dị ứng thường xuất hiện các nốt đỏ bầm tím, xuất huyết dưới da, bị đỏ và có các vết trầy xước.
Giải pháp dưỡng sinh: Tránh để mắc các bệnh như hen suyễn, các bệnh về da, dị ứng, mẫn cảm.
Ăn các loại thực phẩm bổ sung và tăng cường khí, thanh đạm, và các loại thực phẩm bổ khí, hạn chế ăn kiều mạch vì nó chứa chất gây dị ứng fluorescein, và các loại thực phẩm mang tính kích thích, cay nóng.
Ăn vừa phải các thực phẩm có chất gây dị ứng như đậu tằm, đậu lăng trắng, thịt bò, thịt ngỗng, cá chép, tôm, cua, cà tím, rượu, hạt tiêu, chè đặc, cà phê…
Người có thể chất đặc bẩm thì nên tránh những thứ gây dị ứng (Ảnh minh họa)
9. Thể chất đàm thấp (dễ béo)
Người có thể chất đàm thấp hình thể béo mập, béo bụng, không săn chắc, dễ đổ mồ hôi. Thường cảm thấy nặng nề, di chuyển không dễ dàng. Cảm giác trên mặt như có một lớp mỡ, miệng thường có cảm giác dinh dính hoặc ngọt.
Cổ họng luôn có đờm, tính cách tương đối ôn hòa, lưỡi dày và bóng nhờn. Có khuynh hướng nhạy cảm với các bệnh như tiểu đường, đột quỵ, đau tức ngực…
Giải pháp dưỡng sinh chính: Loại bỏ đờm và ẩm, phòng tránh các bệnh như đột quỵ, đau tức ngực..
Ăn uống thanh đạm, hạn chế ăn các loại thịt mỡ và các loại thực phẩm ngọt, dính, nhiều dầu mỡ béo ngậy. Có thể ăn nhiều các loại thực phẩm như rong biển, bí đao…
Sinh hoạt hằng ngày nên tránh để ẩm ướt, môi trường sống nên khô ráo, nên tham gia nhiều các hoạt động thể dục ngoài trời. Quần áo nên chọn loại thoáng khí thoát mồ hôi, thường xuyên tắm nắng.
Trong điều kiện khí hậu lạnh ẩm ướt, nên hạn chế tập thể dục ngoài trời, tránh bị nhiễm lạnh và mưa. Cơ thể béo mập, dễ buồn ngủ, nên dựa vào tình trạng của bản thân để có các bài tập thể dục thích hợp, cần kiên trì tập luyện lâu dài.
Giáo sư Tiến sĩ Vương Kỳ, Đại học Trung Y dược Bắc Kinh (Trung Quốc), Giám đốc Trung tâm nghiên cứu y học thể chất và sinh thực Bắc Kinh, thành viên của nhiều tổ chức y tế uy tín Trung Quốc, được phong danh hiệu Quốc y Đại sư Trung Quốc.
*Theo Health Sina/Baidu/Tân Hoa Xã