Bệnh tay chân miệng vào mùa, các bậc cha mẹ nhất định phải biết điều này để phòng bệnh cho con

Minh Tuyết |

Bệnh tay chân miệng hiện chưa có vắc xin điều trị. Vì vậy, để phòng bệnh cho con, các mẹ tuyệt đối không nên sử dụng các bài thuốc chưa có cơ sở khoa học kiểm chứng.

Hiện nay, thời tiết thất thường là nguyên nhân của nhiều dịch bệnh phát triển, trong đó phải kể đến bệnh tay chân miệng.

Hà Nội ghi nhận 531 trường hợp mắc tay chân miệng

Theo thông báo của Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay cả nước đã ghi nhận trên 70 nghìn trường hợp mắc tại 63/63 tỉnh/thành phố.

Trong đó, theo báo cáo Sở Y tế Hà Nội trong tuần từ 2/10-8/10/2017 trên địa bàn Hà Nội ghi nhận 97 trường hợp mắc tay chân miệng. Lũy tích từ đầu năm đến nay Hà Nội ghi nhận 531 trường hợp, không có trường hợp tử vong

Theo PGS.TS Hoàng Đức Hạnh (Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội) cho biết, bệnh tay chân miệng vẫn chưa có vắc-xin và thuốc điều trị đặc hiệu, cộng thêm vấn đề ô nhiễm môi trường, diễn biến khí hậu bất lợi và điều kiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường tại một số nơi còn chưa đáp ứng được yêu cầu là nguyên nhân gây ra bệnh tay chân miệng.

"Để phòng chống bệnh tay chân miệng nên rửa tay cho trẻ thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày; vệ sinh ăn uống; làm sạch đồ chơi, nơi sinh hoạt; sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh và theo dõi phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe trẻ em để kịp thời phát hiện, tổ chức cách ly, điều trị các trường hợp mắc bệnh, tránh lây bệnh cho các trẻ khác.

Trẻ bị bệnh phải được cách ly ít nhất là 10 ngày kể từ khi khởi bệnh, không cho trẻ có biểu hiện bệnh đến lớp và chơi với các trẻ khác", PGS.TS Hoàng Đức Hạnh lưu ý.

Theo Ông Đặng Quang Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế từ tháng 3 đến tháng 5 và tháng 9 – tháng 12 là cao điểm của dịch tay chân miệng, đặc biệt thời điểm hiện nay khi các trường vừa khai giảng năm học mới, nguy cơ lây lan bệnh tay chân miệng rất nhanh.

Bệnh tay chân miệng vào mùa, các bậc cha mẹ nhất định phải biết điều này để phòng bệnh cho con - Ảnh 1.

Trẻ rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh phòng bệnh tay chân miệng.

Không nên chữa bệnh tay chân miệng theo kiểu truyền miệng

Hiện nay, trên một số diễn đàn trên mạng xã hội chia sẻ phương pháp điều trị bệnh tay chân miệng bằng việc dùng lá bàng.

Theo các mẹ bỉm sữa truyền tai nhau, phương thuốc này khá tốt chỉ cần dùng 7 – 10 lá bàng bánh tẻ, 1 lít nước, 2 thìa ăn cơm muối hạt xay nát, đun sôi nhỏ lửa khoảng 5 – 7 phút để nguội, lọc lấy nước cho vào chai để tủ lạnh dùng dần. Mỗi lần lấy ra dùng nên làm cho nóng lên.

Dùng cho bé súc miệng chữa các bệnh nói trên hoặc dùng khăn thấm nước lá bàng đó lau trong mồm. Với các vết lở loét cho chân tay miệng thì lau bằng nước lá bàng 3-4 lần một ngày, sau đó bôi dầu dừa. Chỉ 3 ngày là khỏi.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (Nguyên Trưởng khoa nhi, Bệnh viện Bạch Mai) phân tích, bệnh tay chân miệng tác nhân gây bệnh tay chân miệng thường gặp là Coxsackievirus A16 và Enterovirus 71 (EV71).

Virus lây lan rất nhanh qua đường miệng, qua các chất tiết mũi miệng, phân hay bọt nước từ trẻ bệnh sang trẻ lành. Virus xâm nhập vào cơ thể qua niêm mạc miệng hay ruột vào hệ thống hạch bạch huyết và từ đó sẽ phát triễn rất nhanh và gây ra các tổn thương ở da và niêm mạc.

Biểu hiện bệnh tay chân miệng thường thấy ở trẻ nhỏ số, đau họng, mệt mỏi... Một hoặc hai ngày sau khi bắt đầu sốt, những vết lở loét có thể xuất hiện trong miệng. và nổi dạng nốt bọng nước long ở tay và chân, có thể cả trên đầu gối, khuỷu tay và mông bé.

Phát ban này có thể có mủ nhưng thường sẽ không bị ngứa. Một số trẻ chỉ phát ban, có những trẻ không có triệu chứng nào đáng kể, nhưng vẫn có thể truyền bệnh cho người khác.

Bệnh tay chân miệng vào mùa, các bậc cha mẹ nhất định phải biết điều này để phòng bệnh cho con - Ảnh 2.

Biểu hiện bệnh tay chân miệng thường thấy ở trẻ nhỏ số, đau họng, mệt mỏi...

"Vì vậy, việc dùng lá bàng để điều trị bệnh tay chân miệng hoàn toàn không đúng. Khi trẻ bị tay chân miệng các mẹ không nên dùng các biện pháp chữa bệnh theo kiểu truyền miệng hay các loại lá gì khi chưa có sở khoa học", PGS.TS Nguyễn Tiên Dũng cho biết.

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, biến chứng thường gặp của bệnh tay chân miệng là: Viêm màng não, liệt mềm cấp, viêm cơ tim, phù phổi cấp do thần kinh.

Các biến chứng có thể phối hợp với nhau như viêm não màng não, phù phổi và Nguy hiểm hơn khi trẻ có biến chứng não thường không hôn mê sâu mà có những triệu chứng khó nhận biết như khó ngủ, quấy khóc liên tục, giật mình lúc thức hay lúc bắt đầu thiu thiu ngủ, trẻ có thể biểu hiện hốt hoảng, nói lảm nhảm, run chân tay, co giật…

Khi trẻ có biến chứng nếu không điều trị đúng và kịp thời có thể tử vong trong vài giờ.

Trẻ bị bệnh tay chân miệng thường rất biếng ăn, thậm chí có thể bỏ ăn do các vết loét trong niêm mạc miệng gây đau. Vì vậy, thức ăn cho trẻ cần chọn lựa sao cho mềm, mịn, mát lạnh nhằm tạo cảm giác dễ chịu khi thức ăn, chia các bữa ăn cho ra thành nhiều bữa… để tăng cường sức đề kháng cho trẻ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại