Theo số liệu mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi ngày có khoảng 1 triệu người nhiễm các bệnh lây qua đường tình dục (gọi tắt là STI). Đáng chú ý, gần đây, tỉ lệ người nhiễm STI có xu hướng tăng mạnh ở cộng đồng giới tính thứ 3 (LGBT). Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, STI không chỉ lây lan mà còn để lại nhiều hệ lụy đáng tiếc.
Mắc bệnh vì có nhiều bạn tình
BS CKI Đoàn Thị Phương Thảo, phụ trách Phòng khám Da liễu - Bệnh viện quận 11 (TP HCM), cho biết trước dịch COVID-19, người đến khám chủ yếu về các bệnh liên quan da liễu. Tuy nhiên, sau khi dịch COVID-19 tạm lắng, số bệnh nhân đến khám liên quan bệnh STI tăng đột biến.
"Thời gian gần đây, trung bình mỗi tháng, Phòng khám Da liễu của chúng tôi tiếp nhận khoảng 70-80 ca, trong đó 10%-15% mắc các bệnh STI như sùi mào gà, giang mai, lậu…" - bác sĩ Thảo nói.
Bác sĩ Bệnh viện Da liễu TP HCM thăm khám cho người bệnh mắc các bệnh lây qua đường tình dục (Ảnh do bệnh viện cung cấp)
Nhiều người đến khám thừa nhận biết tình trạng bệnh của mình. Tuy nhiên, chỉ đến khi bệnh không thể kiểm soát, họ mới tới gặp bác sĩ. Chẳng hạn, bệnh nhân N.T.N (22 tuổi, ngụ TP HCM) và bạn tình đồng giới đến bệnh viện với các triệu chứng lạ tại bộ phận sinh dục. Qua tư vấn và thăm khám, N. được chỉ định làm xét nghiệm các bệnh liên quan STI. Kết quả, N. dương tính với giang mai. Sau 3 lần điều trị nhưng xét nghiệm lại vẫn dương tính, chỉ số vi khuẩn vẫn cao, N. được chuyển đến Bệnh viện Da liễu TP HCM tiếp tục điều trị.
Theo bác sĩ Thảo, bệnh nhân đến khám các bệnh liên quan STI tại Bệnh viện quận 11 chủ yếu là sùi mào gà. Bệnh này xuất hiện ở cả nam lẫn nữ, tập trung tại cộng đồng LGBT. Chỉ số ít là bệnh nhân lớn tuổi đến khám và đáng lo là họ không nghĩ mình mắc bệnh này.
"Có trường hợp bệnh nhân lớn tuổi đến khám cứ nghĩ là mụn cóc nhưng kết quả xét nghiệm cho thấy bị sùi mào gà. Sau đó, bệnh nhân được tư vấn, điều trị và họ hiểu được nguyên nhân gây bệnh là lây qua đường tình dục, có thể từ chồng hay bạn tình. Đối với người trẻ, đa số bệnh nhân đến khám đều biết khả năng mình mắc bệnh. Họ đến bệnh viện khi không thể tự chữa hoặc kiểm soát được bệnh" - bác sĩ Thảo lo ngại.
Tại Bệnh viện Da liễu TP HCM, bác sĩ Đoàn Văn Lợi Em, Phó trưởng Khoa Lâm sàng 3, cho biết số lượt bệnh nhân khám giang mai cũng có xu hướng tăng mạnh. Cụ thể, năm 2014, bệnh viện tiếp nhận 2.091 ca, đến năm 2020 tăng lên 6.734 ca. Năm 2021, dù ảnh hưởng dịch COVID-19 nhưng số ca bị giang mai vẫn ở mức 5.883. Riêng 9 tháng đầu năm 2022, hơn 6.279 ca giang mai đến bệnh viện này khám và điều trị. Con số này vẫn tiếp tục gia tăng và dự báo có thể vượt mức năm 2020.
Theo bác sĩ Lợi Em, xu hướng gia tăng bệnh nhân mắc giang mai gần đây có thể là do các hành vi quan hệ tình dục. Báo cáo của Việt Nam gửi WHO cho thấy tỉ lệ nhiễm giang mai ở đối tượng quan hệ tình dục đồng giới nam (MSM) năm 2008 chỉ 0,89% nhưng năm 2018 đã vọt lên 6,7%.
Lý giải nguyên nhân mắc bệnh STI có xu hướng tăng và trẻ hóa, bác sĩ Đoàn Thị Phương Thảo nhận định hiện tại, cái nhìn của xã hội về cộng đồng LGBT khá thoáng. Vì vậy, nhiều người thoải mái hơn trong việc tìm bạn và quan hệ đồng giới. Bên cạnh đó, quan hệ đồng giới thường không có sự ràng buộc phải kết hôn, không lo sợ mang thai… nên nhiều người khá thoáng trong các mối quan hệ. Đây cũng là lý do vì sao tỉ lệ người đồng giới mắc bệnh STI cao.
Đồng quan điểm, bác sĩ Đoàn Văn Lợi Em cho rằng nhóm MSM có tần suất quan hệ tình dục cao, thường quan hệ với nhiều bạn tình hơn so với các đối tượng khác. Ngoài ra, nhóm này thường quan hệ qua đường miệng và hậu môn nên hiếm khi sử dụng biện pháp bảo vệ như bao cao su. Thậm chí, một số người còn có quan niệm sai lầm khi cho rằng quan hệ như vậy là hành vi tình dục khác với thông thường nên sẽ ít nguy cơ lây nhiễm bệnh hơn.
Biến chứng nguy hiểm
Bác sĩ Huỳnh Thị Thanh Thùy, Khoa Khám bệnh - Bệnh viện Da liễu TP HCM, cho biết phần lớn bệnh liên quan STI thường tiềm ẩn. Do đó, bệnh nhân không nhận biết kịp thời để đi khám.
Triệu chứng chung của bệnh STI gồm: phụ nữ ra huyết trắng bất thường (có màu hay có mùi lạ), nam giới chảy mủ hoặc ra dịch đục ở đầu dương vật và thường kèm theo tiểu rát, buốt. Ngoài ra, nữ giới hay ra huyết giữa kỳ kinh hoặc nhìn thấy máu sau khi quan hệ tình dục. Bên cạnh đó, các vết lở loét hay mụn nước xuất hiện ở bộ phận sinh dục, sưng tấy và đau ở vùng sinh dục, nổi các nốt chồi sùi, u nhú vùng sinh dục... cũng là dấu hiệu đã mắc bệnh STI.
Theo bác sĩ Thùy, bệnh STI có thể dẫn đến những biến chứng và gây hậu quả nghiêm trọng như: viêm vùng chậu, vô sinh, thai ngoài tử cung, tổn thương cơ quan nội tạng, ung thư cơ quan sinh dục, thậm chí gây tử vong…
"Không phải bệnh lây truyền qua đường tình dục nào cũng có thể điều trị khỏi. Cụ thể, với viêm gan siêu vi B, Herpes và nhiễm HIV, hiện nay chỉ có thuốc ức chế, kìm hãm, không cho virus phát triển chứ chưa có thuốc điều trị khỏi hoàn toàn. Còn đối với bệnh giang mai, lậu, sùi mào gà, hạ cam mềm…, cần phát hiện sớm và điều trị đúng để tránh các biến chứng về sau. Lưu ý, cả bạn tình cũng cần được thăm khám, điều trị để tránh lây nhiễm và mắc bệnh trở lại" - bác sĩ Thùy cảnh báo.