Các binh sĩ Mỹ đọc tấm áp phích nhắc nhở họ nên mặc áo kín để tránh lây nhiễm sốt rét. Ảnh: Getty Images
Trong lịch sử, bệnh tật là một yếu tố gây tử vong chính trong các cuộc chiến tranh. Thời Nội chiến Mỹ, hàng chục nghìn binh sĩ đã chết vì những căn bệnh như thương hàn, viêm phổi, sởi và sốt rét. Giới học giả cũng ước tính rằng trong Chiến tranh Thế giới thứ nhất, nhiều binh sĩ đã chết vì bệnh cúm hơn là tử trận.
Đến giai đoạn đầu của Chiến tranh Thế giới thứ hai, bệnh sốt rét đã trở thành nỗi ám ảnh của quân đội Mỹ, đặc biệt là các quân nhân được điều động đến vùng nhiệt đới và khu vực cận nhiệt đới. Căn bệnh này có triệu chứng đau đầu, sốt cao, ớn lạnh, gây suy kiệt cơ thể và thậm chí là tử vong.
Khi muỗi hút máu của người bệnh, chúng sẽ trở thành vật mang ký sinh trùng và sau đó tiếp tục truyền mầm bệnh cho người khác. Bằng cách này, số trường hợp lây nhiễm nhanh chóng bùng phát, tạo thành một vòng luẩn quẩn khó phá vỡ.
Ước tính, trong cuộc chiến chống đế quốc Nhật Bản năm 1942, chiến trường Philippines đã có đến 24.000 người trong số 75.000 binh sĩ Mỹ và Philippines mắc sốt rét. Tình hình nghiêm trọng đến nỗi người đứng đầu Ban chỉ huy Bệnh viện Đa khoa 2 đã viết thư gửi cấp trên như sau: “Nếu không kiểm soát được sốt rét thì hiệu quả chiến đấu của toàn quân sẽ giảm sút rất nhiều”.
Nhân vật này cũng thôi thúc cấp trên tìm ra đủ nguồn cung thuốc điều trị quinne nếu muốn giành chiến thắng trước quân Nhật Bản.
Một nhân viên quân y thăm khám cho Hạ sĩ Hugh Mereillo, Sư đoàn bộ binh 163, mắc sốt rét ở Papua New Guinea. Ảnh: Getty Images
May thay, trước thế trận ngàn cân treo sợi tóc, quân đội Mỹ lại đón nhận tin vui là đối phương cũng bị sốt rét tấn công nghiêm trọng không kém, nếu không muốn nói là nhiều hơn. Đã có lúc một số đơn vị chiến đấu của Nhật Bản trở nên rời rạc vì dịch sốt rét và bệnh kiết lỵ.
Thiếu nguồn tiếp viện y tế cũng đã dẫn đến thương vong nặng cho phía binh sĩ Nhật Bản. Trong bối cảnh đó, các đoàn lính Mỹ mới được điều động và chưa hề bị nhiễm bệnh đã phát huy sức mạnh.
Theo các báo cáo, cũng vào giai đoạn trên, khoảng 60 - 65% lính Mỹ tham chiến ở Nam Thái Bình Dương cũng đồng loạt bị sốt rét tại một số thời điểm. Một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi căn bệnh trên là căn cứ của quân đồng minh tại Vịnh Milne, Papua New Guinea.
Trong khoảng thời gian từ cuối năm 1942 đến tháng 1/1943, sốt rét đã làm căn cứ này chao đảo. Theo Trung tâm Lịch sử Quân sự của Quân đội Mỹ, số ca mắc đã lên đến 4.000 ca trên 1.000 binh sĩ mỗi năm.
Trước nguy cơ căn bệnh này có thể "quật ngã" hàng loạt binh sĩ khỏe mạnh, Chính phủ Mỹ đã gấp rút xây dựng các phương án kiểm soát như tuyên truyền kiến thức phòng tránh, tăng cường sản xuất thuốc điều trị và tiêu diệt mầm bệnh bằng cách phun thuốc DDT.
Hình minh họa về "Ann khát máu" được sử dụng trong các ấn phẩm tuyên truyền của quân đội Mỹ. Ảnh: NPR
Tập sách về con muỗi "Ann khát máu" của Đại úy Theodor Seuss Geisel, được lưu hành trong quân đội Mỹ, là một phần trong chiến dịch ứng phó với bệnh sốt rét của Mỹ. Cuốn sách này cung cấp kiến thức cho các binh sĩ về bệnh sốt rét và cách tránh bị muỗi đốt bằng cách mắc màn bảo vệ và thuốc diệt côn trùng.
Ngoài ra, các tấm áp phích về con muỗi nguy hiểm “Ann khát máu” cũng gây ấn tượng mạnh cho người xem. Những bản vẽ về Ann được mở đầu với dòng chữ “Đây là Ann…và nó hút máu”, cùng hình ảnh một con muỗi đang cười và cầm trong tay một chiếc ly đầy máu.
Vào thời điểm “Ann khát máu” được giới thiệu với độc giả, bệnh sốt rét đã hiện diện từ lâu ở miền Đông Nam nước Mỹ. Số ca mắc căn bệnh chết người này đã gia tăng trong thời kỳ Đại suy thoái và bắt đầu suy yếu vào đầu những năm 1940.
Năm 1942, Dịch vụ Y tế Cộng đồng Mỹ đã thành lập Văn phòng Kiểm soát Sốt rét ở các Khu vực Chiến tranh (MCWA) để giải quyết vấn đề này. Văn phòng có trụ sở tại Atlanta trên chính là tiền thân của Trung tâm Bệnh Truyền nhiễm ra đời năm 1946, nay là Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC). Những nỗ lực của văn phòng trên đã giúp chấm dứt lây truyền bệnh sốt rét ở Mỹ vào đầu những năm 1950.
Để ngăn chặn các ca tử vong do nhiễm sốt rét, Mỹ đã huy động các nguồn lực để sản xuất thuốc penicillin. Để tránh lặp lại kịch bản về đại dịch cúm xảy ra trong Thế chiến thứ nhất, Nhà Trắng cũng tài trợ cho nghiên cứu về vaccine ngừa cúm đầu tiên trên thế giới. Bên cạnh đó, quốc gia này còn phát triển các chương trình chống bệnh sốt rét.
Một người đàn ông phun thuốc DDT vào hồ nước đọng để diệt muỗi trong khuôn khổ Chương trình Xóa bỏ Sốt rét Quốc gia năm 1958. Ảnh: Getty Images
Nhà sử học Leo B. Slater, tác giả của cuốn sách “Chiến tranh và Dịch bệnh: Nghiên cứu Y sinh về Sốt rét trong thế kỷ 20”, cho biết: “Những nỗ lực này đã thực sự thành công trên một số mặt trận. Chiến tranh Thế giới thứ hai là cuộc xung đột lớn đầu tiên mà đất nước này tham gia có tỷ lệ thương vong vì dịch bệnh gây ra thấp hơn tỷ lệ thương vong vì chiến đấu”.
Giống như nhiều văn phòng thời chiến, MCWA sẽ đóng cửa khi Chiến tranh Thế giới thứ hai kết thúc. Tuy nhiên, một bác sĩ tên là Joseph Mountin đã lập kế hoạch để mở rộng văn phòng này thành một trung tâm tập trung vào nhiều căn bệnh lây nhiễm khác.
Ông Mountin, người làm việc cho Cơ quan Dịch vụ Nhà nước trong Dịch vụ Y tế Công cộng tại thời điểm đó, đã quyết định rằng MCWA nên mở rộng ra ngoài phạm vi bệnh sốt rét. Bà Judy Gantt, Giám đốc Bảo tàng David J. Sencer CDC ở Atlanta, cho biết đó chính là nguyên nhân MCWA được chuyển đổi thành Trung tâm Bệnh Truyền nhiễm vào năm 1946.
CDC nhiễm tiếp tục theo đuổi chiến dịch chống sốt rét của tổ chức tiền thân MCWA, đồng thời giải quyết các bệnh khác như sốt phát ban và giun móc. Bắt đầu từ năm 1947, Chương trình Xóa bỏ Sốt rét Quốc gia của CDC đã phối hợp với các sở y tế của bang và địa phương để tiếp tục diệt trừ các địa điểm sinh sản của muỗi và phun thuốc diệt côn trùng.
Đến năm 1951, CDC tuyên bố tình trạng lây truyền bệnh sốt rét đã bị xóa bỏ tại Mỹ. Mặc dù lây truyền bệnh sốt rét không còn là mối nguy hiểm ở Mỹ, nhưng căn bệnh này vẫn là một nguy cơ sức khỏe chính ở các khu vực của châu Mỹ, châu Á và châu Phi. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính trong năm 2020, thế giới có 241 triệu trường hợp mắc bệnh sốt rét và 627.000 trường hợp tử vong vì căn bệnh này.