Anh Hoàng Văn Ngọc (47 tuổi, Tân Mai, Hà Nội).
Như được sinh ra lần thứ 2
Đang khoẻ mạnh, anh Hoàng Văn Ngọc (47 tuổi, Tân Mai, Hà Nội) không ngờ rằng mình bị mắc COVID-19 và lại chuyển biến nặng nhanh tới vậy.
"Đấy các chị nhìn tôi thì biết, tôi to như thế này, khoẻ mạnh, không có bệnh lý nền. Ai dè lại bị virus quật ngã nhanh tới vậy. Trước đây, ở nhà tôi cũng cảm cúm bình thường ít phải đi viện. Chắc đây là lần nằm việc lâu nhất trong cuộc đời tôi", anh Ngọc nói.
Theo anh Ngọc, ở trong khu phố nhà anh có người xét nghiệm dương tính nên cả nhà anh 5 người đều phải đi cách ly. Trong thời gian cách ly, anh Ngọc bắt đầu có triệu chứng sốt cao, người nóng, khó thở, cảm giác khó chịu vô cùng.
"Tôi cố thở như có ai đó đang bịt mũi dìm mình xuống. Lúc đó, tôi rất sợ mình khó có thể qua khỏi. Ngay sau đó tôi được đưa đến bệnh viện Đống Đa và chuyển lên Thanh Nhàn. Lúc vào tới Bệnh viện Thanh Nhàn tôi gần như không thể thở được, bất tỉnh luôn. Khoảng 5 ngày sau tôi tỉnh dậy, hình ảnh chập chờn trong mê mê, tỉnh tỉnh, tôi nghĩ mình đã chết!
Rồi ý thức tôi dần được lấy lại, tôi thấy máy móc cắm quanh người. Tôi nghĩ trong đầu "thế là mình sống rồi!". Sau đó, tôi lại thiếp đi... Lúc này tôi nghe thấy tiếng bác sĩ gọi "Anh Ngọc ơi cố hít thật sâu, thở từ từ", anh Ngọc chia sẻ.
Anh Ngọc nghĩ lại những giấy phút kinh hoàng khi mắc Covid-19.
Các bác sĩ sau đó tích cực hô hấp, động viên anh Ngọc cố gắng: "Thở được mới sống được, đừng suy nghĩ gì cả". Có lúc, ranh giới sự sống và cái chết với anh Ngọc tưởng chừng như rất mong manh, thậm chí tuyệt vọng.
"Lúc bệnh nặng nhất tôi không thể nói nên lời, trong đầu tôi vẫn nhớ lời bác sĩ nói "hít sâu vào, thở từ từ". Mình mệt nhưng phải cố gắng. Người nào không cố gắng khó vượt qua qua được. Tôi nghĩ mình cố gắng nghe theo lời bác sĩ. Tôi cố gắng thở nhưng không thở được, trong đầu tôi nghĩ mình chết. Tôi lịm đi nhưng trong đầu mình vẫn biết. Được vài ngày sau tôi mở mắt lại thì biết mình đã tạm thoát cửa tử", anh Ngọc nhớ lại.
Anh Ngọc cho biết thêm, khi tỉnh dậy anh đã rất khó khăn khi phải tập thở. "Tôi tỉnh dậy, bác sĩ động viên bảo tôi phải tập thở. Họ bảo cứu được tôi đã quá cố gắng rồi. Tôi động viên mình cố gắng luyện tập hít thở lại, ngày nào cũng tập. Chưa bao giờ thấy hít thở hằng ngày bình thường lại trở nên khó khăn với mình đến vậy. Cách đây hơn 1 tuần tôi được rút ống thở và có thể nói chuyện lại được".
Qua 50 ngày chiến đâu với tử thần, vào ngày bác sĩ thông báo anh Ngọc được xuất viện. Anh vui mừng không ngủ được.
"Giờ sức khoẻ của tôi đã ổn hơn rất nhiều. Tôi như được tái sinh lần thứ 2. Tôi sẽ trân trọng thêm cuộc sống này. Được ra viện tôi rất vui, cám ơn Đảng, Nhà nước đã không bỏ lại ai phía sau. Cám ơn bác sĩ, lãnh đạo bệnh viện đã cứu sống tôi. Về nhà tôi sẽ cố gắng nghỉ ngơi cho khoẻ lại bình thường", anh Ngọc nói.
Qua chuyện đã xảy ra, anh Ngọc cũng đưa ra lời khuyên mọi người hãy giữ sức khoẻ bản thân, tránh để nhiễm COVID-19 như anh.
"Tôi mắc COVID-19 mới biết khổ đến nhường nào. Mong sao mọi người hãy ở nhà khi dịch bệnh phức tạp, chỉ ra đường trong trường hợp thật sự cần thiết. Những ngày ở viện, tôi chứng kiến nhiều người già, có cháu bé không có người thân bên cạnh, các bác sĩ lo liệu hết từ thuốc men, ăn uống, chăm sóc, động viên…", anh Ngọc chia sẻ thêm.
Bệnh nhân đông đặc 2 phổi
Bác sĩ Nguyễn Thị Lan Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn, cho biết, bệnh nhân Ngọc là trường hợp mắc COVID-19 phải can thiệp ECMO (tim phổi ngoài cơ thể) đầu tiên tại Bệnh viện Thanh Nhàn. Bệnh nhân đã trải qua 50 ngày chiến đấu với "thần chết" đã được sử dụng nhiều kỹ thuật hiện đại trong điều trị như thở máy, lọc máu và cuối cùng là chạy ECMO.
Theo bác sĩ Hương, EMO là một kỹ thuật khó, phức tạp và cũng là "cánh cửa" cuối cùng để có thể cứu sống được cho bệnh nhân. Rất may mắn bệnh nhân đã đáp ứng điều trị, hồi phục và được xuất viện.
Ông Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, tặng hoa chúc mừng bệnh nhân.
Trước đó, bệnh nhân Ngọc được chuyển viện tới Bệnh viện Thanh Nhàn trong tình trạng khó thở, suy hô hấp không đáp ứng thở máu xâm nhập. Hình ảnh chụp CT cho thấy bệnh nhân bị đông đặc 2 phổi, phổi tổn thương tới 80%. Nếu không can thiệp ECMO bệnh nhân khó có thể qua khỏi.
Sau khi hội chẩn, bác sĩ Bệnh viện Thanh Nhàn đã quyết định can thiệp EMO để cứu sống bệnh nhân.
"Bệnh nhân được xuất viện là niềm vui không chỉ của bệnh nhận mà còn cả đội ngũ y bác sĩ Bệnh viện Thanh Nhàn. Đây là ca bệnh mắc COVID-19 can thiệp ECMO thành công ở bệnh viện tuyến cuối của Hà Nội. Với bệnh nhân này nếu không can thiệp ECMO bệnh nhân sẽ tử vong", bác sĩ Hương nói.
Tính tới thời điểm ngày 17/9, Bệnh viện Thanh Nhàn đã tiếp nhận 604 trường hợp F0, trong đó có 140 nặng từ bệnh viện tuyến dưới chuyển lên. Đa phần các trường hợp bệnh nhân mắc COVID-19 là người lớn tuổi, có bệnh lý nền.
Ông Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho hay: "Các trường hợp bệnh nhân mắc COVID-19 phải can thiệp ECMO thành công rất thấp. Trong cuộc chiến cứu lại mạng sống người bệnh thoát khỏi các biến chứng nặng của COVID-19 thì ECMO là biệt pháp cuối cùng. Đây là ca bệnh đầu tiên của Bệnh viện Thanh Nhàn can thiệp ECMO thành công cứu sống được người bệnh trở về cuộc sống bình thường. Đây là thành quá lớn của đội ngũ ngành y".
Qua ca bệnh mắc COVID-19 nặng phải can thiệp ECMO, ông Hưng cũng khẳng định Hà Nội đã chuẩn bị sãn sàng mọi kế hoạch cho các trường hợp mắc COVID-19 chuyển biến nặng. Hiện nay, số ca bệnh nặng phải điệu trị tại tầng 3 của thành phố chỉ chiếm 5-6%. Hiện tại, thành phố đã kích hoạt 2 bệnh viện ở tầng 3 để điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 nặng.