Tiếp thị dịch vụ trên facebook
Đến thời điểm này, rất nhiều người dân ở Lampedusa, Italia vẫn chưa quên được hình ảnh hỗn loạn, tang thương của vụ đắm thuyền chở người di cư từ Libya vào ngày 3-10-2013.
Chỉ có 160 trong tổng số hơn 500 người trên thuyền sống sót. Phần lớn những người di cư mang quốc tịch Eritrea, Somalia và Ghana.
Khi thuyền có dấu hiệu đắm, một số người đã đốt chăn với "nỗ lực điên cuồng" nhằm kêu gọi sự trợ giúp của các nhân viên cứu hộ.
Tuy nhiên, chính hành động này lại làm mọi thứ trở nên tồi tệ hơn khi mọi người trên thuyền hoảng loạn, nhảy xuống biển trong khi một số người khác tập trung về phía đầu thuyền khiến thuyền lật úp.
Bốn năm sau vụ đắm thuyền hồi tháng 10-2013, cuộc khủng hoảng người di cư vẫn tiếp tục diễn ra. Hàng ngàn người tị nạn đã bỏ mạng ở Địa Trung Hải trong những năm sau đó.
Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu, di cư đang là một trong những vấn đề nóng trên thế giới và những đường dây buôn người vẫn có "đất" để hoạt động.
Tiến sĩ Paolo Campana, một chuyên gia nghiên cứu về tội phạm học thuộc Đại học Cambridge nói rằng, "buôn người di cư đang là thị trường hết sức béo bở.
Không có gì lạ khi nhiều người đang làm công việc khác, thậm chí là chủ nhà hàng vẫn "làm thêm" công việc của một kẻ buôn người.
Đây là thị trường có sự cạnh tranh rất lớn. Vì vậy, những kẻ buôn lậu phải cố gắng tìm cách thu hút và thuyết phục khách hàng lựa chọn dịch vụ của mình".
Tiến sĩ Paolo Campana cho biết thêm, tội phạm buôn người di cư đang tìm cách tiếp thị "dịch vụ" của mình qua mạng xã hội, phổ biến nhất là facebook.
"Chưa đến 10 phút tìm kiếm trên facebook, bạn có thể có được thông tin mà mình quan tâm. Tất cả tùy thuộc vào khả năng lướt web của bạn. Trong thời kỳ công nghệ số, facebook là một kênh tiếp thị hiệu quả.
Những đường dây buôn người thu hút khách hàng tiềm năng bằng cách đăng ảnh về chuyến đi thành công, những chiếc thuyền to, đẹp…", Tiến sĩ Paolo Campana nói.
Một phát ngôn viên của facebook nói với phóng viên The Independent (Anh) rằng, facebook đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thực thi pháp luật trên khắp thế giới để khóa bất kỳ trang hoặc bài viết nào giới thiệu về các dịch vụ buôn người trên mạng xã hội.
"Buôn người là hành vi bất hợp pháp. Bất kỳ facebook cá nhân, bài viết nào quảng cáo, tiếp thị cho dịch vụ này đều không được phép đăng tải trên facebook.
Chúng tôi kêu gọi mọi người, khi phát hiện nội dung nào nghi ngờ bất hợp pháp, hãy thông báo với chúng tôi ngay lập tức", phát ngôn viên của facebook nói.
Sự phát triển đáng kinh ngạc
Thực tế cho thấy, ngoài mạng xã hội, "phương pháp truyền miệng" vẫn được thực hiện rất hiệu quả. Không phải ai cũng có thể truy cập vào facebook hay biết cách sử dụng công nghệ. Điều đó có nghĩa là, không ít người tìm đến đường dây buôn người di cư nhờ vào sự giới thiệu của người khác.
"Những người trẻ tuổi có học thức ở Syrians thường tìm kiếm thông tin trên Internet. Nếu bạn lớn tuổi hơn, không biết cách sử dụng công nghệ thì bạn phải dựa vào gia đình, bạn bè và "phương pháp truyền miệng" truyền thống", Tiến sĩ Campana nói.
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, không giống như các hình thức khác của tội phạm có tổ chức, buôn lậu người bất hợp pháp là "thị trường tự do tinh vi" và có sự phát triển đáng kinh ngạc.
Ước tính, tội phạm buôn người di cư kiếm được khoảng 35 tỷ đô la/năm. |
Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) cho hay, khoảng 1,8 triệu khu vực biên giới bất hợp pháp được ghi nhận từ giữa năm 2010 và 2016.
IOM ước tính, tội phạm buôn người di cư kiếm được khoảng 35 tỷ đô la/năm kể từ khi diễn ra cuộc khủng hoảng người di cư những năm gần đây.
Tiến sĩ Campana nhận định, đấu tranh với tội phạm buôn người gặp nhiều thách thức. Một trong những nguyên nhân của vấn đề này là do sự bùng nổ nạn người di cư. Bên cạnh đó, có nhiều người tham gia vào đường dây buôn người.
"Cấu trúc băng nhóm tội phạm buôn người có sự khác biệt so với tội phạm có tổ chức khác. Mafia, kiểu "bố già" điển hình không tồn tại. Các nhóm buôn người hoạt động riêng rẽ, phân tán", Tiến sĩ Campana nói.