Bệnh ấu trùng da di chuyển là gì?

P.V |

Bệnh ấu trùng da di chuyển là một căn bệnh khá hiếm gặp, thường gây rất nhiều khó chịu cho những người mắc phải và dễ bị nhầm lẫn với những bệnh...

Theo Bệnh viện đa khoa Medlatec, bệnh ấu trùng da di chuyển là một dạng nhiễm khuẩn giun móc thuộc chủng Ancylostoma. Loại khuẩn này tồn tại trong phân chó, phân mèo hoặc trong đất ẩm. Chúng xâm nhập vào cơ thể, ký sinh dưới da thông qua việc tiếp xúc trực tiếp không bảo vệ của da người đối với môi trường có giun móc. Căn bệnh này khá thường gặp ở mọi nơi trên thế giới nhưng thường gặp nhiều nhất ở môi trường nhiệt đới, khí hậu nóng ẩm.

Căn bệnh thường gây ngứa ngáy vô cùng khó chịu. Bệnh có thể tự khỏi sau một thời gian ngắn. Tuy nhiên, do gây nên những biểu hiện khó chịu và nhiễm trùng nên bệnh cần được điều trị bằng thuốc đặc trị theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Nguyên nhân và biểu hiện của bệnh

Bệnh ấu trùng da di chuyển do những nguyên nhân và có biểu hiện triệu chứng như sau:

Nguyên nhân gây bệnh

Giun móc vốn tồn tại và gây bệnh trong cơ thể chó mèo đi theo đường phân ra ngoài môi trường và phát triển thành ấu trùng. Ấu trùng này có thể tồn tại ở môi trường bên ngoài khá lâu, từ 3-4 tuần. Các ấu trùng này xâm nhập vào da của con người thông qua tiếp xúc trực tiếp không có sự bảo vệ an toàn. Khi da tiếp xúc với phân chó, mèo, hoặc nơi đất, cát ẩm có ấu trùng giun móc, chúng sẽ xâm nhập vào da, ký sinh dưới da. Chúng di chuyển trong lớp thượng bì gây ra các phản ứng viêm dưới da. Rất ít trường hợp, ấu trùng xâm nhập sâu và gây tổn thương mô hay phổi.

Biểu hiện nhiễm bệnh

Bệnh ấu trùng da di chuyển thường có triệu chứng khá dễ nhận biết. Các nốt sần xuất hiện ở một số vị trí như: bàn chân, mông, thân, tay, bộ phận sinh dục,... Chúng là những nốt sẩn đỏ theo đường vằn vèo, có nổi gờ nhẹ, sờ thấy và dễ nhìn thấy ở ngoài da. Ấu trùng tồn tại và di chuyển tạo thành các đường sần đỏ, kích thước có thể tăng đến vài cm mỗi ngày. Độ rộng của đường gờ khoảng 3mm, dài đến 15-20mm. Chúng gây phù nề, sưng đỏ và gây ngứa ngáy rất nhiều cho người bệnh. Cũng có tổn thương dạng bọng nước, chàm hóa hoặc đóng với trường hợp nhiễm trùng thứ phát.

Bệnh gây tổn thương dưới nang lông, gây ngứa ngáy dữ dội. Nếu không được điều trị, các dấu hiệu của bệnh có thể kéo dài đến vài năm. Chúng gây nên những tổn thương, nốt sần rất mất mỹ quan và khiến người bệnh bị ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

Bệnh ấu trùng da di chuyển có nguy hiểm không?

Bệnh gây nên những biểu hiện dưới da và gây nhiều ngứa ngáy, khó chịu cho người bệnh. Không quá thường gặp nên đây là căn bệnh gây lo ngại đối với những ai không may nhiễm phải.

Căn bệnh ấu trùng da di chuyển có thể gặp ở bất cứ ai, không phân biệt lứa tuổi, giới tính. Trong đó, nhóm đối tượng có nguy cơ cao nhiễm bệnh thường là:

- Người thường xuyên đi chân trần, phơi nắng ở bãi biển.

- Trẻ nhỏ thường xuyên chơi ở khu đất ẩm, hố cát.

- Nông dân thường xuyên tiếp xúc với đất, cát ẩm.

- Người làm việc trong môi trường thường xuyên tiếp xúc với nguồn lây bệnh: thợ sửa đường nước, công nhân dọn nhà, thợ điện, người chăm sóc thú nuôi,...

Bệnh có tự khỏi được không?

Bệnh ấu trùng da di chuyển có thể tự khỏi. Nguyên do là bởi cơ thể người là trung gian để ấu trùng ký sinh chứ không gây bệnh. Ký sinh dưới da người là con đường cụt của ấu trùng và cuối cùng là chết. Các biểu hiện của bệnh sẽ khỏi sau từ 4-8 tuần. Một số ít trường hợp hiếm gặp mới gây biến chứng và nhiễm trùng thứ phát. Dù có thể tự khỏi nhưng nếu được điều trị sớm sẽ rút ngắn thời gian gây bệnh và giảm triệu chứng ngứa ngáy khó chịu.

Bệnh ấu trùng da di chuyển là bệnh lành tính nhưng có thể gây nên những biến chứng như: nhiễm trùng tại vùng bị tổn thương, nổi mày đay, dị ứng. Nặng nhất là biến chứng phổi gây ra những biểu hiện bất thường về đường hô hấp.

Chẩn đoán và điều trị bệnh như thế nào?

Bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh dựa trên điều tra về lịch sử tiếp xúc, bệnh nhân có từng tiếp xúc trực tiếp với đất, cát, phân chó mèo có nguy cơ chứa ấu trùng hay không. Quan sát các tổn thương trên da và chẩn đoán lâm sàng. Đồng thời, tiến hành xét nghiệm để xác định tình trạng tăng bạch cầu. Hoặc sử dụng Dermoscopy chẩn đoán hình ảnh tổn thương dưới da, phát hiện các cấu trúc, hang rỗng ấu trùng,...

Hiện nay, phương pháp điều trị ấu trùng da di chuyển phổ biến nhất là dùng thuốc diệt ấu trùng như: Ivermectin, Albendazole dùng để uống hoặc thuốc mỡ Thiabendazole 15% bôi ngoài da. Ngoài ra, một số trường hợp có thể được chỉ định dùng nhóm thuốc chống co giật, thuốc kháng histamin, thuốc chống viêm, phòng ngừa nhiễm trùng thứ phát.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại