Làm sao phân biệt mụn nước lòng bàn tay, bàn chân là do bệnh tay chân miệng hay đậu mùa khỉ? Về mặt chuyên môn, các mụn nước của 2 căn bệnh này hoàn toàn khác nhau.
Mụn nước của bệnh tay chân miệng là nổi mụn nước đầu tiên ở niêm mạc miệng, bao gồm mặt trong má, lợi, lưỡi. Các mụn nước dập vỡ rất nhanh tạo ra những vết trợt loét đau rát, khiến trẻ khó ăn uống. Sau đó sẽ xuất hiện các nốt ban đỏ trên da rồi tiến triển thành các mụn nước mờ đục hình bầu dục và mọc ở những vị trí đặc biệt như lòng bàn tay, lòng bàn chân, khuỷu tay, đầu gối, mông. Ở da, các vết phỏng nước không ngứa, chạm vào không đau.
Mụn nước bệnh đậu mùa khỉ xuất hiện từ 1-3 ngày sau khi bị sốt. Các tổn thương đầu tiên xuất hiện các vết đỏ trên lưỡi và trong miệng. Sau đó là phát ban dát phẳng xuất hiện trên da, bắt đầu trên mặt, sau đó lan đến tay chân và cả cơ thể trong vòng 24 giờ. Đến ngày thứ 3 của phát ban, các tổn thương đã tiến triển từ dát phẳng thành dát sần. Đến ngày thứ 4, thứ 5, các tổn thương biến thành mụn nước trong suốt. Đến ngày thứ 6 và thứ 7, các mụn nước thành mụn mủ. Các mụn mủ sẽ tồn tại trong khoảng 5-7 ngày trước khi vỡ ra thành vảy. Sau khi vảy rơi ra, tại đó hình thành sẹo rỗ. Sự khác biệt giữa các triệu chứng của bệnh đậu mùa trước đây ở người và bệnh đậu mùa khỉ là bệnh đậu mùa khỉ làm cho các hạch bạch huyết sưng lên trong khi bệnh đậu mùa thì không.
Bệnh đậu mùa khỉ có thể lây truyền từ động vật hoang dã sang con người. Sự lây truyền từ người sang người hiếm xảy ra, chủ yếu qua các giọt đường hô hấp lớn khi tiếp xúc mặt đối mặt kéo dài. Hầu hết bệnh nhân là trẻ em. Ở châu Phi, tỉ lệ tử vong dao động từ 4%-22%.
Phòng ngừa đậu mùa khỉ chủ yếu là vệ sinh cá nhân, chống lây nhiễm qua đường hô hấp và tiêm ngừa. Hiện nay ở nước ta chưa có bệnh đậu mùa khỉ, các đơn vị chức năng trong nước vẫn đang giám sát chặt chẽ để ngăn ngừa dịch bệnh xâm nhập.