Trong một vài ngày xung đột leo thang vừa qua, quân đội Israel đã mở đợt không kích dữ dội vào Dải Gaza, tấn công mạng lưới địa đạo của lực lượng Phong trào Hồi giáo Hamas.
Dẫn lời quan chức quân sự Israel, tờ Washington Post đưa tin tổng cộng 160 máy bay chiến đấu các loại của quốc gia này đã tấn công trên 150 mục tiêu dưới lòng đất tại Dải Gaza phía Bắc, nhằm gây thiệt hại lớn đối với mạng lưới đường hầm dày đặc của Hamas được đưa vào sử dụng từ năm 2006.
Các cuộc tấn công được triển khai ngay sau khi Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) thông báo binh sĩ đã tiến vào Dải Gaza – một tuyên bố sau đó đã được rút lại và đính chính.
Một số hãng truyền thông Israel nghi ngờ tuyên bố trên của IDF là một cái bẫy, muốn lùa các tay súng xuống hầm để tấn công. Động cơ này đã được Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tiết lộ trong một tuyên bố ngày 14/5.
“Chúng ta đã tấn công các mục tiêu dưới lòng đất. Hamas nghĩ chúng có thể ẩn náu ở đó. Các tay thủ lĩnh Hamas nghĩ chúng có thể thoát khỏi cuộc tấn công của Israel. Tuy nhiên, điều đó là không thể”, Thủ tướng Netanyahu nhấn mạnh.
Cửa vào đường hầm của Hamas tại Dải Gaza. Ảnh: Reuters
Israel thường xuyên cáo buộc các tay súng Hamas sử dụng đường hầm khi xảy ra các cuộc xung đột ở Gaza. Không giống như tên lửa để lại bằng chứng rõ ràng về sự tồn tại của chúng khi bắn, rất khó để có thể xác minh chi tiết về mạng lưới đường hẩm bí ẩn và cách thức sử dụng chúng.
Tuy nhiên, trong các cuộc phỏng vấn với truyền thông phương Tây, các thủ lĩnh của phong trào Hamas đã xác nhận mạng lưới đường hầm này thực sự tồn tại. Họ miêu tả mạng lưới này là một sự “đổi mới”, nhấn mạnh việc xây dựng chúng chỉ mang tính chất phòng thủ và ám chỉ ngay cả khi bị lực lượng Israel phá hủy, Hamas vẫn còn rất nhiều đường hầm.
Dựa trên hình ảnh chụp bên trong đường hầm của Hamas mà Israel giành được quyền kiểm soát, mạng lưới đường hầm là một quần thể kiến trúc phức tạp với tường bê tông, trang bị điện lưới và xe kéo.
Các tuyến đường hầm lần đầu tiên xuất hiện ở Dải Gaza là nhằm phản ứng trước lệnh phong tỏa của Israel sau khi Hamas giành quyền kiểm soát. Ban đầu, mạng lưới này được sử dụng để buôn lậu hàng hóa và mang mục đích kinh doanh bất hợp pháp thay vì phục vụ chiến đấu.
Tuy nhiên, mục đích sử dụng của mạng lưới ngầm này đã thay đổi vào năm 2006. Vào thời điểm đó, lực lượng Hamas đã sử dụng đường hầm để bắt Gilad Shalit – một binh sĩ Israel. Người này đã bị giam giữ trong 5 năm trước khi được thả như một phần của thỏa thuận trao đổi tù nhân năm 2011.
Trong Chiến tranh Gaza năm 2014, Hamas đã công bố đoạn video quay cảnh các tay sung che kín mặt, mang súng tự động và súng phóng lựu bò lên từ dưới lòng đất qua một lỗ hố. Các quan chức Israel cho biết quân đội nước này đã bị những tay súng bò từ dưới mặt đất lên phục kích.
Khoảng 30 đường hầm đã bị phá hủy trong cuộc xung đột năm 2014. Lúc đó, giới chức Israel tiết lộ từ năm 2007, Hamas đã xây dựng được trên 1.300 đường hầm với tổng chi phí lên tới 1,25 tỷ USD.
Thủ tướng Netanyahu bày tỏ lo ngại mạng lưới đường hầm này sẽ được sử dụng để bắt cóc không chỉ binh lính mà cả dân thường Israel.
Trong một nghiên cứu mới nhất, chuyên gia Rami Abu Zubaydah làm việc tại Viện Nghiên cứu Ai Cập chỉ ra các tay súng Hamas từng tiết lộ hệ thống đường hầm được sử dụng với nhiều mục đích chiến lược khác nhau, bao gồm tác chiến, nơi hội họp của thủ lĩnh và kho dự trữ rocket, vũ khí.
Israel đã đưa ra nhiều phương án để đối phó với mạng lưới đường hầm phức tạp này. Phát biểu bên lề hội nghị của Ủy ban Các vấn đề Công cộng Israel (AIPAC) tại Washington vào năm 2018, một quan chức đứng đầu bộ phận tác chiến chống ngầm của đơn vị công nghệ quân đội Israel khoe rằng nước này phát triển những công nghệ mới để tìm ra các tuyến đường hầm.
Bên cạnh đó, Israel cũng sở hữu một số loại vũ khí có khả năng tấn công dưới lòng đất, trong đó phần nhiều ban đầu được thiết kế để tấn công các boongke của Iran.