"Đúng là Pakistan có vấn đề với các khoản nợ, nhưng chúng tôi không có vấn đề gì với các khoản nợ từ Trung Quốc", ông Asad Umar, Bộ trưởng Tài chính Pakistan, trả lời trong một cuộc phỏng vấn với đài CGTN bên lề Hội chợ Nhập khẩu Quốc tế Trung Quốc (CIIE 2018), được tổ chức tại thành phố Thượng Hải.
Bình luận trên được đưa ra nhằm phản bác những cáo buộc của giới chức và truyền thông Mỹ về việc Trung Quốc sử dụng chiêu bài "ngoại giao bẫy nợ" để mở rộng tầm ảnh hưởng trên thế giới.
Theo đó, ông này cho rằng Mỹ nên tự lo thân mình trước khi cảnh báo nước khác về khoản vay từ Trung Quốc: "Hiện nay nước Mỹ đang nợ Trung Quốc 1.300 tỉ USD, và Trung Quốc cũng là chủ nợ lớn nhất của Mỹ trên thế giới", ông Umar nói.
Pakistan được Trung Quốc 'hỗ trợ" hàng tỷ USD để xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng thuộc dự án Hành lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan (CPEC). Tính đến quý II năm nay, khoản nợ nước ngoài của Pakistan đã tăng lên 95,1 tỉ USD Mỹ.
Tuy nhiên, ông Umar cho biết khoản vay từ Trung Quốc chưa vượt quá 10% trong tổng số nợ nước ngoài của Pakistan, bởi vậy đó là con số không đáng kể và vẫn nằm trong tầm kiểm soát của Pakistan.
Ngoài ra, trước những cáo buộc của Mỹ về hệ lụy của dự án CPEC, Bộ trưởng Tài chính Pakistan vẫn tỏ ý bênh vực dự án này, và khẳng định dự án này đem lại lợi ích cho cả đôi bên.
Trung Quốc có thể "vũ khí hóa" khoản nợ nghìn tỉ của Mỹ?
Quả thực, Trung Quốc là nước nắm giữ khoản nợ lớn nhất của Mỹ. Tính đến tháng 7 năm nay, giá trị khoản nợ này là 1.170 tỉ USD.
10 quốc gia nắm giữ số nợ lớn nhất của Mỹ, trong đó Trung Quốc ở vị trí số 1. Nguồn: Market Place.
Trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa hai nước Mỹ-Trung vẫn tiếp tục leo thang như hiện nay, nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại rằng Bắc Kinh có thể "vũ khí hóa" số lượng trái phiếu khổng lồ, và bất ngờ "ra tay" bán tháo lượng trái phiếu này để khiến tình hình kinh tế Mỹ trở nên bất ổn.
Hồi giữa tháng 10 vừa qua, Trung Quốc đã bán tháo 2 tỉ USD trái phiếu trong bối cảnh đồng Nhân dân tệ trượt giá sâu vì chiến tranh thương mại. Động thái này đã được giới chuyên gia đánh giá là đòn "dằn mặt" Mỹ.
Tuy nhiên, ông Wing Woo, giáo sư kinh tế tại trường Đại học California-Davis (Mỹ) cho rằng Trung Quốc sẽ không tiếp tục động thái này, trừ khi bị phía Mỹ khiêu khích "quá đà", bởi họ có thể sẽ thua thiệt nhiều hơn nếu quyết định bán tháo trái phiếu.
Ông Brad Setser, một chuyên gia tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, cho biết ông vẫn lo ngại rằng Trung Quốc sẽ hy sinh đồng tiền nội tệ của mình để giáng đòn đau nhằm vào Mỹ trong cuộc chiến thương mại. Nếu điều đó xảy ra, thì việc đảo ngược tình thế sẽ trở nên rất khó khăn đối với Mỹ.