Tại một vựa măng cụt trên địa bàn thành phố Thủ Đức, anh Phạm Duy Phi (chủ vựa) cho biết trong mùa cao điểm măng cụt xanh "cháy hàng", mỗi ngày vựa này phải thuê hơn 20 nhân công làm việc liên tục từ 6 giờ sáng đến 10 giờ đêm chỉ để... gọt măng cụt cung cấp cho thị trường.
Liên tục nghe điện thoại từ khách sỉ, anh Phi (chủ vựa măng cụt) chia sẻ: "Hiện tại ở chỗ của mình có khoảng 20 nhân công làm tại chỗ và khoảng chục nhân công nhận hàng về nhà gọt. Để có nhân công làm mình phải đăng lên các hội nhóm tìm việc làm, nhân công làm liên tục cũng không đủ cung cấp cho thị trường. Khách nhắn tin không có thời gian trả lời khách".
Sinh viên "bắt cặp" gọt măng cụt, thu nhập từ 1 triệu đến 1 triệu 300 nghìn/ngày
Nói với chúng tôi, chị Hoàng Thị Thu Hà (chủ vựa) cho biết, trung bình mỗi ngày vựa của chị Hà tiêu thụ hơn 1 tấn măng cụt xanh, thành phẩm từ 100 đến 150kg măng cụt ruột (đã gọt vỏ).
"Nhiều người cứ nói tiền nước quá tiền măng nhưng thật ra không phải, nhìn nó vậy chứ nó cũng không tốn nhiều. Bên em gọt trực tiếp ngay vòi nước, không hao bao nhiêu hết nhưng chất lượng trái măng ruột của mình trắng và giòn hơn. Ngâm chanh với muối trái sẽ không bị đen, còn đá lạnh cho nó giòn trái hơn", chị Hà nói.
Theo chị Hà các nhân công hiện tại phải làm hết công suất trong suốt 8 tiếng đồng hồ mới đủ số lượng măng cụt ruột cung cấp cho thị trường.
Nhóm 2 sinh viên gọt măng cụt kiếm hơn 1 triệu mỗi ngày
"Em đang cho bắt cặp, một người tỉa một người gọt, có cặp gọt trên 10kg, thu nhập 1 ngày từ 1 triệu 200 nghìn đến 1 triệu 300 nghìn, một người được khoảng 650 nghìn đồng. Còn tỉa măng không thôi thì mỗi người được một ngày từ 500 đến 600.000 nghìn. Bên em trả tiền công theo ký".
Theo chị Hà, năm nay được xem là "năm hái ra tiền" của các chủ vựa chuyên bán măng cụt, đặc biệt là măng cụt xanh.
Trung bình, mỗi người thợ có thể gọt ra thành phẩm 5 - 6kg măng cụt/ngày
Vừa gọt măng cụt, bạn Nguyễn Thị Hiền (sinh viên Cao đẳng Giao thông vận tải TPHCM) cho biết, gọt măng cụt chia làm 2 giai đoạn. Trong đó, gọt vỏ là giai đoạn khó nhất nên Hiền bắt cặp với một bạn nam, người gọt phần vỏ, người tỉa lại ruột măng cho đẹp và sạch.
"Gọt vỏ là giai đoạn khó nhất, nếu không khéo thì sẽ phạm vào thịt măng cụt, măng bị hao hụt. Thời gian đầu em được các anh chị ở đây chỉ, nhưng tầm 1 - 2 ngày là quen. Em làm công việc này được 4 - 5 ngày, trước đây khi không có công việc này em đi phục vụ trà sữa ở các quán cà phê, trà sữa. Làm ở đây ổn định hơn, mình không đi ra ngoài, không tốn nhiều chi phí lại ở gần nhà. Ở ngoài có khi mình làm được vài tiếng, còn ở đây em làm được 8 tiếng, thu nhập được khoảng 400 - 500 nghìn/ngày".
1 tấn măng cụt mới cho ra thành phẩm hơn 100kg ruột măng cụt
Theo Hiền, công việc này không quá khó khăn nhưng lại tạo được nguồn thu nhập ổn và đủ trang trải chi phí sinh hoạt ở Sài Gòn cho không ít sinh viên như Hiền.
"Việc làm này đủ chi trả tiền trọ và tiền ăn uống, sinh hoạt hằng ngày của em. Nữ vào làm công việc tỉa sẽ nhàn hơn việc gọt vỏ. Vỏ măng cụt cứng, mình phải dùng sức nhiều để mình gọt vỏ rồi sau đó mới chuyển qua công việc tỉa. Em mất khoảng nửa ngày để quen với công việc gọt vỏ, đôi khi phải mất thời gian để quen với việc điều khiển dao. Mỗi ngày em ra sản lượng từ 6 - 7kg, thu nhập khoảng 400 đến 500 nghìn đồng", bạn Lê Minh Ánh (sinh năm 2002, sinh viên năm 3 trường Cao đẳng Giao thông vận tải TPHCM) bộc bạch.
Chủ vựa tiết lộ lý do ruột măng cụt có giá trên 500.000/kg
Chia sẻ về lý do ruột măng cụt có giá từ 500.000/kg thậm chí có thời điểm lên đến 700.000 đồng/kg, chị Hoàng Thị Thu Hà lý giải với 5 - 6kg măng cụt xanh nhân công sẽ chỉ cho ra thành phẩm khoảng 1kg ruột măng cụt, ngoài ra việc gọt tỉa măng khó nhằn, vựa đa phần phải thuê nhân công nên tiền ruột bị đội giá thành cao.
"Em bán chưa đến 500 nghìn/kg, giá măng cụt đã gọt vỏ trên thị trường cao là vì 4 - 5kg măng cụt sống mới ra được một kg măng cụt ruột, thành phẩm của nó không phải ai làm cũng được. Do trào lưu đang 'nóng' ai cũng đua nhau bán nhưng thật ra rất khó để cho được ruột măng cụt trắng trong như vậy. Công gọt rất cực và hao, sau khi thợ gọt, chủ vựa sẽ kiểm tra quy cách ruột măng cụt, rất nhiều vựa phải loại đi phần ruột không đạt chuẩn".
Nói về bí quyết lựa chọn ruột măng cụt giòn, ngon, chủ vựa măng này cho hay: "Ruột măng cụt trắng sữa ăn vào mới giòn, cứng, ngon, còn sản phẩm bị trong mình ăn không ngon bằng, không bảo quản được lâu.
Măng cụt xanh bán dễ hơn vì nó không hư hao nhiều bằng măng cụt chín, mình kiểm soát được chất lượng, gọt ra trái nào hư mình bỏ, còn măng cụt chín mình không kiểm soát được chất lượng măng cụt".
Cũng theo vựa này, hiện tại vẫn đang là đầu mùa măng cụt nên vựa chỉ kinh doanh măng cụt xanh, nhà vườn chưa có sản phẩm măng cụt chín.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trào lưu làm "gỏi gà măng cụt sống" được lan truyền từ TikTok đã khiến măng cụt xanh tại các vườn "cháy hàng" khi còn chưa vào vụ.