Đây là một thực tế khó khăn tại các bệnh viện, vốn đang quá tải người bệnh sau dịch COVID-19. Bệnh viện thiếu thuốc, vật tư y tế… vì nhiều lý do và người bệnh vẫn phải chịu thiệt thòi nhất.
Vừa qua, bà N.T.N (72 tuổi, ở Nam Định) phát hiện mắc ung thư đại tràng, phải nhập viện điều trị tại Bệnh viện K. Sau khi trải qua cuộc phẫu thuật, bà phải truyền hóa chất. Tuy nhiên, người thân của bà chia sẻ họ phải tự ra ngoài mua kim luồn truyền dịch vì bệnh viện thông báo đã hết.
Còn bệnh nhân L.T.H (ở xóm chạy thận phố Lê Thanh Nghị, Hai Bà Trưng, Hà Nội) mắc bệnh suy thận nhiều năm nay. Được biết mỗi tuần, ông phải vào bệnh viện 3 lần để chạy thận. Các chi phí chạy thận, vật tư được bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả. Tuy nhiên, vài tháng gần đây, ông và nhiều bệnh nhân phải tự bỏ tiền mua thêm găng tay y tế, băng dán y tế để sử dụng mỗi lần chạy thận.
“Gần đây bệnh viện thông báo thiếu găng tay nên bệnh nhân phải tự mua bên ngoài, mang vào theo mỗi lần chạy thận. Gần đây, bệnh viện cũng bị thiếu cả băng dính y tế, chúng tôi cũng phải mua ngoài”- bệnh nhân H. chia sẻ.
Thiếu thuốc, bệnh nhân xin chuyển sang bệnh viện khác
Đại diện Khoa Dược tại một bệnh viện ở Hà Nội chia sẻ, hiện nay bệnh viện đang thiếu thuốc kháng sinh liều cao. Được biết, thuốc này dự kiến tháng 1/2022 có thầu nhưng hiện chưa có kết quả. Mặc dù bệnh viện đã dự trữ và chủ động mua nhưng không bù đắp được lượng phải đấu thầu.
“Bệnh viện cần 50.000 lọ kháng sinh liều cao mỗi năm, nhưng đến nay chưa có lọ nào. Bên cạnh đó, thuốc biệt dược không mua được nhiều do kinh phí rất đắt”- đại diện bệnh viện cho biết.
Trước đó, Bệnh viện Bạch Mai cùng nhiều bệnh viện khác hiện thiếu nhiều loại thuốc hiếm như huyết thanh nọc rắn cạp nia, thuốc giải độc Clostridium Botulinum.