LTS: Bệnh bạch biến không phải là bệnh quá xa lạ trên thế giới. Tuy nhiên, tại Việt Nam bệnh bạch biến vẫn chưa được nhiều người biết tới và có những sự kỳ thị không đáng có với người không may mắc phải. Nói là bệnh "lạ" không phải vì bệnh hiếm gặp mà vì nhiều người vẫn nhìn nhận về căn bệnh này một cách lạ lẫm và kỳ thị.
Bạch biến không phải là bệnh truyền nhiễm, không ảnh hưởng tới sức khỏe chỉ ảnh hưởng tới thẩm mỹ. Người bạch biến vẫn có quyền sống và yêu thương như tất cả người khác.
Vì thế, để tăng nhận thức trong cộng đồng về bệnh này, ngày 24-25/6 tới đây, Việt Nam lần đầu tiên tổ chức Hội nghị bạch biến Quốc tế, diễn ra tại Hà Nội. Nhân dịp này, Báo điện tử Trí Thức Trẻ thực hiện tuyến bài: Bạch biến - nỗi đau từ sự kỳ thị.
40 năm chung sống với căn bệnh "lạ" ngoài da
Mới 50 tuổi nhưng bà Nguyễn Thị Mến đã có tới 40 năm chung sống với căn bệnh "lạ" ngoài da. Bà Mến không biết mình bị mắc bệnh gì, nhưng da trắng bệch, loang lổ trên mặt.
Thời còn trẻ bà cũng đã tìm cách chữa trị bệnh nhưng không thành công. Cũng vì vậy, bà Mến đã chấp nhận sống chung với căn bệnh mà sắc da "lạ" đó.
Nhưng người con gái sắp lấy chồng của bà Mến đã tìm Bệnh viện Da liễu Trung ương với niềm hy vọng mong manh có thể giúp bà khỏi được bệnh.
Bà Mến tâm sự, bà muốn con gái không bị mất mặt với nhà chồng. Bà lo ngại khuôn mặt "khác biệt" của mình có thể ảnh hưởng tới con và muốn có thể chụp với con một tấm hình cưới đẹp, không cần phải che mặt.
Sau khi khám, bác sĩ đã kết luận bà bị bệnh bạch biến. Căn bệnh của bà có thể cải thiện được nếu kiên trì điều trị.
Sau 3 tháng điều trị, chiếu tia UV kết hợp với thuốc bôi vùng da bạch biến của bà Mến đã có màu sắc như da thường.
Bà Mến đã vui mừng đến phát khóc, vì 40 năm chung sống với căn bệnh "lạ" khiến bà ít khi đi ra ngoài. Giờ đây, bà Mến có thể ngẩng cao đầu trước mọi người và chụp một bức ảnh đẹp với con trong ngày cưới.
Thắng là một trong những bệnh nhân bạch biến đang điều trị.
Còn trường hợp của Trần Văn Thắng (18 tuổi, tại Đoan Phượng, Hà Nội) đã có 14 năm gắn bó với bệnh bạch biến. Ban đầu trên da của Thắng chỉ có một nốt chấm nhỏ màu trắng hồng bằng cúc áo ở mắt cá chân, sau đó lan rộng như bị lột da.
Thắng không dám đi tắm biển, đi bất cứ đâu chàng trai trẻ phải mặc quần áo che kín như "ninja". Bởi vì, vùng da bệnh của Thắng nếu tiếp xúc với ánh sáng mặt trời sẽ ngày một lan rộng hơn. Hiện Thắng đang điều trị bằng liệu pháp ánh sáng và thuốc bôi tại bệnh viện Da liễu Trung ương kết quả khá khả quan.
PGS.TS Lê Hữu Doanh, Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương cho hay, hiện trên thế giới có khoảng hơn 1 triệu người mắc căn bệnh bạch biến. Cho đến nay, y học vẫn chưa có thuốc điều trị khỏi bệnh hoàn toàn. Ở Việt Nam dù chưa có thống kê cụ thể, nhưng ước tính tỷ lệ bệnh bạch biến khoảng 0,5% dân số.
Tại Bệnh viện Da liễu Trung ương gần như ngày nào cũng có bệnh nhân bị bạch biến mới tới khám.
Thủ phạm gây ra căn bệnh bạch biến
Theo bác sĩ Hoàng Văn Tâm, Giảng viên bộ môn da liễu, Đại học Y Hà Nội, Phó khoa chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện Da liễu Trung ương, bệnh bạch biến là bệnh lý giảm sắc tố của da, da xuất hiện đám trắng.
Nguyên nhân chưa biết rõ ràng có liên quan tới nhiều yếu tố tự miễn. Cơ thể xuất hiện các tế bào chống lại tế bào sản sinh ra hắc tố. Có nghĩa là tế bào đó bị ức chế không thể sản sinh melanin được nên gây ra vùng trắng.
Nguyên nhân tại chỗ, là do các tế bào lympho hoạt hóa quá mức gây ức chế quá trình sản xuất hắc tố; Quá trình oxy hóa quá mức dẫn tới tế bào bị tổn thương và gây ra bệnh.
Ngoài ra, bạch biến có liên quan tới yếu tố nghề nghiệp, người làm ở môi trường thường tiếp xúc với chất tẩy mạnh sẽ có biểu hiện giống bệnh bạch biến.
"Bạch biến có liên quan tới yếu tố di truyền, chiếm khoảng 10% ở thể biến đoạn", bác sĩ Tâm nói.
Bệnh bạch biến không gây ảnh hưởng tới sức khỏe mà chỉ thẩm mỹ. Bạch biến sẽ nguy hiểm khi có liên quan tới bệnh lý khác như: tuyến giáp, tiểu đường, lupus ban đỏ, viêm màng bồ đào ở mắt…
Biểu hiện đặc trưng của bệnh bạch biến như: trên da xuất hiện chấm, đám màu trắng sữa, có danh giới với da lành, bờ đều có thể có tăng sắc tố, bờ tổn thương, không có vảy da, lông vùng đó trắng hoặc đốm tăng sắc tố loang lổ trong tổn thương.
Vị trí bạch biến hay gặp nhất là: vùng da hở, đầu cực mặt, không ngứa, đau rát.
Điều trị bạch biến, phương pháp đầu tiên là dùng thuốc bôi để là đều màu da; Phương pháp thứ 2 tẩy da, với thể bạch biến lan toản; Phương pháp 3, trang điểm dấu đi, trang điểm cho màu da vàng thành trắng và phẫu thuật ghép da.
Bác sĩ Tâm cho biết: "Hiện nay, điều trị bạch biến quan trọng nhất là nhóm phục hồi sắc tố. Chưa có phương pháp điều trị hoàn toàn được bệnh bạch biến, nhưng có thể kiểm soát rất tốt. Có một phần nhỏ bệnh nhân có thể tự phục hồi sắc tố, không tái phát lại".
Bác sĩ Tâm đang khám bạch biến cho bệnh nhân.
Điều trị bạch biến thường kéo dài, bệnh nhân điều trị ít nhất 3 tháng, bôi thuốc để tránh tái phát. Khi bệnh nhân hết bạch biến, thì không cần phải thuốc. Với người bị bạch biến nếu vùng da bệnh tiếp xúc với ánh sáng mặt trời có hiện tượng bong da cần phải cẩn trọng với nguy cơ ung thư da.
Trên thế giới, Michael Jackson là một trong những bệnh nhân "vật lộn" với căn bệnh bạch biến lan toả gần toàn cơ thể. Michael Jackson có làn da nâu trong suốt thời niên thiếu, tuy nhiên bắt đầu từ giữa những năm 1980, làn da của ông dần trở nên nhạt hơn do những ảnh hưởng từ bạch biến.
Do mắc thêm "hội chứng mặc cảm ngoại hình" nên ông quyết định tẩy trắng toàn bộ cơ thể để trở thành người da trắng. Sau này, vì ông lạm dụng nhiều thuốc dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Ngày 25/6 năm 2009 là ngày mất của Michael Jackson. Sau khi ông mất, để tưởng nhớ đến ông người ta lấy ngày 25/6 hàng năm là ngày bạch biến thế giới.