Bệnh viện trần tình lọ hóa chất đội giá gấp 6

Thúy Hạnh |

Viện Huyết học và Truyền máu TƯ khẳng định, có sự chênh lệch giá tới 6 lần do đơn vị chào hàng tính sai đơn giá.

Vừa qua, Kiểm toán Nhà nước công khai hàng loạt lãng phí trong công tác đầu tư, mua sắm, quản lý và sử dụng hoá chất, vật tư năm 2015.

Trong đó Viện Huyết học và Truyền máu TƯ được xác định xây dựng giá kế hoạch 2 loại hoá chất đắt hơn nhiều lần so với các bệnh viện khác.

Cụ thể, 1 hộp Series Retic Pak reagen kit, 1x380ml+1.900ml tại Viện Huyết học Truyền máu TƯ xây dựng giá kế hoạch 16,7 triệu đồng nhưng BV Thống nhất chỉ 2,8 triệu đồng.

Hay như 1 thùng Diff Timepac, 2x2.075ml, Viện Huyết học Truyền máu TƯ đặt giá tới 42 triệu đồng thì BV Chợ Rẫy chỉ hơn 14 triệu đồng.

Trao đổi với VietNamNet, ông Lê Lâm, Phó Viện trưởng Huyết học Truyền máu TƯ cho biết, bản thân Viện chỉ nắm được thông tin qua báo chí, ngay khi biết sự việc đã yêu cầu công ty cung ứng giải thích.

Theo đó phía công ty khẳng định Retic Pak reagen kit không có giá 2,8 triệu đồng. Thực tế giá trúng thầu tại BV Thống Nhất là gần 11 triệu đồng.

“Tuy nhiên do nhân viên tính sai đơn giá nên sau khi thương thảo, công ty này đã không thể cung cấp được mặt hàng này cho BV Thống Nhất. Còn giá thực trúng thầu tại Viện chúng tôi là hơn 16 triệu đồng”, ông Lâm nói.

Về sự chênh lệch giá một thùng Diff Timepac được kiểm toán cho là gấp 3 lần giá tại BV Chợ Rẫy, GS Nguyễn Anh Trí, giám đốc Viện Huyết học và Truyền máu TƯ giải thích do khác nhau về quy cách đóng gói, một bên là hộp, 1 bên là kit, dung tích khác nhau.

“Do đó so sánh này không thể hiện đúng bản chất. Mức giá 42 triệu đồng cũng ngang bằng với giá tại các BV lớn khác như Bạch Mai, Việt Đức, K”, GS Trí khẳng định.

Theo GS Trí, trong năm 2015, Viện đấu thầu 4 gói với gần 1.000 loại hoá chất, trong đó có gói giảm từ 2-23% so với giá kế hoạch của Bộ Y tế phê duyệt.

Tại BV Bệnh nhiệt đới TƯ, Kiểm toán nhà nước cũng chỉ ra nhiều trang thiết bị y tế chưa hết thời gian tính hao mòn đã hỏng, trong đó có hệ thống tagMan PCR-Roche.

Tuy nhiên PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV cho hay, đây là máy do một công ty dược cho mượn chứ không phải BV bỏ tiền mua.

Máy này dùng đo tải lượng virus HIV, virus viêm gan B, viêm gan C. Máy hỏng thì công ty kia phải chịu.

Bất cập trong đấu thầu

Theo Kiểm toán Nhà nước, Bộ Y tế cũng như hầu hết các địa phương được kiểm toán chưa xây dựng kế hoạch trung hạn và dài hạn về đầu tư mua sắm trang thiết bị y tế để làm căn cứ xác định nhu cầu mua sắm trang thiết bị hàng năm.

Việc phê duyệt giá kế hoạch giữa các bệnh viện hầu hết là khác nhau cho một loại vật tư, hóa chất của cùng một nhà cung cấp và có sự chênh lệch rất lớn giữa giá được phê duyệt cao nhất và thấp nhất.

GS Nguyễn Anh Trí cho biết, với mỗi loại hoá chất, các bệnh viện sẽ phải lấy báo giá của 3 công ty khác nhau trên thị trường, tập hợp gửi lên Bộ Y tế.

Một hội đồng thẩm định gồm nhiều Cục, Vụ của Bộ Y tế sẽ căn cứ vào giá thị trường để duyệt giá đề xuất. Nếu báo giá của bệnh viện đưa lên thấp hơn giá thị trường, hội đồng sẽ chọn giá thấp nhất trong 3 công ty hoặc giá của công ty thấp nhất trên thị trường.

Nếu giá đưa lên cao hơn giá thị trường, hội đồng sẽ yêu cầu các đơn vị thương lượng lại với các công ty cung cấp hoặc mua của đơn vị khác.

Đây là giá kế hoạch (giá trần). Khi đấu thầu, nếu đơn vị nào trúng thầu cao hơn giá kế hoạch là vi phạm.

Tuy nhiên các bệnh viện lại đấu thầu theo gói. Ở đó nhà cung cấp sẽ cân nhắc nhiều thứ, tuỳ theo số lượng đặt hàng. Từ đó mới có giá chênh lệch giữa các bệnh viện.

“Giờ muốn thống nhất giá hoá chất, sinh phẩm, đơn vị làm kế hoạch phải lấy được nhiều thông tin hơn, rộng rãi, công khai và cập nhật hơn.

Thêm đó phải có hệ thống quản lý giá hoá chất như giá thuốc. Hiện giá thuốc đã có trên mạng nên giá tương đồng giữa các vùng miền”, GS Trí phân tích.

Ông hy vọng sắp tới khi có đấu thầu tập trung quốc gia, những bất cập về giá sẽ được giải quyết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại