Mới đây, Công ty CP Bến xe Miền Tây (HNX: WCS) công bố kết quả hoạt động trong quý 1/2024 với doanh thu kỷ lục gần 39 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ.
Doanh nghiệp lý giải giai đoạn này rơi vào thời điểm phục vụ Tết Nguyên đán nên lượng xe và hành khách tăng cao. Do đó, thu tiền giá dịch vụ phục vụ tại bến cũng tăng.
Nguồn thu từ hoạt động tài chính theo đó cũng tăng 22% so với cùng kỳ bởi lượng hành khách qua bến tăng nên các dịch vụ khác cũng tăng theo và công ty có khoản tiền gửi dài hạn với lãi suất huy động cao.
Trừ đi các chi phí, WCS lãi sau thuế khoảng 19,3 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ.
Như vậy, tính từ khi niêm yết vào năm 2010 đến nay, đây là quý lập kỷ lục về doanh thu cho Bến xe miền Tây và lợi nhuận cao thứ nhì, chỉ sau quý 4/2014.
Tại thời điểm ngày 31/3, tổng tài sản của Bến xe Miền Tây thu hẹp 10%, còn 256 tỷ đồng. Nợ phải trả của công ty giảm mạnh từ 81 tỷ đồng còn 34 tỷ đồng do công ty đã chi cổ tức tiền mặt cho cổ đông với tỷ lệ 144%, tương ứng mỗi cổ phiếu nhận 14.400 đồng.
Năm nay, công ty quản lý bến xe này đặt mục tiêu doanh thu 160 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 68,8 tỷ đồng, lần lượt tăng 2% và 3,5% so với năm ngoái. Mục tiêu này được đưa ra dựa trên kế hoạch số lượng xe xuất bến cả năm là 448.950 lượt, tăng gần 3% so với cùng kỳ. Đây đều là các con số cao nhất trong lịch sử hoạt động và phá kỷ lục thiết lập ở năm ngoái.
Như vậy, kết quả kinh doanh quý đầu năm đã giúp Bến xe Miền Tây hoàn thành hơn 24% kế hoạch doanh thu và 28% kế hoạch lãi sau thuế.
Phần lớn cổ tức Bến xe Miền Tây sẽ thuộc về 3 cổ đông lớn gồm Tổng Công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn - SAMCO đang sở hữu 51% vốn. Theo sau là America LLC (23,8%) và CTCP Đầu tư Thái Bình (10,02%).
Bến xe miền Tây (TP HCM) có lịch sử hoạt động từ trước 1975, với tên gọi Xa cảng miền Tây. Đến tháng 7/1975 Cục Vận tải đường bộ thành lập Ban quản trị và đổi tên thành Bến xe Miền Tây với diện tích mở rộng là 39.000m2. Đến năm 1976, Bến xe Miền Tây là đơn vị trực thuộc Công ty Xe khách Miền Tây do Sở Giao thông vận tải TP HCM thành lập.
Đến 2004, Bến xe Miền Tây được chuyển từ Sở Giao thông Công chính TP HCM sang Tổng Công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn quản lý trên cơ sở hoạt động thí điểm theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con. Gần 6 năm sau, Công ty Cổ phần Bến xe Miền Tây chính thức niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.
Hiện, Bến xe Miền Tây phục vụ hành khách đi 13 tỉnh miền Tây Nam Bộ và các tuyến đi về các tỉnh: Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Phước, Bình Dương, Bình Thuận, Đồng Nai, Gia Lai, Ninh Thuận, Đăk Lăk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Bình Định và Thái Bình.