Năm 2010, bến xe Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh) được xây dựng và đưa vào hoạt động với nguồn vốn hơn 8 tỷ đồng tại khu đất rộng 15.000m2 tại phường Đậu Liêu (thị xã Hồng Lĩnh).
Bến xe được xây dựng ở vị trí sát quốc lộ 1A, thuận tiện giao thông đi lại, cơ sở vật chất được đầu tư khang trang như sân bãi, phòng chờ, nhà làm việc. Mục tiêu đặt ra mỗi ngày đón hàng trăm lượt xe và người ra vào mua vé.
Tuy nhiên, khi đưa vào hoạt động được một thời gian, ban đầu bến xe quản lý 50 đầu xe, nay chỉ còn 8 đầu xe ra vào bến tuyến Hà Nội - Đắc Lắk. Ghi nhận tại đây, các bãi bến đậu xe phía sau nhà làm việc cỏ mọc um tùm, một góc thành nơi tập kết vật liệu xây dựng.
Bên trong dãy nhà quản lý chỉ có một nhân viên làm việc, không có bóng dáng khách, xe cộ ra vào.
Những dãy ghế được xếp ngăn nắp nhưng không có người sử dụng. Một số góc nhà chuyển thành nơi để đồ, khung cảnh bên trong vắng vẻ…
Một nữ nhân viên bến xe cho biết, tại đây có 3 người cắt cử nhau làm việc, túc trực tại đây nhưng chỉ đến để bảo vệ, dọn dẹp vệ sinh.
"Hiện nay mỗi ngày có 2-3 xe ra vào, cũng có ngày không có xe nào. Thực tế nguyên nhân là do khách ở Hồng Lĩnh không có, nhiều điểm bán vé xe liên tỉnh đặt ở ngoài đường, phần nữa vì có đường tránh nên người dân họ thường bắt dọc đường mà không vào bến để mua vé. Lâu nay hoạt động cầm chừng như vậy, nhân viên đến làm nhưng không có việc, chủ yếu trông coi bảo vệ tài sản ở đây thôi", một nữ nhân viên làm việc tại bến xe Hồng Lĩnh cho biết.
Không có khách tới mua vé, lượt xe ra vào thưa thớt, bến xe Hồng Lĩnh đang rơi vào tình trạng 'sống dở, chết dở'.
Khung cảnh bến xe vắng lặng không có xe, hành khách ra vào.
Phía sau nơi đậu xe tải trở nên nhếch nhác, cỏ mọc um tùm.
Số diện tích lớn không sử dụng vì xe không vào bến nên bỏ hoang, cỏ dại mọc tứ phía.
Ông Nguyễn Thành Trung, Phó trưởng ban Quản lý Bến xe khách Hà Tĩnh cho biết: "Có nhiều nguyên nhân khiến bến xe hoạt động không được như mong đợi. Như nhu cầu đi lại, lượng xe ít, đặc biệt xe dù, xe cò hoạt động nhiều, không vào bến đón khách, cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp. Ngoài ra xe chạy ngang tuyến nhiều, thấy không có hiệu quả nên dân cũng không đầu tư. Dù không có khách nhưng để phục vụ dân, chủ trương nông thôn mới, bến xe là phải có".