Khốn đốn vì thiếu hóa chất, dụng cụ
Mặc dù các cơ Sở Y tế đã nhiều lần kiến nghị, đề xuất phương án tháo gỡ nhưng quyết định cuối cùng vẫn chưa được cơ quan có chức năng ở Hà Tĩnh giải quyết. Do đó, nguy cơ đóng cửa và bắt buộc điều chuyển bệnh nhân lên tuyến trên đang hiện hữu tại các bệnh viện ở Hà Tĩnh.
Bà Trần Thị Dung, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh cho biết, đầu năm 2018 tất cả hóa chất, vật tư y tế của bệnh viện đều do Công ty liên danh DANA – HOH –Minh Tâm cung ứng.
Tuy nhiên, liên tiếp nhiều tháng gần đây đơn vị đã không cung ứng kịp hóa chất, một số vật tư y tế có cấu hình không phù hợp với đề nghị của các bệnh viện, gây ra những khó khăn cho các đơn vị y tế trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.
Trung tâm Tư vấn dịch vụ tài chính công (Sở Tài chính Hà Tĩnh) được UBND tỉnh Hà Tĩnh giao trách nhiệm tổ chức thực hiện việc đấu thầu mua sắm tài sản tập trung.
Theo đó, liên danh TNT và các thành viên, liên danh DANA - HOH - MINH TÂM là những đơn vị trúng gói thầu cung cấp vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm cho các bệnh viện trên địa bàn với tổng giá trị hơn 150 tỷ đồng.
Để phục vụ kịp thời việc khám, chữa bệnh cho bệnh nhân, bệnh viện đã phải vay hơn 100 triệu đồng mua hóa chất. Một số hóa chất phục vụ xét nghiệm như: HIV ELISA, HbsAG ELISA, HCV ELISA, giang mai test nhanh... chỉ đủ sử dụng trong vòng nửa tháng.
Bà Trần Thị Dung, Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh nhấn mạnh: Do đặc thù xét nghiệm huyết học rất quan trọng đối với hoạt động khám chữa bệnh, nếu không có hóa chất thì toàn bộ công tác truyền máu cho bệnh nhân sẽ không thể thực hiện được.
Mặt khác, việc sàng lọc để cho nhận máu nhân đạo cũng sẽ phải dừng hoạt động, ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhân.
Còn ông Trần Nguyên Ngọc, Trưởng phòng Vật tư – Kỹ thuật, Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh cho biết, do hóa chất xét nghiệm huyết học được cung cấp thông qua phương thức mua sắm tập trung không tương thích với hệ thống máy móc sẵn có của bệnh viện nên từ ngày 11/4 đến nay, bệnh viện phải tiến hành vay hóa chất của một số đơn vị khác.
Chưa dừng lại ở đó, ngày 7/6, đơn vị được ủy quyền cung ứng hóa chất và vật tư xét nghiệm theo hợp đồng mua sắm tập trung được ký kết trước đó đột nhiên gửi thông báo đến bệnh viện về việc không cung cấp được một số loại hóa chất xét nghiệm trong sàng lọc máu.
Để “tháo gỡ” cho việc không cung ứng kịp thời hóa chất, cũng như các vật tư y tế bị lệch chuẩn, đơn vị cung ứng đã làm văn đề xuất bản gửi đến bệnh viện cung ứng các loại hóa chất khác có tính năng tương đương và đơn giá không thay đổi.
Thế nhưng, các loại hóa chất thay thế đã không tương thích với thiết bị máy móc hiện có của bệnh viện, do đó các kết quả xét nghiệm sẽ khó bảo đảm yếu tố chính xác. Vì vậy, bệnh viện đã đề xuất cho mua hóa hóa chất khác tương thích hơn, nhằm bảo đảm sự an toàn tuyệt đối trong xét nghiệm.
Vì đâu nên nỗi
Được biết, đây là lần đầu tiên tỉnh Hà Tĩnh tổ chức đấu thầu mua sắm tập trung trên lĩnh vực y tế với với 2.400 mặt hàng, cấu hình phức tạp, bên cạnh việc các đơn vị thụ hưởng lập kế hoạch chưa đáp ứng yêu cầu thì trong quá trình khám chữa bệnh đã phát sinh ra các kỹ thuật mới, mô hình bệnh tật thay đổi nên sẽ không tránh khỏi những “lệch pha” so với kế hoạch cung ứng hóa chất sinh phẩm, vật tư y tế.
Trước những vướng mắc trên, các cơ sở khám chữa bệnh và Sở Y tế Hà Tĩnh đã kiến nghị UBND tỉnh giao Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ Tài chính Công Hà Tĩnh (bên mời thầu) xử lý tình huống cho các đơn vị.
Ông Lê Viết Cường |
Trả lời cho những thắc mắc của Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh, ông Lê Viết Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ Tài chính Công Hà Tĩnh cho biết: Đơn vị được UBND tỉnh giao tổ chức thực hiện việc thỏa thuận khung giá cho các bên tổ chức đấu thầu.
Theo quy định của pháp luật, trung tâm không có thẩm quyền xử lý những phát sinh sau đấu thầu, trách nhiệm xử lý vấn đề này thuộc thẩm quyền của các đơn vị thụ hưởng mua sắm tập trung theo hợp đồng được ký kết giữa các bên và luật dân sự.
“Đối với việc đơn vị trúng thầu không tiếp tục cung cấp hóa chất sàng lọc máu như thỏa thuận, chúng tôi đã yêu cầu đơn vị này giải trình nguyên nhân và báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo xử lý của UBND tỉnh” – ông Cường nói.
Theo ý kiến của người trong cuộc, những khó khăn, vướng mắc trong lần đầu thực hiện một phương thức mua sắm mới là khó tránh khỏi.
Tuy vậy, điều làm nhiều người băn khoăn chính là thái độ, cách xử lý thiếu dứt điểm của tỉnh Hà Tĩnh trước một vấn đề bức xúc của ngành y, nơi hàng trăm, hàng nghìn bệnh nhân đang ngày đêm phải đối mặt với những hiểm nguy nếu không được cung cấp kịp thời các hóa chất sinh phẩm, vật tư y tế để thực hiện các liệu pháp chữa trị.
Bệnh viện Đa khoa Hà Tĩnh có quy mô 800 giường bệnh, có số lượng bệnh nhân điều trị nội trú từ 800 đến 1.100 bệnh nhân. Bệnh viện thực hiện chức năng điều trị và chăm sóc sức khỏe cho 1,3 triệu dân trong tỉnh cùng hàng chục nghìn công nhân và chuyên gia làm việc tại Vũng Áng, một trong khu kinh tế lớn của khu vực